Trong 10 tháng đầu năm 2021, VKSND huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) tiếp tục chú trọng phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp trong việc tổ chức các phiên tòa hình sự, dân sự rút kinh nghiệm, xem đây là giải pháp quan trọng trong công tác tự đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của đơn vị.

Về vấn đề này, đồng chí Viện trưởng VKSND huyện A Lưới Đinh Văn Bảo cho biết: Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà còn cả với cán bộ, Kiểm sát viên theo dõi phiên tòa.

leftcenterrightdel
 Phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm tại VKSND huyện A Lưới

Thông qua mỗi phiên tòa, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tự mình kiểm điểm lại những lời nói, hành vi, quyết định của mình trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án, để tự rút kinh nghiệm, đồng thời còn nhờ những ý kiến góp ý thẳng thắn, chân thành của cán bộ, Kiểm sát viên theo dõi phiên tòa mà sửa chữa sai sót, khuyết điểm mắc phải.

Cán bộ, Kiểm sát viên theo dõi phiên tòa cũng học hỏi được kinh nghiệm xét hỏi, tranh luận, phát biểu, xử lý tình huống phát sinh tại phiên tòa từ kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử.

Theo Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 139/QĐ-VKSTC ngày 29/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao, thì mỗi Kiểm sát viên mỗi năm phải xét xử ít nhất 2 phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm, 1 phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm.

Trên cơ sở chỉ tiêu này, Kế hoạch công tác và ý kiến chỉ đạo của VKSND cấp trên, ngay từ đầu năm, Viện trưởng VKSND huyện A Lưới đã chỉ đạo xây dựng, ban hành văn bản phân công cụ thể chỉ tiêu phiên tòa rút kinh nghiệm đối với từng đồng chí lãnh đạo, Kiểm sát viên, đồng thời yêu cầu toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên phải tham gia nghiêm túc các phiên tòa rút kinh nghiệm để góp ý, giúp đồng chí mình sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm và học tập kinh nghiệm lẫn nhau.

Ngay trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, đơn vị đã chủ động xem xét, lựa chọn các vụ án trọng điểm, vụ án được dư luận xã hội quan tâm, bảo đảm các tiêu chí, điều kiện để lên kế hoạch, dự kiến tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. những vụ án phức tạp, có nhiều vấn đề cần tranh luận thì lãnh đạo đơn vị trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, đã tạo điều kiện cho cán bộ, Kiểm sát viên của đơn vị trực tiếp quan sát, học tập kinh nghiệm, từ đó nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ.

Đơn vị cũng hết sức chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc số hóa hồ sơ vụ án, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa, qua đó góp phần giúp Kiểm sát viên tiết kiệm được nhiều thời gian tìm kiếm, khai thác tài liệu, chứng cứ, nâng cao chất lượng nghiên cứu hồ sơ, báo cáo án và tăng tính chủ động, thuyết phục trong xét hỏi, tranh tụng, phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa.

 
leftcenterrightdel
KSV phát biểu tại phiên tòa dân sự (Ảnh: Duy Phương) 

Ngay sau các phiên tòa, đơn vị đều tổ chức cuộc họp để xem xét lại và rút kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến vụ án và hoạt động của Kiểm sát viên trước, trong và sau phiên tòa như: việc lập hồ sơ kiểm sát, dự thảo đề cương xét hỏi, đề cương tranh luận, bản phát biểu quan điểm của Kiểm sát viên; việc xét hỏi, trình bày luận tội, tranh luận, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa; trang phục, tác phong và kỹ năng giao tiếp của Kiểm sát viên tại phiên tòa…

Điển hình là phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm đối với vụ án: Hồ Xuân Thách, Hồ Văn Lê, Hồ Văn Yên, Hồ Ngọc Hoàng, Hồ Xuân Thở và Nguyễn Văn Phượng về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” quy định tại khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).  Tham dự phiên tòa có toàn thể lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên của đơn vị.

Theo cáo trạng của VKSND huyện A Lưới: Vào khoảng 9h, ngày 7/6/2020, Hồ Xuân Thách, Hồ Văn Lê, Hồ Văn Yên, Hồ Ngọc Hoàng và Hồ Xuân Thở có hành vi dùng súng thể thao bắn chết 3 cá thể Voọc Chà vá chân nâu tại lô 9, khoảnh 6, tiểu khu 266 thuộc rừng cộng đồng A Niêng, xã Trung Sơn, huyện A Lưới.

Ngày 10/6/2020, cả nhóm đưa 3 cá thể Vọoc chà vá chân nâu săn bắt được về nhà Hồ Xuân Thở ở xã Hồng Vân, huyện A Lưới, sau đó mang bán 3 cá thể Voọc này (trọng lượng 28kg) cho Nguyễn Văn Phượng với giá 2,8 triệu đồng. Đến ngày 11/6/2020, trong khi Nguyễn Văn Phượng đang chế biến 3 cá thể Voọc Chà vá chân nâu thì bị tổ tuần tra của Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân phát hiện, lập biên bản vi phạm và chuyển hồ sơ cho Hạt kiểm lâm, Cơ quan điều tra Công an huyện A Lưới giải quyết theo thẩm quyền.

Voọc Chà vá chân nâu là động vật quý có tên trong phụ lục I, danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ; đồng thời có tên trong nhóm IB, danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ và Phụ lục Công ước về buôn bán Quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp CITES ban hành kèm theo Thông báo số 296/TB-CTVN-HTQT ngày 27/11/2019 của cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trong vụ án này, trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên đã tiến hành sắp xếp hồ sơ khoa học, số hóa đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án với hơn 800 bút lục, xây dựng đề cương xét hỏi, tranh luận hết sức cụ thể, chi tiết, chuẩn bị chu đáo các tài liệu, chứng cứ cần phải trình chiếu.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã trình chiếu nội dung Cáo trạng, các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo lên màn hình, tạo nên sức thuyết phục khi công bố Cáo trạng, xét hỏi và tranh luận. Cả 6 bị cáo nhận thức đầy đủ về hành vi phạm tội của mình và cúi đầu nhận tội, những người bào chữa đồng tình và Hội đồng xét xử quyết định hình phạt, mức án phù hợp với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.

leftcenterrightdel
 KSV công bố Cáo trạng tại phiên tòa hình sự

Ngoài ra, trước giờ khai mạc phiên tòa, Kiểm sát viên đã trình chiếu phóng sự, hình ảnh về ý nghĩa khoa học, sự cần thiết phải bảo vệ loài Voọc Chà vá chân nâu, cũng như quy định của pháp luật trong việc xử lý các hành vi săn bắt, mua bán trái phép loại động vật này, góp phần tuyên tuyền, phổ biến pháp luật một cách sinh động, hiệu quả đến người dân có mặt tại phiên tòa.

Kết thúc phiên tòa, đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, các ý kiến đều thống nhất rằng Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, xử lý tốt các tình huống phát sinh tại phiên tòa, công bố Cáo trạng rõ ràng, xét hỏi đầy đủ, đúng trọng tâm, trình bày luận tội và tranh luận thuyết phục với người bào chữa, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin tốt…,Viện trưởng VKSND huyện A Lưới phát biểu ghi nhận, đánh giá cao về phiên tòa này và yêu cầu mỗi cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị nghiêm túc tiếp thu, học hỏi để làm tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử.

Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Tòa án tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm không ngừng nâng cao năng lực của Kiểm sát viên tại các phiên tòa.

 

Nguyễn Cao Cường