Nội dung vụ án và quá trình giải quyết

Qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng (Viện cấp cao 2) nhận thấy việc giải quyết vụ án dân sự "Tranh chấp chia di sản thừa kế và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)", giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Hữu V với bị đơn là ông Nguyễn Hữu X đã được xét xử tại Bản án dân sự sơ thẩm số 32/2023/DS-ST ngày 9/8/2023 của TAND tỉnh P có vi phạm, do đó, Viện cấp cao 2 vừa ban hành Thông báo số 69/TB-VKS-DS ngày 20/9/2024 rút kinh nghiệm đối với việc kiểm sát giải quyết vụ án này.

Nội dung vụ án thể hiện: Cha mẹ nguyên đơn là cụ Nguyễn Hữu Q (chết 1993) và cụ Trần Thị T (chết 2008) có 10 người con. Cụ Q và cụ T tạo lập được căn nhà cấp 4, gắn liền diện tích đất khoảng 900m2 và diện tích đất rẫy khoảng 600m2. Sau khi cụ Q chết, cụ T quản lý số tài sản này.

Ngày 25/6/2004, cụ T và các con đã lập Biên bản họp gia đình phân chia đất cho các con. Đối với phần đất trống còn lại chưa xây nhà, diện tích (7m x 32m) để cho cụ T dưỡng già. Sau khi cụ T chết, ông Nguyễn Hữu X và bà Huỳnh Thị Th (vợ ông X) đã làm thủ tục và được cấp GCNQSDĐ ngày 31/10/2013 đối với thửa đất 78, tờ bản đồ 20, diện tích 917,4m2 (bao gồm cả phần đất 7m x 32m chưa chia). Ông Nguyễn Hữu V khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đối với diện tích đất 188,50m2 (theo đo đạc thực tế) tại thửa đất 78 và yêu cầu hủy GCNQSDĐ đã cấp cho vợ chồng ông X và bà Th. Ông V đề nghị được nhận hiện vật để làm nhà thờ cúng ông, bà và ông V sẽ trả giá trị kỷ phần thừa kế cho những người liên quan.

Bị đơn ông Nguyễn Hữu X cho rằng sau khi cụ Nguyễn Hữu Q chết. Ngày 25/6/2004, mẹ và các anh, chị, em trong gia đình có họp thống nhất phân chia tài sản. Riêng phần đất trống diện tích (7m x 32m) để lối đi bề ngang 1,5m. Mẹ ông có nói ông phải có trách nhiệm nuôi dưỡng mẹ, lo hậu sự cho mẹ sau khi chết thì được nhận diện tích đất này. Các anh chị em trong gia đình đều đồng ý. Sau khi mẹ chết năm 2008, ông đã thực hiện đúng theo lời của mẹ nên diện tích đất này là của ông. Ông X không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. (Ảnh minh hoạ)

Quá trình giải quyết vụ án thể hiện, Bản án sơ thẩm số 32/2023/DS-ST ngày 9/8/2023 của TAND tỉnh P, tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Hữu V về việc chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Hữu Q, cụ Nguyễn Thị T đối với diện tích đất 188,50m2 đất hàng năm khác (có 67,6m2 đất hành lang giao thông ) thuộc một phần thửa 78, tờ bản đồ số 20, diện tích 917,4m2.

Chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản cụ Q, cụ T như sau: Giao diện tích đất 188,50m2… cho ông V quản lý, sử dụng. Ông V không được quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (Có sơ đồ bản vẽ kèm theo)…

Hủy GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số BQ 035624, cấp ngày 31/10/2013… cho vợ chồng ông X, bà Th.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện cấp cao 2 đề nghị căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015; chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn; hủy toàn bộ bản án sơ thẩm; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh P giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Bản án dân sự phúc thẩm số 99/2024/DS-PT ngày 8/4/2024 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng quyết định: Chấp nhận kháng cáo của bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 32/2023/DS-ST ngày 9/8/2023 của TAND tỉnh P; chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh P giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Trong vụ án trên, theo Viện cấp cao 2, có những vấn đề cần rút kinh nghiệm. Cụ thể, nguồn gốc thửa đất số 78, tờ bản đồ số 20 diện tích 917,4m2 là của cụ Nguyễn Hữu Q (chết 1993) và cụ Trần Thị T (chết 2008) để lại, không có di chúc. Hai cụ có 10 người con.

Tại Biên bản họp gia đình ngày 25/6/2004, cụ Trần Thị T và các con đã phân chia tài sản là thửa đất 78, nhưng không chia phần đất trống liền kề với nhà cấp 4 mà để cho cụ T dưỡng già. Sau khi cụ T chết, vợ chồng ông X và bà Th đã được UBND huyện H cấp GCNQSDĐ ngày 31/10/2013, đối với thửa đất số 78 bao gồm cả phần đất chưa chia (7m x32m). Do đó, ông V khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế diện tích đất 188,5m2 và yêu cầu hủy GCNQSDĐ đã cấp cho vợ chồng ông X và bà Th.

Sau khi được cấp GCNQSDĐ, ông X và bà Th đã tặng cho con trai anh Nguyễn Hữu T toàn bộ diện tích đất tranh chấp. Ngày 24/12/2018, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện H đã chỉnh lý biến động sang tên anh T. Như vậy, thửa đất được xác định là di sản thừa kế đã thuộc quyền quản lý, sử dụng của anh T từ năm 2018, nhưng khi giải quyết vụ án, tòa án cấp sơ thẩm không đưa anh T vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là vi phạm khoản 4 Điều 68 BLTTDS năm 2015, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của anh T.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm đã chia thừa kế diện tích đất 188,50m2 cho các đồng thừa kế và tuyên, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, các đương sự có trách nhiệm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục điều chỉnh, đăng ký kê khai đối với phần đất được quyền quản lý, sử dụng theo quy định pháp luật, nhưng không có sơ đồ thửa đất kèm theo bản án nên không thể thi hành án được. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án.

P.V