Luật vẫn “ngồi chờ” văn bản hướng dẫn
Cập nhật lúc 12:48, Thứ năm, 07/06/2018 (GMT+7)
Theo quy định tại Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 “dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”.
Việc quy định như trên nhằm khắc phục tình trạng luật ban hành nhưng phải chờ văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít văn bản hướng dẫn được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản luật đã gây không ít khó khăn cho các cơ quan áp dụng.
Tại Khoản 2 và 3 Điều 3 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 (gọi là Nghị quyết 41) giao TAND tối cao thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử bảo đảm áp dụng thống nhất các quy định về “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; khi cần thiết, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các điều, khoản, điểm khác trong BLHS năm 2015.
Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp tổ chức rà soát các văn bản có liên quan để kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với quy định của BLHS năm 2015.
Tuy nhiên, BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật này chưa được ban hành kịp thời đã gây không ít khó khăn cho các địa phương trong việc áp dụng. Bởi theo khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Điều 38 Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực.
Vậy, trong khi chờ văn bản hướng dẫn mới thì việc vận dụng các văn bản hướng dẫn của các bộ luật cũ để áp dụng giải quyết các vấn đề phát sinh theo bộ luật mới như thế nào cho đúng quy định và phù hợp với thực tiễn?
Hiện nay, có 2 lập luận về vấn đề hiệu lực của văn bản hướng dẫn khi văn bản luật hết hiệu lực thi hành như sau:
Lập luận 1: Khi luật đã hết hiệu lực thi hành thì đương nhiên các văn bản hướng dẫn luật cũng sẽ hết hiệu lực thi hành mà không cần phải có văn bản thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ. Trong trường hợp chưa có văn bản hướng dẫn luật mới thì phải chờ có hướng dẫn mới thực hiện vì không có căn cứ áp dụng.
Lập luận 2 và cũng là phương án được áp dụng nhiều trong thực tiễn: Đối với những văn bản luật đã ban hành và có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành thì chúng ta có thể áp dụng các nguyên tắc và quy định của văn bản hướng dẫn của luật cũ để vận dụng giải quyết nếu các nguyên tắc, quy định đó không trái với quy định của luật mới và có lợi cho người phạm tội. Đối với những vấn đề chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể và có nhiều quan điểm chưa thống nhất, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, trên cơ sở tình hình thực tiễn tội phạm tại địa phương để xem xét thống nhất việc áp dụng các quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Nguyễn Thị Thanh Thùy