Trong công tác này, VKSND tối cao rút ra các dạng vi phạm phổ biến trong công tác THADS tại các địa phương như sau.
1. Chấp hành viên (CHV) không thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật THADS trong việc áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án (THA) để xác minh làm rõ, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản của người phải THA trước khi thực hiện việc cưỡng chế kê biên tài sản.
2. Vi phạm Điều 89 Luật THADS: Trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm, CHV không yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản đã đăng ký (Vi phạm khoản 1 Điều 89). Sau khi kê biên tài sản, CHV không có văn bản thông báo cho cơ quan đăng ký về việc kê biên tài sản đó để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 178 của Luật THADS (Vi phạm khoản 2 Điều 89).
|
|
VKSND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) kiểm sát cưỡng chế, kê biên tài sản thi hành án dân sự. |
3. Vi phạm khoản 2 Điều 88 và khoản 1, 3 Điều 111 Luật THADS: Khi tiến hành kê biên tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, CHV không yêu cầu người phải THA, người đang quản lý giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất nộp các giấy tờ đó cho Cơ quan THADS.
Nội dung Biên bản kê biên không mô tả cụ thể tình trạng tài sản, vị trí, ranh giới của các thửa đất theo quy định; cá biệt có Biên bản kê biên thể hiện “có sơ đồ đo đạc kèm theo" (nhưng thực tế không có sơ đồ kèm theo). Nhiều vụ việc, CHV kê biên không đúng, không đầy đủ tài sản theo thực trạng, nhất là các tài sản có giá trị lớn được lắp đặt, gắn liền trong các tòa nhà cao tầng như: Thang máy, hệ thống điều hòa âm trần, hệ thống máy phát điện...
4. Vi phạm khoản 3 Điều 58 và khoản 1, 2, 3 Điều 112 Luật THADS: Sau khi kê biên là quyền sử dụng đất, CHV không lập biên bản tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng diện tích đất đã kê biên theo quy định.
5. Vi phạm Điều 98 Luật THADS: Ngay sau khi kê biên tài sản, CHV không lập biên bản ghi nhận ý kiến của đương sự thỏa thận về giá tài sản kê biên hoặc tổ chức thẩm định giá (Vi phạm khoản 1 Điều 98).
6. Vi phạm điểm b khoản 1 Điều 99 Luật THADS: CHV ký hợp đồng dịch vụ thẩm định giá lại theo đơn yêu cầu của người được THA đã quá thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá.
7. Vi phạm điểm b khoản 5 Điều 10 Luật Giá năm 2012; khoản 3, khoản 5 Điều 20 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn: CHV cung cấp không chính xác, không đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản kê biên cần thẩm định giá cho Tổ chức thẩm định giá.
8. CHV không thực hiện trách nhiệm của người có tài sản trong việc thẩm định giá tài sản THA, nên không kịp thời phát hiện vi phạm của Tổ chức thẩm định để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
9. Vi phạm khoản 1 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (sau đây gọi là Luật Đấu giá tài sản) và tiểu mục 1.2 Công văn số 957/BT-BTTP ngày 17/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp: CHV không thực hiện đúng quy định về việc thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan THADS và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn Tổ chức đấu giá tài sản.
10. Vi phạm khoản 2 Điều 101 Luật THADS: CHV ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản quá hạn. Đây là vi phạm phổ biến ở hầu hết cơ quan THADS các cấp.
11. CHV vi phạm không thông báo, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản kê biên cho Tổ chức đấu giá theo quy định.
12. Vi phạm khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ (Nghị định số 33/2020): CHV ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản THA, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, đã quy định cho người mua được tài sản đấu giá được nộp tiền mua tài sản bằng “tiền mặt".
|
|
Kiểm sát viên VKSND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên tài sản thi hành án dân sự. |
13. CHV không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 Luật Đấu giá tài sản về việc “Giám sát quá trình tổ chức đấu giá thực hiện việc đấu giá" nên không kịp thời phát hiện vi phạm của Tổ chức đấu giá, của đấu giá viên để thực hiện quyền yêu cầu dừng việc tổ chức đấu giá, dừng cuộc đấu giá, đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại các điểm c, d, đ khoản 1 Điều 47 Luật Đấu giá tài sản.
14. Vi phạm khoản 4 Điều 27, khoản 5 Điều 49 Nghị định số 62/2015 (được sửa, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 33/2020) về việc gửi tiền bán đấu giá tài sản: Theo quy định thì trong thời gian chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá, cơ quan THADS làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo hình thức gửi tiền có kỳ hạn 1 tháng cho đến khi giao được tài sản... Tuy nhiên, qua kiểm sát đã phát hiện có nhiều trường hợp chậm gửi tiết kiệm; người gửi tiết kiệm không đứng tên cơ quan THADS mà đứng tên cá nhân.
15. Vi phạm Điều 47, khoản 2 Điều 126 Luật THADS; khoản 13 Điều 1 Nghị định số 33/2020, Điều 18 Thông tư 04/2023/TT-BTP của Bộ Tư pháp về việc trả lại tiền, tài sản, việc thanh toán tiền cho đương sự, như: Chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá nhưng đã thực hiện việc thanh toán tiền cho người được THA; chậm chi trả tiền THA và chi trả tiền THA không đúng thứ tự do pháp luật quy định; chứng từ thu, chi tiền THA không đầy đủ và chặt chẽ...
16. Vi phạm khoản 5 Điều 115 Luật THADS về việc trích lại khoản tiền thuê nhà cho người phải thi hành án: Không có căn cứ xác định người phải THA không có chỗ ở và không tạo lập được chỗ ở mới; trích lại tiền thuê nhà nhưng chưa có cơ sở xác định giá thuê nhà ở địa phương tại thời điểm trích lại tiền...