Theo nội dung vụ án, vào năm 2017, các bị cáo: Đến, Gấm,  Tiền, Lăng, Bảy, Bé Ba cùng nhau dàn cảnh đánh ghen đối với ông N.V.T. để chiếm đoạt tài sản với số tiền 3.500.000 đồng, trong đó Gấm giả làm người bán dâm cho ông T., còn Đến giả làm chồng của Gấm.

Sau khi xảy ra sự việc, ông T. đã trình báo đến Công an huyện Cao Lãnh nên hành vi của các đối tượng bị phát hiện, xử lý. Đến ngày 30/3/2018, TAND huyện Cao Lãnh đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Tại Bản án số 13/2018/HS-ST ngày 30/3/2018, TAND huyện Cao Lãnh tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Văn Tiền 4 năm tù, Nguyễn Văn Bảy 3 năm 6 tháng tù, Trần Văn Lăng 3 năm tù; Bùi Thị Bé Ba 1 năm tù.

Áp dụng điểm a, khoản 2 Điều 135, điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, điểm h khoản 1 Điều 48, Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, HĐXX tuyên phạt Võ Minh Đến và Lê Thị Hồng Gấm, mỗi bị cáo mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về Tội Cưỡng đoạt tài sản. 

Kiểm sát bản án, VKSND huyện Cao Lãnh nhận thấy, việc Tòa sơ thẩm xét xử tuyên cho bị cáo Gấm và Đến được hưởng án treo là khác với quan điểm đề nghị của Viện Kiểm sát, chưa tương xứng với tính chất, mức độ do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra. 

leftcenterrightdel
Bị cáo Võ Minh Đến và Lê Thị Hồng Gấm tại phiên tòa. 

VKSND huyện Cao Lãnh đã báo cáo, đề nghị VKSND tỉnh Đồng Tháp kháng nghị phúc thẩm vụ án. Ngày 26/4/2018, Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định Kháng nghị phúc thẩm số 07/VKS-P7 ngày 26/4/2018 với nội dung: đề nghị áp dụng các quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xét xử đối với các bị cáo; tăng hình phạt tù đối với bị cáo Lăng; giữ nguyên hình phạt tù nhưng không cho bị cáo Đến và bị cáo Gấm được hưởng án treo.

Tại Bản án phúc thẩm số 128/2018/HS-PT ngày 11/6/2018, TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên: Chấp nhận một phần kháng nghị về việc áp dụng pháp luật của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, tăng hình phạt đối bị cáo Lăng; Không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Tháp về việc giữ nguyên hình phạt tù nhưng không cho hưởng án treo đối với các bị cáo Đến và bị cáo Gấm.

Không đồng tình với quyết định của Bản án phúc thẩm số 128/2018/HS-PT của TAND cùng cấp, VKSND tỉnh Đồng Tháp có văn bản đề nghị VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự phúc thẩm này. Chấp nhận đề nghị của VKSND tỉnh Đồng Tháp, ngày 22/10/2018, VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 172/QĐ-VC3-V1, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao hủy  bản án hình sự phúc thẩm và bản án hình sự sơ thẩm để xét xử lại đối với bị cáo Đến và bị cáo Gấm.

Ngày 19/2/2019, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử theo trình tự giám đốc thẩm đối với hai bị cáo Đến và Gấm. Tại Quyết định số 03/2019/HS-GĐT ngày 19/2/2019, Tòa đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP HCM về việc hủy một phần Bản án hình sự phúc thẩm số 128/2018/HSPT ngày 11/6/2018 của TAND tỉnh Đồng Tháp và một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 13/2018/HSST ngày 30/3/2018 của TAND huyện Cao Lãnh để xét xử lại về phần hình phạt đối với bị cáo Võ Minh Đến và Lê Thị Hồng Gấm.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 21/6/2019, HĐXX xét hành vi, tính chất, vai trò của hai bị cáo Đến và Gấm trong vụ án là nghiêm trọng. Các  bị cáo cùng tham gia thực hiện tội phạm với sự câu kết chặt chẽ, có bàn bạc và phân công sắp đặt vai trò từng người cụ thể. Do đó, việc VKSND huyện Cao Lãnh  truy tố các bị cáo về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 2 Điều 135 BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật… Tuy nhiên, cần áp dụng quy định của BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 để xét xử các bị cáo trong vụ án là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 41/2017/QH14.

Từ đó,  TAND huyện Cao Lãnh đã tuyên phạt hai bị cáo Đến và Gấm đồng mức án 3 năm tù. Đây cũng chính là mức án mà VKSND huyện Cao Lãnh đã đề nghị ở phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 30/3/2018 nhưng không được Tòa án chấp nhận.

Hoàng Anh