Tòa án hai cấp xác định sai quan hệ pháp luật

Theo nội dung vụ án, ngày 20/12/2011, Công ty chứng khoán KENAGA (Công ty KVS) và  Tổng Công ty bất động sản Đông Á (Tổng Công ty Đông Á)  ký Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư số 01/HDTUVDT/KVS-DA với nội dung: Công ty KVS góp 25 tỉ đồng  để hợp tác với Tổng Công ty Đông Á  nhằm hoàn thiện và đưa vào kinh doanh dự án “Khu resort - Bình Cầu - Quảng Châu - Quảng Xương - Thanh Hóa”.

Thời hạn đầu tư 10 tháng, kể từ ngày giải ngân, lợi nhuận 2%/tháng, thời hạn trả lợi nhuận hàng tháng vào ngày 5 đến ngày mùng 10 hàng tháng. Quá trình  thực hiện Hợp đồng, ngày 4/6/2014, hai bên ký Phụ lục Hợp đồng, Công ty KVS đồng ý gia hạn thêm một kỳ hạn 9 tháng đầu tư với Tổng Công ty Đông Á, kể từ ngày 25/12/2013 đến ngày 25/9/2014. 

Thực hiện hợp đồng, Công ty KVS đã chuyển 25 tỉ đồng cho Tổng Công ty Đông Á. Do Tổng Công ty Đông Á không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo cam kết nên Công ty KVS đã khởi kiện ra Tòa án.

Quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng của vụ kiện, ngày 31/5/2016, Công ty KVS thay đổi nội dung khởi kiện từ tranh chấp hợp đồng đầu tư sang quan hệ vay tài sản để yêu cầu Tòa án giải quyết. Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 12/2016/KDTM- ST ngày 25/7/2016 của TAND TP Thanh Hóa và Bản án phúc thẩm số 16/2016/KDTM-PT ngày 10/10/2016 của  TAND tỉnh Thanh Hóa đều tuyên hợp đồng cho vay vốn giữa hai bên là vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Đồng nghĩa với phán quyết này là Tổng Công ty Đông Á chỉ trả số tiền gốc, không phải trả cho Công ty KVS một đồng lãi nào.

“Giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật”

Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, ngày 28/4/2017, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 09/2017/KN-KDTM đối với Bản án phúc thẩm số 16/2016/KDTM-PT nói trên. Nhưng, sau đó, tại Quyết định số 04/2017/RKN-KDTM ngày 23/11/2017, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đã rút toàn bộ quyết định kháng nghị. Ngày 5/12/2017, TAND cấp cao tại Hà Nội ra Quyết định số 36/2017/QĐ- GĐT đình chỉ xét xử giám đốc thẩm vụ án này. 

leftcenterrightdel
Công ty chứng khoán KENAGA (ảnh lớn). Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội (ảnh nhỏ). 

Công ty KVS khiếu nại tới các cơ quan Trung ương đối với hai quyết định vừa nêu của TAND cấp cao tại Hà Nội.  Sau khi xem xét hồ sơ, kiểm tra tài liệu, chứng cứ và nhận định, đánh giá  bản chất của vụ việc, ngày 27/7/2018, tại Quyết định số 06/QĐKNGĐT-VC1-KDTM, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội đã có Quyết định kháng nghị Bản án số 16/2016/KDTM-PT ngày 10/10/2016 của TAND tỉnh Thanh Hóa.  

Quyết định kháng nghị số 06/QĐKNGĐT-VC1-KDTM của VKSND cấp cao tại Hà Nội nêu rõ: “Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm xác định toàn bộ phần nội dung vay vốn theo Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư số 01 và Phụ lục kèm theo được ký kết giữa Công ty KVS với Tổng Công ty Đông Á bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật là không chính xác.

Đồng thời chỉ buộc Tổng Công ty Đông Á phải trả số tiền vay gốc cho Công ty KVS mà không buộc phải trả lãi, không xem xét đến lỗi của Đông Á và thiệt hại do hợp đồng vô hiệu là không đầy đủ, khách quan”. Quyết định cũng nêu rõ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng điểm a, khoản 1, Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Quyết định “tâm phục, khẩu phục”

Tại Quyết định giám đốc thẩm số 01/2019/KDTM-GĐT ngày 21/1/2019, TAND cấp cao tại Hà Nội đã chỉ ra hàng loạt vấn đề của vụ án. Cụ thể, đối với trình bày của Tổng Công ty Đông Á về việc Công ty KVS cho vay 25 tỉ đồng là giao dịch vô hiệu, vi phạm điều cấm của pháp luật. TAND cấp cao cho rằng, ngoài 3 loại hình KVS được phép hoạt động là môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu ký chứng khoán thì theo khoản 3, Điều 60 Luật Chứng khoán (sửa đổi, bổ sung năm 2010) còn quy định: Công ty chứng khoán được cung cấp các dịch vụ tài chính khác.

Ngoài ra, theo Điều 11 Nghị định 102/2010/CP ngày 1/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Doanh nghiệp 2005 thì doanh nghiệp có quyền chủ động đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh không cần phải xin phép, xin chấp thuận, hỏi ý kiến cơ quan quản lý Nhà nước nếu ngành nghề kinh doanh đó không thuộc ngành nghề cấm kinh doanh.

Tại thời điểm Công ty KVS cho Tổng Công ty Đông Á vay 25 tỉ đồng thì Luật Chứng khoán chỉ quy định công ty chứng khoán không được cho khách hàng vay tiền để mua chứng khoán, mà không có quy định cấm công ty chứng khoán cho cá nhân, tổ chức vay tiền ở các loại hình cho vay khác. Quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC ngày 24/4/2007 cũng quy định tương tự. 

Chỉ từ khi có Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính ban hành (có hiệu lực ngày 15/1/2013) thay thế Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC và  Quyết định 126/2008/QĐ-BTC thì tại Điều 43 mới có quy định: “Công ty chứng khoán không được cho vay tiền và chứng khoán dưới mọi hình thức”. Như vậy, tại thời điểm Công ty KVS cho Tổng Công ty Đông Á vay tiền và gia hạn thì giao dịch đều phát sinh trước ngày 15/1/2013 nên giao dịch nói trên giữa hai công ty không vi phạm điều cấm của pháp luật.

Do đó, giao dịch cho vay tài sản giữa các bên vẫn có hiệu lực theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Dân sự 2005. Đồng thời, tại Công văn số 302/UBCK-QLKD ngày 12/1/2018 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi TAND cấp cao cũng có quan điểm tương tự. Do đó, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hủy toàn bộ bản án phúc thẩm, sơ thẩm nêu trên theo quy định; Giao hồ sơ vụ án cho TAND TP Thanh Hóa giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Một quyết định được dư luận, những người quan tâm đến vụ việc đánh giá cao, thật sự “tâm phục, khẩu phục”...

Phán quyết của TAND cấp cao là  như vậy, song đã hơn nửa năm trôi qua, vì lý do nào đó mà đến nay, vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử lại theo quy định, không biết  TAND TP Thanh Hóa  sẽ “ngâm”  tiếp vụ án đến khi nào?

Hưng Thành