Đối với vi phạm bỏ sót vợ hoặc chồng tham gia tố tụng đối với trường hợp tài sản thế chấp đứng tên một người trong thời kỳ hôn nhân, Hướng dẫn nêu rõ, nhiều trường hợp Tòa án chỉ căn cứ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và tài sản khác gắn liền với đất đứng tên một người vợ hoặc chồng thế chấp, nên chỉ đưa người này tham gia tố tụng mà không đưa người còn lại vào tham gia tố tụng dẫn đến những thiếu sót, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, vì liên quan nguồn gốc, công sức đóng góp hình thành tài sản, những thỏa thuận về tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Quá trình giải quyết vụ án không phát hiện thiếu sót này dẫn đến nhiều vụ án bị hủy ở cấp giám đốc thẩm.

Ví dụ, vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn Ngân hàng S với bị đơn Công ty Đ, người liên quan là bà Nguyễn Thị C, Nguyễn Thị T... Tại bản án phúc thẩm số 10/2015/KDTM-PT ngày 20/8/2015 của TAND cấp cao quyết định: Giữ nguyên bản án sơ thẩm buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền khoảng 24,7 tỉ đồng, nếu không thanh toán được thì xử lý tài sản thế chấp, trong đó có nhà đất tại 477 Nguyễn Văn Cừ...

Trong vụ án này, tài sản thế chấp là nhà đất tại 477 Nguyễn Văn Cừ, thành phố H, có nguồn gốc năm 1995 bà C mua có hợp đồng công chứng, nhưng chưa sang tên. Ngày 16/2/2001, bà C cùng chồng là ông Nguyễn Thiện C1 bán nhà đất 477 Nguyễn Văn Cừ này cho ông Nguyễn Văn Th với giá 1,2 tỉ đồng. Nhưng năm 2004, bà C tự làm thủ tục kê khai và được cấp GCNQSDĐ và thế chấp Ngân hàng S cho Công ty Đ vay tiền. 

Trong vụ án trên, dù trong vụ án có liên quan đến ông C1, nhưng Toà án chưa thu thập chứng cứ làm rõ quan hệ hôn nhân giữa ông C1 và bà C và quyền lợi của ông C1 đối với nhà 477 Nguyễn Văn Cừ; đồng thời hành vi dùng 1 tài sản thực hiện nhiều giao dịch là có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng Toà án chưa làm rõ việc bà C có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không để xử lý hình sự, là không đúng.

leftcenterrightdel
Thảo luận kế hoạch kiểm sát. (Ảnh minh hoạ: Nguồn BVPL) 

Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên cần lưu ý, trường hợp tài sản đứng tên một người thời kỳ hôn nhân không chỉ xem xét nội dung GCNQSDĐ, mà còn phải căn cứ Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung vợ chồng. 

Đặc biệt, có trường hợp phải áp dụng Điều 15 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 quy định: “Vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới” và những quy định có liên quan để xem xét kỹ nguồn gốc hình thành tài sản, tài sản nhận chuyển nhượng hay được tặng cho, được thừa kế, nếu đứng tên riêng thì xem xét những thỏa thuận về tài sản riêng của vợ hoặc chồng; những tài liệu, chứng cứ kèm theo. 

Trường hợp cần thiết phải xác minh hồ sơ cấp GCNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất để xem xét về nguồn gốc hình thành tài sản. Phải xem xét đưa chồng hoặc vợ (người không đứng tên trong GCNQSDĐ) vào tham gia tố tụng với tư cách đương sự để giải quyết triệt để, toàn diện vụ án.

Một vi phạm khác được VKSND tối cao lưu ý đó là việc bỏ sót thành viên hộ gia đình có quyền đối với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đứng tên “hộ gia đình”. Có trường hợp Tòa án bỏ sót thành viên hộ gia đình tham gia tố tụng, dẫn đến không ít bản án, quyết định bị hủy sửa. 

Ví dụ, vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn là Ngân hàng X với bị đơn là Công ty HQ. Theo GCNQSDĐ mà vợ chồng anh Cao Huy Q và Nguyễn Thị T thế chấp năm 2010 có tên sử dụng đất là hộ Cao Huy Q hoặc là hộ Cao Huy Q, Nguyễn Thị T để bảo đảm khoản vay cho Công ty HQ. Theo các Sổ hộ khẩu thể hiện ông Cao Huy H (cha ông Q) ở cùng vợ chồng anh Q cho đến năm 2012 mới tách hộ. Trong khi đó, các GCNQSDĐ đều được cấp năm 2004 và 2006. Tòa án không đưa thành viên hộ gia đình (ông H) tham gia tố tụng là thiếu sót.

Đối với những trường hợp này, Kiểm sát viên áp dụng Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất” và Điều 212 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về sở hữu chung của các thành viên gia đình, có những thành viên nào đủ từ 15 tuổi trở lên (Điều 109 BLDS năm 2005), người thành niên (Điều 212 BLDS năm 2015) để kiểm sát việc Tòa án xác định đầy đủ các thành viên có quyền về tài sản vào tham gia tố tụng nhằm xem xét, xử lý triệt để vụ án. 

Để xác định có bao nhiêu người trong hộ gia đình thực sự có quyền về tài sản, cần lưu ý không chỉ căn cứ vào nội dung GCNQSDĐ, sổ hộ khẩu, mà cần phải xác định rõ ai mới là thành viên của hộ thực sự có quyền về tài sản.

P.V