Ngày 10/8, tại Nhà văn hóa đa năng xã Bản Cái, VKSND huyện Bắc Hà (Lào Cai) phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức 2 phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm đối với 2 bị cáo Thào A Sếnh (SN 1971) và Tráng A Tú (SN 1971), cùng trú tại thôn Ma Sín Chải, xã Bản Cái, huyện Bắc Hà về tội Hủy hoại rừng theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 243 Bộ luật hình sự.

Đây là hai trong số các vụ án được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, chỉ đạo.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên công bố cáo trạng và tranh luận tại hai phiên tòa. 

Theo VKSND huyện Bắc Hà, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện Bắc Hà nói chung và địa bàn xã Bản Cái nói riêng, tình hình bà con nhân dân phát, phá, xâm lấn rừng tự nhiên có chiều hướng gia tăng và diễn biến tương đối phức tạp, tác động xấu đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái rừng.

Nguyên nhân xuất phát từ thực tế hiện nay việc trồng rừng thay thế nương rẫy đem lại lợi ích, đặc biệt là cây quế đem lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện được đời sống nhân dân; vì vậy, bà con nhân dân đã tự ý hủy hoại, lấn chiếm đất rừng tự nhiên. Bên cạnh đó là sự thiếu hiểu biết của bà con nhân dân, không nhận thức được đầy đủ hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của quần chúng nhân dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đặc biệt là ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi vi phạm và tội phạm liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ rừng, VKSND huyện Bắc Hà phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức 2 phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm trên tại Nhà văn hóa đa năng xã Bản Cái. 

Vụ thứ nhất: Theo Cáo trạng truy tố của VKSND huyện Bắc Hà, do nhu cầu lấy đất để trồng cây quế phát triển kinh tế gia đình, khoảng đầu tháng 10/2021, Thào A Sếnh mang 1 dao phát của gia đình, sau đó bảo vợ là Ma Thị Chí (SN 1968) cùng đi lên khu vực rừng Vầu tự nhiên thuộc Tiểu khu 315B, thôn Ma Sín Chải, xã Bản Cái, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai để phát. phá cây, Sếnh không nói rõ về nguồn gốc của khu rừng cho bà Chí biết.

Trong quá trình phát, phá rừng, một số người dân trong thôn biết và đến phát, phá giúp gia đình Sếnh với mục đích đổi, trả công, trong một ngày thì phát xong. Quá trình điều tra xác định được tổng diện tích rừng thiệt hại 30.285 m2 gồm:  27.585 m2 rừng tự nhiên phòng hộ và 2.700 m2 rừng tự nhiên sản xuất.

Giá trị thiệt hại theo Kết luận định giá tài sản là 8.176.950 đồng (trong đó: rừng tự nhiên phòng hộ 7.447.950 đồng và rừng tự nhiên sản xuất 729.000 đồng).

leftcenterrightdel
 Phiên tòa xét xử lưu động vụ án hình sự sơ thẩm diễn ra tại Nhà văn hóa đa năng xã Bản Cái có sự tham gia, dõi theo của nhiều người dân địa phương. 

Vụ thứ hai: Do có nhu cầu làm kinh tế rừng, khoảng cuối tháng 9/2021, Tráng A Tú mang 1 dao phát của gia đình. sau đó bảo vợ là Ma Thị May (SN 1972) cùng đi lên khu rừng ở gần nhà để phát phá cây, Tú không nói rõ về nguồn gốc của khu rừng cho chị May biết.

Trong quá trình phát phá rừng, một số người dân trong thôn biết và đến phát phá giúp gia đình Tú với mục đích đổi, trả công, trong một ngày thì phát xong. Quá trình điều tra xác định được khu vực rừng bị phát phá là rừng Vầu tự nhiên núi đất (VAU) rừng giàu thuộc lô 33, 36 khoảnh 10; các lô 01, 48 khoảnh 11, Tiểu khu 315B, thôn Ma Sín Chải, xã Bản Cái, huyện Bắc Hà, tổng diện tích rừng thiệt hại 18.760 m2 gồm 13.950 m2 rừng tự nhiên phòng hộ và 4.810 m2 rừng tự nhiên sản xuất.

Giá trị thiệt hại theo Kết luận định giá tài sản là 5.065.200 đồng (trong đó: rừng tự nhiên phòng hộ 3.766.500 đồng và rừng tự nhiên sản xuất 1.298.700 đồng).

Tại các phiên tòa, Kiểm sát viên đã thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử; đồng thời, tích cực, chủ động tham gia thẩm vấn, tranh luận với những người tham gia tố tụng, làm rõ hành vi phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.

Trên cơ sở đề nghị của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Thào A Sếnh 6 năm tù và Tráng A Tú 5 năm 6 tháng tù.

Đây là hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo và là bài học cho những ai coi thường pháp luật, vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng.

Thực tế cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình lao động sản xuất, phát triển kinh tế để nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, bà con nhân dân cần phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Mọi hành vi phát, phá, xâm lấn, hủy hoại rừng thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác trái pháp luật đều bị nghiêm cấm và bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, trong việc quy hoạch, giao, cấp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên của một số cơ quan, ban ngành còn nhiều bất cập, chồng chéo; một bộ phận đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng năng lực còn hạn chế.

Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, người thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, có nhiều biện pháp tuyên truyền để bà con nhân dân nhận thức đầy đủ hơn những quy định của pháp luật về Lâm nghiệp; đặc biệt là nâng ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ rừng chính là bảo vệ trái tim, lá phổi của mỗi chúng ta. Đồng thời, nâng cao hơn nữa tinh thần tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật cho bà con nhân dân, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi hủy hoại rừng, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

 

Lê Vân Anh