Thực tiễn thấy rằng, việc chuyển giao bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm cho Cơ quan Thi hành án dân sự, nhiều trường hợp còn chậm so với thời hạn mà pháp luật quy định. Từ đó, dẫn đến việc ban hành các quyết định thi hành án bị chậm trễ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án. Để phát hiện kịp thời và yêu cầu khắc phục vi phạm nêu trên của Tòa án, trong công tác kiểm sát, cần chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cán bộ, Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ kiểm sát thi hành án dân sự phải tự nâng cao năng lực, trình độ, nắm vững những quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định về cách xác định thời hạn, thời điểm có hiệu lực, thời hạn phải chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án để kịp thời phát hiện những thiếu sót, vi phạm của Tòa án cũng như Cơ quan Thi hành án dân sự trong việc giao nhận bản án, quyết định và ra quyết định thi hành án.
Cần phải phân loại các bản án, quyết định, từ đó xác định thời hạn chuyển giao đối với từng nhóm bản án, quyết định.
|
|
Đại diện Viện kiểm sát tiến hành kiểm sát việc cưỡng chế thi hành án dân sự. |
Theo Điều 28 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về thời hạn chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho Cơ quan Thi hành án dân sự đối với từng nhóm bản án, quyết định như sau:
Các bản án, quyết định Tòa án phải chuyển giao cho Cơ quan Thi hành án dân sự trong thời hạn 30 ngày kể từ khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, bao gồm: Các bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm; Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án; Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Các bản án, quyết định của Tòa án phải chuyển giao cho Cơ quan Thi hành án dân sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ban hành bản án, quyết định bao gồm: Các bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc.
Quyết định của Tòa án phải chuyển giao cho Cơ quan Thi hành án dân sự ngay sau khi ban hành là quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Xác định thời điểm có hiệu lực pháp luật của từng loại bản án, quyết định.
Trước khi tính thời hạn, Tòa án phải chuyển giao bản án, quyết định cho Cơ quan Thi hành án, cần phải xác định thời điểm có hiệu lực pháp luật của từng loại bản án, quyết định.
Đối với các đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện, khi thực hiện công tác kiểm sát thi hành án dân sự, cơ bản chỉ kiểm sát đối với các bản án, quyết định sơ thẩm hoặc phần bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện xét xử không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thời hạn Tòa án chuyển giao các bản án, quyết định này cho Cơ quan Thi hành án là 30 ngày kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Dưới đây là các trường hợp bản án, quyết định mà Viện kiểm sát cấp huyện phải kiểm sát thời hạn chuyển giao của Tòa án đối với Cơ quan Thi hành án dân sự:
Bản án dân sự/hình sự sơ thẩm: Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày tuyên án thì bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm có hiệu lực pháp luật (Khoản 1 Điều 333, khoản 1 Điều 337, Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự; Khoản 1 Điều 273, khoản 1 Điều 280, khoản 2 Điều 282 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Quyết định đình chỉ vụ án hình sự: Hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày ban hành thì quyết định đình chỉ vụ án hình sự không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm có hiệu lực pháp luật (Khoản 2 Điều 333, khoản 2 Điều 337, Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự).
Quyết định đình chỉ vụ án dân sự: Hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định thì quyết định đình chỉ vụ án dân sự không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật (Khoản 2 Điều 273, khoản 2 Điều 280, khoản 2 Điều 282 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi ban hành (Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ về thủ tục giao nhận bản án, quyết định giữa Tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự.
Theo đó, việc giao nhận bản án, quyết định phải được kiểm tra; vào sổ giao nhận bản án, quyết định ghi rõ thời gian giao nhận, số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định, có chữ ký của hai bên giao và nhận. Trường hợp giao nhận bằng đường bưu điện thì Cơ quan Thi hành án dân sự phải có thông báo bằng văn bản về việc đã nhận bản án, quyết định. Vì thế, Viện kiểm sát cần căn cứ vào sổ giao nhận bản án, quyết định để xác định có hay không việc Tòa án chậm chuyển giao bản án, quyết định của mình cho Cơ quan Thi hành án dân sự. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm để xảy ra vi phạm đối với từng cơ quan. Điều 29 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) cũng quy định cụ thể về thủ tục nhận bản án, quyết định.
Thứ hai, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sự phối hợp giữa các bộ phận kiểm sát giải quyết án hình sự, dân sự trong việc quản lý việc ra bản án, quyết định của Tòa án để đôn đốc chuyển giao kịp thời.
Cán bộ, Kiểm sát viên được phân công lập sổ theo dõi trên máy tính đối với những bản án, quyết định về hình sự, dân sự mà Tòa án nhân dân cùng cấp đã ban hành, đồng thời cập nhật thường xuyên về thời hạn Tòa án phải chuyển giao theo quy định. Để thực hiện tốt việc này, quan hệ phối hợp giữa các khâu công tác kiểm sát có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cán bộ, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát thi hành án dân sự phải phối hợp tốt với bộ phận kiểm sát giải quyết án hình sự, kiểm sát giải quyết án dân sự – hành chính, để kịp thời nắm được những bản án, quyết định Tòa án đã ban hành, trên cơ sở đó cập nhập vào sổ và phân loại thành 3 nhóm nêu trên.
Có thể nói, kiểm sát việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho Cơ quan Thi hành án dân sự hết sức quan trọng và cần thiết nhằm góp phần đảm bảo cho bản án, quyết định có hiệu lực được thi hành đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật.