Đó là một chuyến công tác khó quên của tôi về VKSND một tỉnh miền Tây.

Tiếp chúng tôi là Viện trưởng VKSND tỉnh còn khá trẻ và các trưởng, phó phòng, Viện trưởng, Phó Viện trưởng các huyện có thành tích được thẩm định đợt này.

Trong hội trường khá đẹp và gọn gàng, khi lãnh đạo các đơn vị đã tề tựu đông đủ, tôi thông báo với Viện trưởng VKSND tỉnh đề nghị được bắt đầu làm việc. Nhìn ra xung quanh, tôi thấy mọi người có vẻ không mấy hào hứng với “buổi thẩm định” này. Cá biệt, có ánh mắt như muốn nói rằng “việc thẩm định là không cần thiết”. Mặc dù vậy, tôi vẫn nói với mọi người:

- Thưa các đồng chí, chúng tôi đã đọc hết các báo cáo mà các đồng chí đã gửi cho Phòng Thi đua (nay là Vụ Thi đua - Khen thưởng) VKSND tối cao rồi. Nhận xét chung là, các báo cáo này là báo cáo kết quả công tác kiểm sát của từng khâu chứ không phải công tác thi đua. Trong khi, chúng tôi lại muốn nghe cụ thể về cách thức tổ chức công tác thi đua. Ví dụ, nếu trong báo cáo kết quả công tác kiểm sát xét xử, ta chỉ cần nêu: trong năm, thụ lý bao nhiêu hồ sơ, bằng bao nhiêu bị can; ra bao nhiêu cáo trạng, bằng bao nhiêu bị can để chuyển  sang Tòa án; đình chỉ điều tra bao nhiêu vụ, bằng bao nhiêu bị can; đã kiểm sát xét xử bao nhiêu vụ, bằng bao nhiêu bị can thì trong báo cáo thi đua, chúng ta phải nêu được những thuận lợi, những khó khăn của đơn vị; cách khắc phục những khó khăn đó; và kết quả của công tác thi đua…Ví dụ: đơn vị được biên chế ít; có nhiều nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong năm có bao nhiêu cán bộ, Kiểm sát viên nghỉ để sinh con; có đồng chí sức khỏe yếu nên ốm đau luôn, có đồng chí vừa phải làm việc vừa đi học tại chức nhưng lãnh đạo phòng đã phân công công việc một cách hợp lý, khoa học cho từng Kiểm sát viên nên đã tạo điều kiện cho các đồng chí đi học, các đồng chí nghỉ thai sản mà đơn vị vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Đó chính là Thi đua. Các đồng chí hiểu ý tôi không ạ?

Tất cả im lặng. Sự im lặng càng làm cho tôi hiểu đúng hơn về những suy nghĩ của họ về những người làm công tác Thi đua khen thưởng. Mặc dù vậy, tôi vẫn đề nghị từng đồng chí, thay mặt đơn vị báo cáo thành tích của đơn vị mình. Và mọi người lại lấy đúng những báo cáo mà họ đã gửi cho Phòng Thi đua qua đường bưu điện. Buồn lắm, nhưng tôi vẫn bình tĩnh nghe hết các báo cáo. Trong khi Viện trưởng VKSND tỉnh thì đang ngồi quay đi chỗ khác, tay đưa lên sờ  cằm… nhổ râu.

Nghe xong các báo cáo, tôi quay sang đồng chí Viện trưởng tỉnh:

- Viện trưởng có nghe các báo cáo của các đơn vị vừa rồi không?

- Dạ… có nghe.

- Viện trưởng thấy thế nào?

- Dạ… cái đó thì phải để các đồng chí trong đoàn có ý kiến...

Tôi nhìn mọi người, nhìn đồng chí Viện trưởng:

- Hôm nay về đây với các đồng chí, xin các đồng chí coi chúng tôi như người nhà. Và cho phép tôi được nói thật nhá. Viện trưởng đồng ý không?

- Dạ, có gì anh cứ nói.

Tôi nói thật chậm rãi và rành rọt:

- Nếu cứ như các báo cáo vừa rồi của các đơn vị thì ở đây, chúng ta không biết làm kiểm sát.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa xét xử một vụ án hình sự.(Ảnh minh họa)

Như bị lửa đốt, đồng chí Viện trưởng ngồi bật dậy. Những người có mặt trong phòng cũng ngồi thẳng người. Họ nhìn tôi với con mắt bực bội. Mặc. Đã không nói thì thôi, khi đã nói thì phải nói hết để cùng rút kinh nghiệm. - Nghĩ vậy, tôi xin phép đồng chí Viện trưởng cho tôi đi vào từng khâu trong công tác kiểm sát một. Nhìn nữ Trưởng phòng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tôi hỏi:

- Đồng chí là Trưởng phòng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, đúng không?

- Dạ, đúng.

- Trong báo cáo vừa rồi, đồng chí có nêu: Trong năm, Phòng đã thụ lý 150 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của VKS là 110; đơn vị đã giải quyết được 95 đơn, còn 15 đơn đang giải quyết. Số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan bạn là 40. Các đơn vị này đã giải quyết xong 35, còn 5 đơn đang giải quyết?

- Dạ đúng.

- Thế các đồng chí giải quyết đơn này  như thế nào?

Vẻ bực bội hiện rõ trên khuôn mặt nữ Trưởng phòng, đồng chí miễn cưỡng trả lời:

- Thì chúng tôi làm theo hướng dẫn của VKSND tối cao.

- Nhưng tôi đang muốn nghe chính đồng chí nói về cách giải quyết đơn thư của đơn vị mình cơ.

leftcenterrightdel
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại Nhà tạm giữ.(Ảnh minh họa) 

Thấy nữ đồng chí có vẻ không được bình tĩnh, hơn nữa, tôi không muốn làm cho không khí căng thẳng và mất thì giờ nên nhẹ nhàng:

- Tôi có thể trao đổi với đồng chí về công việc này, được chứ?

- Đồng chí cứ nói - nữ Trưởng phòng giọng lạnh lùng.

- Nói là giải quyết đơn, nhưng thực ra không phải giải quyết đơn, đồng chí hiểu không? Tôi nói vậy là bởi vì: những tờ đơn người ta gửi cho chúng ta là người ta đang kêu về một vụ việc cụ thể nào đó. Và như vậy, có vụ việc người ta gửi 1 đơn, có vụ việc người ta gửi 5 đơn, thậm chí tới 20 đơn… Đồng chí nói, “đã giải quyết xong 95 đơn” là sao? Phải chăng các đồng chí đã đọc xong 95 đơn và có trả lời hoặc chuyển đơn cho các phòng nghiệp vụ để rút hồ sơ lên giải quyết?

- Đúng vậy.

-Làm như thế hoàn toàn không đúng. Các đồng chí phải làm và phải báo cáo được như tôi nói sau đây mới là chuẩn xác: Trong năm, đơn vị đã thụ lý 150 đơn, bằng bao nhiêu việc. (ví dụ bằng 110 việc). Trong 110 vụ việc, có 100 vụ việc thuộc trách nhiệm của VKS; đơn vị đã giải quyết xong 90 việc (trong đó phải phân ra trả lời đơn bao nhiêu việc, chuyển các phòng nghiệp vụ rút hồ sơ để kháng nghị bao nhiêu vụ việc), còn 10 việc đang giải quyết. Số vụ việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác cũng phải báo cáo tương tự như thế. Nói tóm lại, từ số lượng đơn, chúng ta phải quy ra số vụ việc. Và giải quyết đơn chính là giải quyết các vụ việc.

Vừa nói, tôi vừa quan sát những gương mặt xung quanh. Và hình như mọi người đã hiểu ra. Những khuôn mặt đang căng thẳng được dãn dần ra. Lác đác có người cầm bút ghi chép. Thấy thế, tôi tiếp tục nói về công tác kiểm sát tạm giữ. Quay sang Viện trưởng một huyện, tôi hỏi:

- Trong báo cáo, đồng chí nói hằng ngày, đồng chí cử một Kiểm sát viên sang nắm tình hình tạm giữ của Công an cùng cấp rồi đồng chí cán bộ ấy về báo cáo lại cho Viện trưởng, đúng không?

- Dạ đúng.

- Nhưng ngành Kiểm sát không dạy chúng ta làm như thế.

- Đồng chí…

- Viện trưởng cứ bình tĩnh. Tôi sẽ trao đổi với đồng chí về công tác này ngay bây giờ. Thưa các đồng chí, nếu làm như các đồng chí thì không phải là kiểm sát tạm giữ. Việc như vậy, ta chỉ làm một việc là sao kê (sao số liệu từ Công an cùng cấp về số người tạm giữ). Về khâu này, các đồng chí phải làm như sau: Kiểm sát viên (hoặc cán bộ Kiểm sát) đến Công an cùng cấp, yêu cầu đồng chí Công an phụ trách nhà tạm giữ mở cửa từng phòng tạm giữ. Cho gọi người bị tạm giữ ra và các đồng chí phải là người hỏi trực tiếp: anh (chị) tên gì? Bị tạm giữ về hành vi gì? Tạm giữ từ giờ nào trong ngày? Nếu họ nói rõ họ tên, thừa nhận có hành vi phạm tội và bị bắt giữ vào thời điểm nào đó trong ngày… thì cán bộ Kiểm sát yêu cầu đồng chí Công an phụ trách nhà tạm giữ xuất trình lệnh giữ. Nếu lệnh đó khớp với lời khai của người bị tạm giữ thì Công an đã giữ đúng người. Nếu ai đó khai rằng, họ không phạm tội, họ đang đi đường thì bị bắt và đến giờ họ cũng chưa thông báo được cho gia đình…, ta vẫn yêu cầu đồng chí Công an phụ trách nhà tạm giữ xuất trình lệnh giữ. Nếu không có lệnh, coi như cơ quan Công an đã vi phạm. Cán bộ Kiểm sát tạm giữ phải báo cáo ngay chuyện này cho lãnh đạo VKS và VKS phải yêu cầu Công an trả tự do ngay cho người bị giữ đó.  Ngoài ra, chúng ta còn phải kiểm tra điều kiện nhà tạm giữ có bảo đảm không? Chế độ ăn uống của người bị tạm giữ ...

Quay sang xung quanh, tôi thấy mọi người đang cắm cúi ghi chép. Tôi dừng lại:

- Những điều này ở trường chúng ta đã học rồi, không phải ghi đâu. Là tôi nhắc lại với các đồng chí thôi.

Sau đó, tôi nói sang khâu kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử (hai khâu này tôi đã làm từ cấp huyện, cấp tỉnh và ở VKSND tối cao) nên nói khá kỹ. Mọi người lại chăm chú ghi chép. Và buổi làm việc đã kéo quá 12 giờ trưa. Đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh phải nhắc và đề nghị tôi nghỉ trưa, ăn cơm, chiều làm tiếp…

Trong bữa ăn trưa, mọi người nói chuyện vui vẻ. Tôi rất vui vì các đồng nghiệp ở đây không hề giận mà rất niềm nở, cởi mở hơn với tôi. Có người hỏi:

- Dạ, trước đây anh học trường nào ạ?

Tôi cười:

- Tôi học như các anh các chị thôi.

- Nghĩa là cũng học ở trường Kiểm sát?

- Đúng rồi.

- Sau đó anh về làm việc tại VKSND tối cao luôn hả?

- Dạ không. Học xong, tôi về công tác tại VKSND cấp huyện, sau đó lên VKSND tỉnh và cuối cùng là lên làm việc tại VKSND tối cao. Hầu như các khâu kiểm sát, tôi đều đã trải qua. Vậy nên, tôi mới nhớ và trao đổi được với các đồng chí chứ.

Buổi chiều, chúng tôi tiếp tục trao đổi, nhưng không nói về chuyên môn nữa. Tôi yêu cầu các đơn vị bổ sung những điều cần thiết vào báo cáo thi đua như: những khó khăn của đơn vị, cách khắc phục; công tác tổ chức và triển khai phong trào thi đua; những thành tích đã đạt được trong năm để bổ sung vào báo cáo của từng đơn vị, hoàn thiện hồ sơ gửi sang Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương cho các đơn vị.

Đến nay, dù đã nghỉ chế độ, song nghĩ lại lần đi thẩm định ấy, tôi vẫn thấy vui và coi đó là một kỷ niệm khó quên. Thiết nghĩ, dù bất kỳ trường hợp nào, chúng ta cũng không được suy diễn, xem thường người đối thoại khi chưa biết họ là ai. Rằng, chúng ta phải làm tốt nhiệm vụ chuyên môn nhưng cũng phải biết báo cáo. Nếu không, thành tích ấy cấp trên không thể biết được để ghi nhận và đánh giá đúng về mình.  

Phạm Xuân Đào