Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện một số Thông tư liên tịch trong ngành KSND mới được VKSND tối cao tổ chức, đồng chí Đỗ Mạnh Bổng, Vụ trưởng Vụ 3, VKSND tối cao đã giới thiệu sự cần thiết ban hành, quá trình xây dựng cũng như những nội dung cơ bản của Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 quy định về phối hợp giữa CQĐT và VKS trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTLT số 04/2018).

Quy định cụ thể việc thay đổi người tiến hành tố tụng

Liên quan đến việc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Điều 4 TTLT số 04/2018 đã quy định cụ thể việc thay đổi người tiến hành tố tụng, quan hệ phối hợp giữa CQĐT và VKS trong trường hợp này. Theo đó, khi thực hiện, Kiểm sát viên cần lưu ý một số nội dung, đó là: Trường hợp Thủ trưởng CQĐT cấp Trung ương tiến hành tố tụng đối với vụ án thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, thì Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Lãnh đạo VKSND tối cao quyết định giao một Phó Thủ trưởng CQĐT tiến hành tố tụng đối với vụ án (trường hợp này chỉ phát sinh ở cấp trung ương).

leftcenterrightdel
 Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), VKSND tối cao Đỗ Mạnh Bổng giới thiệu những nội dung cơ bản của TTLT số 04/2018

Khi Viện trưởng VKSND cấp huyện, Viện trưởng VKS quân sự khu vực; Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKS quân sự cấp quân khu thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, thì VKS phải báo cáo ngay với Viện trưởng VKS cấp trên trực tiếp để ra quyết định phân công một Phó Viện trưởng của VKS đó thay thế. Trường hợp VKS đó không có Phó Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng thuộc một trong những trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi thì CQĐT, VKS báo cáo CQĐT, VKS cấp trên trực tiếp để CQĐT cấp trên trực tiếp rút vụ án để điều tra.

Nếu Thủ trưởng CQĐT và Viện trưởng VKS trực tiếp tiến hành tố tụng đối với vụ án thì Thủ trưởng CQĐT phải có văn bản thông báo gửi cho VKS và Viện trưởng VKS phải có văn bản thông báo gửi cho CQĐT. Văn bản này được đưa vào hồ sơ vụ án.

Sửa đổi thời hạn VKS xem xét, xử lý quyết định không khởi tố vụ án hình sự của CQĐT

Về thời hạn VKS phải xem xét, xử lý quyết định không khởi tố vụ án hình sự của CQĐT, TTLT số 04/2018 đã sửa đổi thời hạn VKS xem xét, xử lý quyết định không khởi tố vụ án hình sự của CQĐT từ 03 ngày xuống còn 02 ngày (khoản 2 Điều 7). Lý do sửa đổi đó là: VKS cũng đã có thời gian thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm của CQĐT; đã nắm được nội dung vụ việc cũng như các tài liệu, chứng cứ kèm theo. Đồng thời, để tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có thời gian tiến hành các thủ tục chuyển các quyết định kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có 03 ngày để chuyển kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự).

Bên cạnh đó, TTLT số 04/2018 đã bổ sung nhiều nội dung mới liên quan đến việc thông báo giữa VKS và CQĐT trước khi tiến hành các hoạt động điều tra (Điều 12, Điều 13). Cụ thể, trong giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên thông báo cho Điều tra viên trước khi trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra. Điều tra viên có trách nhiệm phối hợp với Kiểm sát viên để thực hiện các hoạt động điều tra khi được yêu cầu; trường hợp Điều tra viên vắng mặt thì chậm nhất 02 giờ trước khi Kiểm sát viên tiến hành một số hoạt động điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên biết.

Trong giai đoạn truy tố, nếu thấy cần phối hợp với CQĐT thì chậm nhất 24 giờ trước khi tiến hành một số hoạt động điều tra, VKS thông báo cho CQĐT thời gian, địa điểm tiến hành một số hoạt động điều tra để phân công Điều tra viên cùng phối hợp thực hiện; trường hợp Điều tra viên vắng mặt thì chậm nhất 02 giờ trước khi Kiểm sát viên tiến hành một số hoạt động điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên biết.

Chậm nhất 24 giờ trước khi tiến hành đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên thời gian, địa điểm tiến hành. Trường hợp Kiểm sát viên không thể tham gia được, thì chậm nhất 02 giờ trước khi Điều tra viên tiến hành, Kiểm sát viên phải thông báo cho Điều tra viên biết lý do để ghi vào biên bản.

Ngay sau khi VKS phê chuẩn lệnh khám xét, Điều tra viên trao đổi, thống nhất với Kiểm sát viên về thời gian và địa điểm tiến hành khám xét để Kiểm sát viên tham gia. Trường hợp bất khả kháng, Kiểm sát viên vắng mặt thì chậm nhất 02 giờ trước khi Điều tra viên tiến hành, Kiểm sát viên phải thông báo cho Điều tra viên biết lý do để ghi vào biên bản.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Vụ 3, VKSND tối cao, trong quá trình nghiên cứu, triển khai, thực hiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 và TTLT số 04/2018, Kiểm sát viên cũng cần lưu ý một số quy định hoàn toàn mới so với TTLT trước đây, đó là: Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ một số biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội mà VKS có thẩm quyền phê chuẩn như biện pháp tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân thương mại liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại; buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án (Điều 24); việc áp dụng, thực hiện, hủy bỏ, kết thúc việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 25, Điều 26, Điều 27)…

TTLT số 04/2018 được xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và quá trình thực hiện Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; đồng thời, tăng cường quan hệ phối hợp giữa CQĐT, VKS trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và trách nhiệm của CQĐT, VKS trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định.

 

P.V