Đó là nhận định tại Quyết định kháng nghị số 01/QĐKNPT-VKS-DS của VKSND thị xã Từ Sơn đối với bản án dân sự sơ thẩm số 18/2018/DS-ST ngày 26/11/2018 của TAND thị xã Từ Sơn liên quan đến vụ án “Tranh chấp kiện đòi tài sản” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Hường (trú tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) với bị đơn là vợ chồng bà Dương Thị Hải và ông Nguyễn Văn Tuân (trú tại phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh).

Nội dung vụ án thể hiện: Vào tháng 12/2010, do cần tiền nên vợ chồng bà Hải đã hỏi vay số tiền 1 tỉ đồng của bà Hường. Bà Hường đồng ý cho bà vay tiền nhưng đưa ra điều kiện là phải thế chấp. Hình thức thế chấp phải được đảm bảo bằng việc ký công chứng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình. Khi nào bà trả tiền gốc và lãi suất thì bà Hường sẽ ký hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng.

Đến ngày 14/12/2010, hai bên đã đến Văn phòng công chứng Công Thành (Địa chỉ: 299 Trần Phú, Đông Ngàn, Từ Sơn, Bắc Ninh) để làm thủ tục ký hợp đồng chuyển nhượng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) số AP 291902 do UBND thị xã Từ Sơn cấp ngày 29/4/2009 với số tiền là 1,2 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Một phiên toà giải quyết vụ án dân sự. (Ảnh minh hoạ).  

Ngay sau ký công chứng, bà Hường chuyển cho bà Hải số tiền là 1 tỉ đồng, thời hạn vay thỏa thuận là 3 tháng có lãi suất. Hai bên thống nhất viết Giấy vay tiền ngày 19/11/2010, trong đó ghi rõ điều khoản là việc lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ chỉ để đảm bảo cho khoản vay trên. Nếu sau thời gian 3 tháng kể từ ngày nhận tiền vay, bên B (bà Hải) không trả cho bên A (bà Hường) cả tiền gốc và lãi thì bên A được quyền sang tên GCNQSDĐ và bán tài sản trên để thu hồi tiền vốn và lãi.

Tài sản trên được định giá theo giá của thị trường tại thời điểm hai bên cùng thống nhất bán, bên A phải trả lại khoản tiền chênh lệch sau khi đã thu hồi đủ vốn và lãi của khoản tiền đã cho vay. Nếu bên B trả đủ số tiền gốc và lãi đã vay của bên A thì bên A phải hoàn trả lại GCNQSDĐ số AP 291902 và hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đã ký.

Do vợ chồng bà Hải gặp khó khăn về kinh tế không kịp trả tiền cho bà Hường nên đến ngày 31/8/2011, bà Hường đã sử dụng sổ đỏ và hợp đồng chuyển nhượng để sang tên của mình. Sau đó bà Hường khởi kiện vợ chồng bà Hải ra Toà án với vụ án tranh chấp “kiện đòi tài sản”.

Tại Bản án sơ thẩm số 02/2013/DSST ngày 20/12/2013, TAND thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh tuyên xử buộc vợ chồng bà Hải phải trả đất và nhà cho bà Hường cùng án phí. Ngoài ra Toà án còn đình chỉ yêu cầu phản tố của vợ chồng bà về việc hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng đất có công chứng.

Ngày 28/9/2016, Chi cục thi hành án dân sự thị xã Từ Sơn đã tổ chức cưỡng chế thi hành án buộc vợ chồng bà Hải phải trả nhà đất cho bà Hường. Từ đó đến nay, cả gia đình bà Hải không có chỗ ở, phải đi thuê nhà, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Bà đã gửi đơn đề nghị xem xét lại bản án sơ thẩm nêu trên theo trình tự giám đốc thẩm, ngày 27/3/2017, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội có quyết định giám đốc thẩm số 16/2017/DS-GĐT, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 02/2013/DSST ngày 20/12/2013 của TAND thị xã Từ Sơn để xem xét lại theo thủ tục sơ thẩm.

Ngày 21 và ngày 26/11/2018, TAND thị xã Từ Sơn tiến hành xét xử vụ án và ban hành bản án số 18/2018/DS-ST, tuy nhiên sau đó bị đơn là vợ chồng bà Hải tiếp tục kháng cáo một phần của bản án sơ thẩm về cách tính lãi và tính lỗi của phía nguyên đơn.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 10/12/2018, Viện trưởng VKSND thị xã Từ Sơn có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐKNPT-VKS-DS đối với bản án dân sự sơ thẩm số 18/2018/DS-ST ngày 26/11/2018 của TAND thị xã Từ Sơn.

leftcenterrightdel
 Kháng nghị của VKSND thị xã Từ Sơn chỉ ra nhiều vi phạm của Toà án cấp sơ thẩm.

Trong kháng nghị trên, VKSND thị xã Từ Sơn cho rằng tòa cấp sơ thẩm đã xác định không đúng quan hệ pháp luật tranh chấp khi thụ lý, giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, Toà án cấp sơ thẩm không ra thông báo thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn. Theo đó, ngày 26/9/2017, vợ chồng bà Hải có đơn yêu cầu phản tố, yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ được công chứng tại văn phòng công chứng Công Thành vô hiệu. Tại phiên tòa ngày 20/7/2018, vợ chồng bà Hải yêu cầu giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu về thiệt hại giá trị tài sản là hơn 1,1 tỉ đồng. Ngày 6/8/2018, Tòa án đã ra thông báo cho vợ chồng bà Hải nộp tiền tạm ứng án phí về khoản đề nghị này và vợ chồng bà đã nộp.

Trong quá trình giải quyết vụ án, vợ chồng bà Hải tiếp tục có yêu cầu phản tố. Tuy nhiên, TAND thị xã Từ Sơn đã không ra thông báo thụ lý đối với các yêu cầu phản tố nêu trên nhưng khi xét xử vẫn xem xét giải quyết các yêu cầu này. Việc làm trên của TAND thị xã Từ Sơn đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong việc thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn theo Điều 200 và Điều 202 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Từ các lý do trên, VKSND thị xã Từ Sơn đề nghị TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm của TAND thị xã Từ Sơn để xét xử lại theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó, tại phiên tòa phúc thẩm vào tháng 4/2019 diễn ra tại TAND tỉnh Bắc Ninh, đại diện VKSND tỉnh Bắc Ninh đã phát biểu ý kiến về việc giữ nguyên quyết định kháng nghị, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm. Chấp nhận nội dung này của Viện kiểm sát,  tại bản án phúc thẩm số 43/2019/DS-PT ngày 16/4/2019, TAND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định hủy bản án sơ thẩm số 18/2018/DS-ST ngày 26/11/2018 của TAND thị xã Từ Sơn đồng thời chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án này giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Đồng thời nêu rõ, khi xét xử sơ thẩm lại Tòa án phải giải quyết toàn bộ hậu quả của việc thi hành án.

Về phía nguyên đơn, theo Thông báo số 31A ngày 7/10/2019 của TAND thị xã Từ Sơn, nguyên đơn đã thay đổi yêu cầu khởi kiện theo hướng khởi kiện về việc đòi tiền vay nợ thay vì kiện đòi tài sản như ban đầu. Tuy nhiên, về nội dung này, theo một số Luật sư, việc nguyên đơn kiện đòi tiền vay nợ rõ ràng là một quan hệ pháp luật hoàn toàn khác với mục đích khởi kiện ban đầu là kiện đòi tài sản. Đây là một quan hệ pháp luật mới không liên quan đến quan hệ pháp luật về QSDĐ hay nhà ở. Do đó, nếu vụ án bị hủy để giải quyết lại từ đầu thì Tòa án cũng phải đình chỉ quan hệ pháp luật ban đầu.

Cùng với đó, bản chất giao dịch của trong vụ việc trên là hợp đồng vay tiền, việc ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ số AP 291902 là một thế chấp đảm bảo. Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ chính là nhằm mục đích che giấu một giao dịch vay tiền có lãi suất để nhằm đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ của vợ chồng bà Hải đối với bên chủ nợ là bà Hường. Trong khi đó giá trị thực tài sản đất và nhà của bà Hải có giá trị cao hơn nhiều so với số tiền mà bà vay của bà Hường. Như vậy, căn cứ vào các điều 121, 122, 127, 129 thì giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Bộ luật Dân sự.

Hiện vợ chồng bà Hải đang có đơn đề nghị TAND thị xã Từ Sơn sớm đưa vụ án ra xét xử nhằm giải quyết dứt điểm vụ án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.

P.V