Thời gian qua, VKSND các cấp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm sát, trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin vào số hóa hồ sơ vụ án và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại các phiên tòa đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành.

Số hóa hồ sơ vụ án giúp lưu trữ hồ sơ được tốt, Kiểm sát viên sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian tìm kiếm, khai thác tài liệu, chứng cứ; nâng cao chất lượng nghiên cứu hồ sơ, báo cáo án và tăng tính chủ động, thuyết phục khi xét hỏi, tranh tụng, phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa…

Tuy vậy, thực tiễn thực hiện công tác này vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc và chưa được thống nhất về thời điểm số hóa hồ sơ, trang thiết bị phục vụ việc số hóa, trình chiếu, việc bảo mật tài liệu số hóa.

leftcenterrightdel
 KSV VKSND huyện A Lưới (tình Thừa Thiên Huế) trình chiếu nội dung Cáo trạng tại phiên tòa

Vì vậy, để công tác số hóa hồ sơ vụ án, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại các phiên tòa được thực hiện hiệu quả, thống nhất, từ thực tiễn công tác, chúng tôi có một số đề xuất như sau:

Một là, VKSND tối cao sớm xây dựng, ban hành quy trình số hóa hồ sơ, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa.

Hai là, VKSND tối cao phối hợp với liên ngành Trung ương thống nhất xây dựng văn bản phối hợp về công tác số hóa hồ sơ vụ án, bảo mật, chia sẽ, sử dụng tài liệu số hóa…

Ba là, từ thực tiễn thực hiện công tác này, chúng tôi thấy rằng, một Kiểm sát viên mà vừa thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, vừa phải tìm kiếm, trình chiếu tài liệu, chứng cứ sẽ gặp nhiều khó khăn, hiệu quả mang lại không cao. Do đó, với vụ án có trình chiếu tài liệu, chứng cứ, lãnh đạo Viện kiểm sát nên bố trí thêm Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên giúp cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong việc tìm kiếm, trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa.

Hiện chưa có quy định về việc tham gia phiên tòa của Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm tra viên tại VKSND cấp tỉnh và Kiểm tra viên tại VKSND cấp huyện nên muốn thực hiện được việc này thì cần phải bổ sung quy định Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm tra viên có nhiệm vụ, quyền hạn tham gia phiên tòa để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vào Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Bổ sung vào Quy chế nghiệp vụ của Ngành các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên khi tham gia phiên tòa hỗ trợ cho Kiểm sát viên và các quy định cụ thể hướng dẫn thực hiện nội dung này.

leftcenterrightdel
 Công bố chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa (VKS Mai Sơn, Sơn La)

Trước mắt, theo chúng tôi, Viện kiểm sát các cấp có thể ban hành công văn trao đổi hoặc xây dựng quy chế phối hợp với Tòa án trong công tác xét xử, trong đó có nội dung cho phép Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tham gia phiên tòa để giúp Kiểm sát viên trong hoạt động trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa.

Bốn là, lãnh đạo các đơn vị quan tâm, phối hợp với các cơ sở đào tạo để tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, Kiểm sát viên nhằm nâng cao kỹ năng  ứng dụng công nghệ thông tin. Chương trình bồi dưỡng, tập huấn trước hết cần bám sát các nội dung, yêu cầu của công tác số hóa hồ sơ, báo cáo án, trình chiếu tài liệu bằng hình ảnh…

Năm là, VKSND nghiên cứu, xây dựng Quy chế phối hợp với Tòa án trong việc xét xử các vụ án, trong đó quan tâm phối hợp cụ thể trong việc trang bị, lắp đặt các trang thiết bị phục vụ phiên tòa có trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh; vị trí ngồi của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên giúp việc cho Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, Kiểm sát xét xử tại phiên tòa…

Sáu là, định kỳ tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về công tác này nhằm tổng hợp các kinh nghiệm, cách làm hay và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Anh Minh