Không để xảy ra điểm nóng, gây mất ổn định an ninh chính trị

VKSND tối cao vừa ban hành Hướng dẫn số 31/HD-VKSTC về công tác thực hành quyền công tố (THQCT) và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án an ninh năm 2024.

Về nhiệm vụ công tác trọng tâm, Hướng dẫn nêu rõ: VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao về THQCT, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự tại các chỉ thị, chuyên đề, thông báo chỉ đạo nghiệp vụ; các hướng dẫn nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm của VKSND tối cao (Vụ 1) và các đơn vị thuộc VKSND tối cao.

Chủ động phối hợp, quản lý chặt chẽ tình hình vi phạm, tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm khác thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) và các đơn vị nghiệp vụ an ninh; xử lý kịp thời đúng pháp luật các vụ việc phát sinh, không để xảy ra điểm nóng, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao chất lượng THQCT trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Coi trọng chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc. Tham mưu với cấp ủy địa phương giải quyết các vụ án, vụ việc có đối tượng là cán bộ, đảng viên và các trường hợp khác theo đúng quy định của Đảng và pháp luật. 

Bảo đảm việc áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn có căn cứ, đúng pháp luật; thực hiện báo cáo chuyên đề “Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố” đúng nội dung, thời hạn quy định. Chú trọng phát hiện, tổng hợp vi phạm để kiến nghị khắc phục và kiến nghị phòng ngừa.

Kiên quyết không thụ lý nguồn tin không rõ dấu hiệu của tội phạm

Đối với việc THQCT, kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm, theo Hướng dẫn của VKSND tối cao: VKS kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm, nhất là nguồn tin do các đơn vị nghiệp vụ an ninh tiếp nhận, thụ lý giải quyết. Kiên quyết không thụ lý nguồn tin không rõ dấu hiệu của tội phạm, không đúng thẩm quyền. 

leftcenterrightdel
 Kiểm sát việc thu giữ vật chứng trong vụ án hình sự về “Làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả” (Ảnh minh hoạ).

Trường hợp thụ lý, quyết định giải quyết không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật, thì yêu cầu hoặc ra quyết định hủy bỏ; chống hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại; hạn chế việc thụ lý nguồn tin sau đó ra quyết định không khởi tố hoặc tạm đình chỉ giải quyết.

Chủ động, kịp thời đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh ngay từ khi thụ lý nguồn tin về tội phạm; tích cực phối hợp với CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh. Kiểm sát chặt chẽ các quyết định giải quyết nguồn tin, bảo đảm việc xử lý có căn cứ, đúng pháp luật. Đối với nguồn tin xâm phạm an ninh quốc gia hoặc trường hợp phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, VKS địa phương chấp hành nghiêm việc báo cáo VKSND tối cao (Vụ 1) theo Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân (ban hành theo Quyết định số 279/QĐ-VKSTC ngày 1/8/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao) và quy định của Đảng.

Trong THQCT, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, VKS phối hợp với Cơ quan ANĐT nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ điều tra, giải quyết các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, các vụ án nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, dư luận xã hội quan tâm. Trường hợp cần thiết hoặc theo quy định của Đảng, của Ngành, VKSND địa phương phải kịp thời báo cáo trực tiếp cấp ủy địa phương và VKSND cấp trên trước khi khởi tố, xử lý. Kiên quyết yêu cầu hoặc ra quyết định chuyển vụ án trong trường hợp Cơ quan ANĐT tiến hành điều tra không đúng thẩm quyền.

Nắm chắc tiến độ, kết quả điều tra để chủ động đề ra yêu cầu điều tra. Tăng cường tham gia các hoạt động khám xét, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, hỏi cung, lấy lời khai,... bảo đảm việc hỏi cung bị can có ghi âm, ghi hình có âm thanh theo quy định. Quá trình giải quyết vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, phải làm rõ hành vi, động cơ, mục đích phạm tội; tổ chức, cá nhân chỉ đạo, cung cấp tiền, công cụ, phương tiện; chủ động yêu cầu, phối hợp với CQĐT thu thập chứng cứ vật chất (tài liệu, dữ liệu điện tử,...), công tác trưng cầu giám định tài liệu để chứng minh hành vi phạm tội; nghiên cứu kỹ hồ sơ để quyết định việc khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn theo đúng quy định của pháp luật.

Kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng, thay đổi hủy bỏ các các biện pháp ngăn chặn; không để xảy ra việc bắt, tạm giữ, tạm giam không có căn cứ, trái pháp luật. Quản lý chặt chẽ thời hạn điều tra, truy tố, tạm giữ, tạm giam; không để quá hạn, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm Điều 377 Bộ luật Hình sự. Đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài, cần phối hợp, yêu cầu CQĐT thực hiện đúng quy định tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, các quy định của pháp luật Việt Nam về việc giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài, không để xảy ra sai sót, vi phạm dẫn đến khiếu kiện. Thực hiện đúng quy trình, thủ tục trong trường hợp cần tương trợ tư pháp; nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp cụ thể, rõ ràng và sát với yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án, vụ việc

Bảo đảm việc truy tố có căn cứ, đúng thời hạn, tội danh theo quy định của pháp luật. Cáo trạng và các văn bản pháp lý trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia cần ngắn gọn, tránh phân tích dài dòng, không trích dẫn nguyên văn các nội dung tài liệu chống Đảng, Nhà nước, bôi xấu lãnh tụ, nội dung tài liệu bí mật Nhà nước. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên tiến hành hỏi cung, ghi lời khai, áp dụng các biện pháp điều tra để củng cố căn cứ truy tố; không để xảy ra sai sót xâm phạm quyền con người, quyền công dân, nhất là với các đối tượng có nhân thân đặc biệt (người nước ngoài, nhân sỹ, trí thức, chức sắc tôn giáo,...). Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy địa phương, lãnh đạo VKSND tối cao theo quy định.

Nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, nhất là chất lượng tranh tụng tại phiên tòa; thực hiện đúng quy chế của Ngành về công tác xét xử. Trước khi xét xử các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, VKS chủ động phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án để chuẩn bị kỹ kế hoạch xét xử, lựa chọn thời điểm xét xử, hình thức xử kín hay công khai để đáp ứng yêu cầu pháp luật và chính trị; đồng thời, chủ động phương án bảo đảm an ninh, an toàn và định hướng dư luận đối với các vụ án phức tạp, nhạy cảm. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên chủ động xét hỏi, tranh luận, bảo vệ quan điểm truy tố, phản biện luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, lợi dụng phiên tòa để chống Đảng, Nhà nước.

Mặt khác, VKSND địa phương chủ động phối hợp với VKSND tối cao (Vụ 1) giải quyết tốt các vụ án do VKSND tối cao (Vụ 1) truy tố, chuyển Tòa án địa phương xét xử sơ thẩm theo Quyết định số 314/QĐ-VKSTC ngày 5/7/2018 của VKSND tối cao về phối hợp giữa VKS cấp trên và VKS cấp dưới trong việc giải quyết vụ án hình sự do VKS cấp trên THQCT, kiểm sát điều tra, truy tố và phân công cho VKS cấp dưới THQCT, kiểm sát xét xử sơ thẩm. Kiểm sát viên của Vụ 1 và VKS địa phương được phân công THQCT, kiểm sát xét xử sơ thẩm phải xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ để phối hợp thực hiện tốt việc xét hỏi, tranh tụng, đối đáp tại phiên tòa; trước khi xét xử phải báo cáo, đề xuất mức án, sau khi xét xử có báo cáo kết quả xét xử, đề xuất việc kháng nghị.

Ngoài ra, VKS cần quản lý tình hình, số liệu, lập hồ sơ kiểm sát đúng quy định của VKSND tối cao. Thực hiện nghiêm quy định tại khoản 5, Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nghiệp vụ như số hóa hồ sơ vụ án, tổng hợp chứng cứ, báo cáo án bằng sơ đồ tư duy.

P.V