Áp dụng đúng đắn, chính xác các biện pháp ngăn chặn

Theo lãnh đạo Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2), VKSND tối cao cho biết, biện pháp ngăn chặn là các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự quy định tại Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự, do người có thẩm quyền tiến hành quyết định áp dụng đối với bị can, bị cáo, người phạm tội quả tang hoặc người bị nghi là phạm tội, nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội của họ, không để họ tiếp tục phạm tội mới hoặc cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử… Việc áp dụng đúng đắn, chính xác các biện pháp ngăn chặn là bảo đảm cần thiết cho việc phát hiện chính xác, nhanh chóng, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với kẻ phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Để thực hiện được yêu cầu này đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn phải cao hơn, nhất là trách nhiệm của Viện kiểm sát. Trong quá trình kiểm sát, ngoài việc chú ý đến mục đích của việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, Kiểm sát viên cần phải bảo đảm thực hiện tốt hơn các nguyên tắc: “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân”, “Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật”, “Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể” và “Bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân…”.

Tuy nhiên, từ các quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng cho thấy, một số quy định về các biện pháp ngăn chặn có xung đột nên gây khó khăn trong việc giải quyết các vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng như nguyên tắc “Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể”, nếu thực hiện triệt để nguyên tắc này thì có thể phải bỏ qua hoặc vi phạm nguyên tắc khác, hoặc “Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng” nhưng trên thực tế để xác định bị can phạm tội ở mức nào thì phải có kết quả điều tra mới xác định được… Trên thực tế, trong trường hợp này cần ưu tiên áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

leftcenterrightdel
Quang cảnh hội thảo trao đổi về kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án, vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em do VKSND tối cao tổ chức 

Các vụ án về loại tội xâm hại tình dục trẻ em là tội phạm được quan tâm đặc biệt hơn, vì mức độ nguy hại gây ra cho bị hai rất lớn, việc thu thập chứng cứ chứng minh rất khó, nên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên cần kịp thời yêu cầu Điều tra viên phải thu thập ngay những tài liệu quan trọng xác định về nhân thân, về tính chất của vụ án. Trong trường hợp cần thiết phải phối hợp với Điều tra viên để lấy lời khai làm rõ trước khi đề xuất lãnh đạo quyết định phê chuẩn, áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn.

Khởi tố bị can là việc CQĐT hoặc VKS xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể bằng một quyết định để bắt đầu tiến hành các hoạt động tố tụng đối với người đó với tư cách là bị can. Quyết định khởi tố bị can phải bảo đảm đầy đủ tài liệu, chứng cứ xác định người đó đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể được quy định trong BLHS. Để phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Quyết định thay đổi hoặc bổ sung Quyết định khởi tố bị can bảo đảm có căn cứ, chính xác, Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên gửi đầy đủ, kịp thời các tài liệu để chứng minh hành vi phạm tội của người bị khởi tố, theo quy định tại Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự.

Trong trường hợp CQĐT chưa cung cấp đầy đủ các tài liệu theo quy định, mà đã đủ căn cứ phê chuẩn thì Kiểm sát viên vẫn có thể đề xuất lãnh đạo Quyết định phê chuẩn và yêu cầu Điều tra viên bổ sung sau. Trong trường hợp đã cung cấp tài liệu nhưng chưa đủ căn cứ để xem xét phê chuẩn, nếu yêu cầu Điều tra viên điều tra thu thập bổ sung thêm tài liệu cho đầy đủ căn cứ thì không bảo đảm về thời gian, như hết hạn thời hạn tạm giữ, nếu không tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn thì khó có thể khám phá vụ án, thì cần xem xét nếu những căn cứ thiếu đó có thể điều tra thu thập được thì vẫn đề xuất phê chuẩn, nếu những căn cứ đó kéo dài việc điều tra cũng không thu thập được thì kiên quyết không phê chuẩn, để bảo đảm việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu điều tra và phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chưa quy định cụ thể việc bảo vệ nạn nhân, người bị hại. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ (Điều 62), người bị hại yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa. Điều 30 Luật trẻ em quy định trẻ em có quyền được bảo vệ trong quá trình tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm quyền được bảo chữa và tự bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; được trợ giúp pháp lý, được trình bày ý kiến, không bị tước quyền tự do trái pháp luật; không bị tra tấn, truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể, gây áp lực về tâm lý và các hình thức xâm hại khác. Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em nêu rõ: Mọi thông tin, thông báo, tố giác trong quá trình tiếp nhận, xác minh phải được bảo mật vì lợi ích, sự an toàn của người cung cấp thông tin và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em có liên quan. Quá trình cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ cho việc bảo vệ trẻ em giữa nơi tiếp nhận thông tin và cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em phải được bảo mật.

leftcenterrightdel
 Đại diện các cơ quan chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo trao đổi về kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án, vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em do VKSND tối cao tổ chức 

Theo Vụ 2, VKSND tối cao, trong thực tiễn giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, không ít trường hợp người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ bị kẻ phạm tội hoặc những người thân của đối tượng này khống chế, đe dọa, mua chuộc… làm cho người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ không thể tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, hoặc khai báo theo sự hướng dẫn của cha mẹ, người thân không đúng sự thật, dẫn đến việc điều tra xử lý vụ án gặp khó khăn, kéo dài, hoặc không xử lý được.

Cùng với đó, nhiều vụ án trong quá trình tiến hành tố tụng các thông tin không được bảo mật ngay trong hoạt động điều tra. Vì vậy, trong quá trình kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên cần lưu ý đề ra yêu cầu điều tra và phối hợp chặt chẽ với Điều tra viên để tùy từng trường hợp cụ thể có biện pháp thích hợp khắc phục những biểu hiện nêu trên.

 

V.T