Theo đó, Bộ luật TTHS đã sửa đổi, bổ sung hệ thống những nguyên tắc cơ bản để phù hợp với các yêu cầu của cải cách tư pháp và Hiến pháp năm 2013 về vấn đề bảo đảm quyền con người nói chung, bình đẳng giới nói riêng như: TTHS được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội. Do đó, quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần bảo đảm không có sự phân biệt về giới, đặc biệt tránh gây tổn thương cho phụ nữ.

Khi tiến hành các biện pháp điều tra mang tính nhạy cảm cao về giới như xem xét dấu vết trên thân thể, Bộ luật TTHS quy định: “Việc xem xét dấu vết trên thân thể phải do người cùng giới tiến hành và phải có người cùng giới chứng kiến. Trường hợp cần thiết thì có thể mời bác sĩ tham gia. Nghiêm cấm xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xem xét dấu vết trên thân thể” (khoản 2, Điều 203).

Đối với thủ tục công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố tại phiên tòa, Điều 308 Bộ luật TTHS quy định trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật đời tư của cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu của người tham gia tố tụng hoặc tự xét thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử không công bố các tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm cho người tham gia tố tụng, nhất là người bị hại bị xâm hại tình dục, danh dự, nhân phẩm.

leftcenterrightdel
Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao trình bày nội dung về nhận thức và áp dụng pháp luật trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại phụ nữ, trẻ em

Cùng với đó, nhằm kịp thời bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác khi có nguy cơ bị đe dọa tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản (nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương, bị xâm phạm như phụ nữ), Bộ luật TTHS đã bổ sung một chương mới (Chương XXXIV), bao gồm các quy định về người được bảo vệ; cơ quan, người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; các biện pháp bảo vệ; đề nghị, yêu cầu áp dụng các biện pháp bảo vệ; quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; chấm dứt việc bảo vệ; hồ sơ bảo vệ.

Theo VKSND tối cao, trên cơ sở các quy định nêu trên, hoạt động tố tụng được tiến hành chính xác, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân của những người tham gia tố tụng, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương, bị xâm hại như phụ nữ. Đồng thời, giúp cho những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể lựa chọn được cách ứng xử phù hợp nhất; vừa có thể thực hiện được tốt hơn trách nhiệm của mình, vừa có nhiều cơ hội để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ trong quan hệ TTHS.

Bên cạnh đó, các quy định về cơ chế pháp lý đầy đủ, thuận lợi giúp cho người tham gia tố tụng, trong đó bao gồm phụ nữ có thể tiếp cận tốt hơn về quyền yêu cầu và quyền được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết yêu cầu liên quan đến công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân của người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác (người bị hại, người làm chứng…). Các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có căn cứ pháp lý đầy đủ hơn, thủ tục chặt chẽ, thuận lợi hơn trong việc giải quyết vụ án hình sự, bảo đảm xử lý đúng đắn, kịp thời, nghiêm minh tội phạm và người phạm tội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong TTHS.

 

P.V