Về các nhiệm vụ trọng tâm, Hướng dẫn nêu rõ: Quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật được nêu trong Chỉ thị số 01/CT- VKSTC; Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 6/8/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động (Chỉ thị số 07); Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 18/10/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự và những việc khác theo quy định của pháp luật (Chỉ thị số 05) và các văn bản có liên quan.
Tăng cường công tác kiến nghị, kháng nghị đối với những vi phạm của Tòa án trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm, đặc biệt là kháng nghị phúc thẩm án hành chính. Chú trọng việc kiểm sát các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động để phát hiện vi phạm, kịp thời thực hiện kháng nghị phúc thẩm.
Rà soát, tổng hợp những vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động tạm đình chỉ kéo dài từ năm 2022 trở về trước và thực hiện kiến nghị Toà án tiếp tục giải quyết khi lý do tạm đình chỉ không còn.
Kiểm sát chặt chẽ, thận trọng việc giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài, tránh dẫn đến tranh chấp quốc tế phức tạp gây ảnh hưởng, thiệt hại cho Nhà nước hoặc ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 40-NQ/BCSĐ ngày 30/3/2022 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao, Chỉ thị số 01, Chỉ thị số 05 của Viện trưởng VKSND tối cao về phân công, bố trí, sắp xếp, đào tạo cán bộ trong lĩnh vực công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động.
|
|
Quang cảnh phiên toà xét xử vụ án hành chính. (Ảnh minh hoạ) |
VKSND tối cao (Vụ 10) yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tập trung hơn nữa trong công tác chỉ đạo, chủ động đề ra các giải pháp, biện pháp để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.
Chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình nhằm khắc phục hạn chế, tồn tại của đơn vị trong khâu công tác này để có chuyển biến tích cực, đảm bảo đạt chỉ tiêu công tác của Quốc hội và Ngành giao. Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao về việc yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.
Quán triệt và chỉ đạo Kiểm sát viên, công chức làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Tổ chức VKSND, BLTTDS, Luật TTHC, văn bản pháp luật có liên quan và các quy định, hướng dẫn của VKSND tối cao; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05/CT; Chỉ thị số 07/CT-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao.
Phân công, bố trí, sắp xếp, đào tạo, tự đào tạo đội ngũ Kiểm sát viên, công chức có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, có bản lĩnh để phân công làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Có kế hoạch xây dựng đội ngũ công chức bảo đảm đáp ứng yêu cầu công việc, ổn định và có tính kế thừa. Có chính sách cán bộ phù hợp nhằm động viên, khích lệ cán bộ yên tâm công tác.
Về công tác phối hợp, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương, Hướng dẫn nêu rõ: VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương trong quản lý hành chính Nhà nước để hạn chế đến mức tối đa khiếu nại, khiếu kiện, nhằm đảm bảo trật tự quản lý hành chính, lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền lợi ích hợp pháp của công dân; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương trong thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động phức tạp, dư luận xã hội quan tâm hoặc có yếu tố nước ngoài theo tinh thần Chỉ thị số 26- CT/TW ngày 9/11/2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW ngày 9/12/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
VKSND các cấp cần chủ động xây dựng quan hệ phối hợp công tác với Tòa án và các cơ quan liên quan trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; chủ động xây dựng quy chế phối hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết vụ việc. Đẩy mạnh việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, đặc biệt đối với các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Đồng thời, VKSND các cấp phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo; tọa đàm trao đổi kinh nghiệm; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho Kiểm sát viên, công chức làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác thông tin, báo cáo, trao đổi nghiệp vụ.