VKSND huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) cho biết, đơn vị vừa mới ban hành kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
|
|
Kiểm sát viên VKSND huyện Đắk Glong kiểm sát các hoạt động điều tra một vụ án hình sự. |
Qua hoạt động kiểm sát việc giải quyết nguồn tin tội phạm và khởi tố, điều tra các vụ án hình sự, VKSND huyện Đắk Glong nhận thấy, thời gian qua, tội phạm liên quan đến tín dụng đen trên địa bàn huyện xuất hiện và có xu hướng gia tăng.
Cụ thể, năm 2022, các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện và xử lý 2 vụ án/4 bị can. Trong tháng 7/2023, tiếp tục phát hiện, khởi tố điều tra 2 vụ án/4 bị can cùng về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, quy định tại Điều 201 BLHS.
Phương thức, thủ đoạn thực hiện tội phạm của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng việc cầm đồ, cho vay đáo hạn ngân hàng dưới hình thức thế chấp, viết giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất để cho vay tiền với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính.
Cụ thể, mức lãi suất dao động từ 3.000 - 5.000 đồng/1 triệu/ngày, tương đương 109% - 182,5%/ năm, cao gấp 5,4 lần đến 9,1 lần mức lãi suất cao nhất Bộ luật Dân sự quy định.
Quá trình hoạt động, nhóm đối tượng là người địa phương, có mối quan hệ quen biết với người có nhu cầu vay sẽ trực tiếp liên hệ, thẩm định tài sản, thỏa thuận về cách thức cho vay, lãi suất, phụ trách việc thu tiền lãi. Sau đó, sẽ kết hợp, huy động nguồn tiền (có cả những đối tượng ở các địa phương khác tham gia) để cho vay, rồi chia nhau số tiền thu lợi bất chính…
Với thủ đoạn nói trên, từ ngày 26/9/2022 đến ngày 11/01/2023, Đặng Đình Văn (SN 1998) và Nguyễn Thanh Việt (SN 1994, cùng trú tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) đã cho bà L. (SN 1987, trú cùng xã) vay số tiền 500 triệu đồng, lãi suất 3.000 đồng/1 triệu/ngày, thu lợi bất chính 172 triệu đồng.
Tiếp đó, từ ngày 10/01/2023 đến ngày 14/4/2023, Nguyễn Thị Nhuận (SN 1976), Phạm Ngọc Tuấn (SN 1983, cùng trú tại xã Quảng Sơn) cho ông S. (SN 2000, trú cùng xã) vay 170 triệu đồng đồng, lãi suất 5.000 đồng/1 triệu/ ngày, thu lợi bất chính 92.850.000 đồng.
Theo VKSND huyện Đắk Glong, nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm, vi phạm nêu trên trước hết là do đời sống của người dân trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, sau đợt “sốt đất” giai đoạn 2020 - 2022, trình độ nhận thức một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế nên thường phải tìm đến các dịch vụ “đáo hạn”, thế chấp quyền sử dụng đất để vay tiền với lãi suất cao nhằm giải quyết nhu cầu cuộc sống trước mắt.
Hơn nữa, công tác tuyên truyền pháp luật liên quan các giao dịch dân sự chưa được quan tâm đúng mức. Việc triển khai các nguồn vốn vay, hỗ trợ của nhà nước chưa kịp thời, cần nhiều thủ tục khiến người dân khó có cơ hội tiếp cận vay vốn. Việc kiểm tra, quản lý các cơ sở, cá nhân kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ chưa được quan tâm đúng mức…
Trước tình hình trên, VKSND huyện Đắk Glong đã ban hành kiến nghị Chủ tịch UBND huyện áp dụng một số biện pháp để phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Cụ thể, chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân về các văn bản về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói khoản vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền rộng rãi qua nhiều kênh thông tin đại chúng về những phương thức, thủ đoạn của cá nhân, tổ chức cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của tín dụng đen. Từ đó, giúp cho người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật…
Chỉ đạo cơ quan chức năng siết chặt việc cấp giấy chứng nhận dịch vụ kinh doanh cầm đồ. Rà soát các ngành nghề kinh doanh thường bị các đối tượng hoạt động tín dụng đen lợi dụng, núp bóng hoạt động, dễ phát sinh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật.
Đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh huyện Đắk Glong, các ngân hàng thương mại cổ phần, tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn báo cáo, đề xuất ngân hàng chủ quản, Ngân hàng Nhà nước cung cấp thêm nhiều nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, có cơ chế, chính sách tín dụng phù hợp để người dân trên địa bàn huyện, nhất là những hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được tiếp cận, vay vốn tín dụng ngân hàng phục vụ đời sống, cung ứng thêm vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế./.