Hiện nay, tranh chấp trong việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà, tranh chấp di sản thừa kế, thế chấp tài sản, tranh chấp quyền sử dụng đất trên đất có nhà ở… căn cứ vào sự phán quyết của Tòa án, người đang ở nơi có di sản thừa kế là nơi có tài sản đang tranh chấp, phải di chuyển sang chỗ khác. Những sự kiện pháp lý này xảy ra không hiếm và đang có xu hướng tăng.

Khi Tòa án ra quyết định người đang có chỗ ở, có thể chỗ ở đó là nhà thuê; nhà của những người đang tranh chấp di sản thừa kế; trong vụ án tranh chấp đất đai trên đất có nhà; nhà của bên khởi kiện vì chỗ ở của người đang sử dụng là tài sản cho mượn chứ không phải là hợp đồng tặng, cho buộc họ phải di dời, trả lại nơi ở đó cho người quản lý hợp pháp. Nhưng vì những lý do khách quan, người đang ở tại ngôi nhà đó chưa thu xếp được chỗ ở khác ngay, họ chứng minh được bản thân và gia đình chỉ có một nơi ở đó là nơi ở duy nhất.

Để đảm bảo cho các bên đương sự có thời gian chuẩn bị chỗ ở mới, ổn định cuộc sống, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ thì việc Tòa án có hay không áp dụng quyền lưu cư cho bên phải di dời đó được quyền lưu lại một thời gian nhất định để đảm bảo người đó có thể tìm nơi ở mới là thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, hiện nay quy định trên còn nhiều vướng mắc, khi Tòa án thụ lý, giải quyết một số vụ án xét xử gặp tình huống liên quan đến việc lưu cư, thì việc áp dụng thời hạn lưu cư không thống nhất. Có nơi ấn định thời hạn lưu cư 6 tháng, có nơi lại quyết định 1 tháng hoặc không áp dụng. Việc này có nguyên nhân vì Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 không có quy định lưu cư, mặc dù trước đó tại Điều 499 BLDS năm 1995 đã quy định về vấn đề này; Thực tế, Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng quy định về nội dung lưu cư của vợ chồng.

Tuy nhiên, khi xử lý các vụ án dân sự hiện nay do BLDS năm  2015 không quy định về quyền lưu cư.  Khi Tòa án xác định vụ án đó, việc áp dụng quyền lưu cư cho đương sự là cần thiết, nhưng khi viện dẫn căn cứ pháp luật thì gặp khó khăn vì trong vụ án tranh chấp dân sự không thể viện dẫn Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (vì chủ thể của Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình chỉ giới hạn là quan hệ vợ chồng khi ly hôn) hoặc Luật Dân sự năm 1995 (đã không còn hiệu lực), dẫn đến việc Tòa án còn có quyết định khác nhau về nội dung này.

Như vậy, theo quan điểm của tác giả BLDS năm 2015 bỏ quy định về quyền lưu cư trong khi các sự kiện pháp lý liên quan đến nội dung này ngày càng gia tăng là điều bất cập. Nhận thấy, BLDS cần thiết khôi phục quy định về quyền lưu cư nhằm giải quyết những bất cập hiện nay, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án.

Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung BLDS, đề xuất liên ngành Trung ương nên có Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng việc lưu cư.

Vũ Thị Lệ