Theo Thông báo số 578/TB-VKSTC, ngày 08/11/2018, VKSND tối cao đã tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn Ngành về công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Tại Hội nghị, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đã kết luận, chỉ đạo VKSND các cấp thực hiện tốt các nội dung như sau:
Thứ nhất, quán triệt nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và của Ngành, được thể hiện rõ tại Chỉ thị số 35/CT-BCT ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 09-KH/BCSĐ ngày 04/8/2014 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao, VKSND các cấp phải quán triệt thực hiện nghiêm túc.
Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan cũng như với các cơ quan có chức năng, thẩm quyền trong hoạt động tư pháp để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc trách nhiệm và phải có sự phối hợp thực hiện của lãnh đạo Viện và các đơn vị nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND các cấp.
|
|
Đồng chí Trần Công Phàn phát biểu tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn Ngành về công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp |
Thứ hai, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật cũng như quy định, hướng dẫn, nhất là đối với Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA- BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 của VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về khiếu nại, tố cáo và quy định về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp khi được Viện trưởng VKSND tối cao ký ban hành.
Thứ ba, Vụ 12 phối hợp với Vụ 14 tập hợp, nghiên cứu những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị và VKSND địa phương để tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao ban hành văn bản giải đáp, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; biên tập và ban hành tập hỏi và đáp về kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND, xem như cuốn cẩm nang cho các đơn vị và VKSND địa phương nghiên cứu, tham khảo vận dụng trong thực tiễn.
Thứ tư, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với Vụ 12 và Vụ 14 trong việc biên soạn giáo trình, tài liệu và mời giảng viên là những cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn công tác này để giảng dạy, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cho các lớp đại học kiểm sát và bồi dưỡng nghiệp vụ tại hai Trường.
Thứ năm, quan tâm, bố trí cán bộ, Kiểm sát viên đảm bảo yêu cầu cả về số lượng và chất lượng cán bộ để có đủ nhân lực làm tốt công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp mình. Chủ động, tích cực trong việc tự đào tạo, bồi dưỡng, rút kinh nghiệm nghiệp vụ cho Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và chuyên viên làm công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Thực hiện tốt chính sách hiện hành đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý đơn của VKSND các cấp. Đồng thời, rà soát, bố trí địa điểm tiếp công dân, bảo đảm tính nghiêm trang.
Xem toàn bộ Thông báo số 578/TB-VKSTC tại đây: thong-b-2-converted.pdf
P.V