leftcenterrightdel
 Các cán bộ Trung tâm vượt hàng trăm km tới các vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền, trợ giúp pháp lý. 

Ngôi nhà trợ giúp pháp lý cho dân nghèo 

Được thành lập ngày 26/02/1998 theo Quyết định số 395/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk, cho đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Trung tâm) có 03 Chi nhánh TGPL, với 28 cán bộ. Được sự quan tâm, chỉ đạo của các sở, ban, ngành và sự nỗ lực cố gắng của toàn thể cán bộ Trung tâm, trong năm 2018, Trung tâm đã đạt được nhiều thành tích đáng khen ngợi.

Cụ thể, năm 2018, Trung tâm đã thực hiện TGPL cung cấp dịch vụ TGPL tổng cộng 538 vụ việc, trong đó, hình sự 362 vụ, dân sự 84 vụ, hôn nhân và gia đình 02 vụ việc, hành chính 35 vụ, đất đai 05 vụ, lĩnh vực khác 50 vụ. Tổng số lượt người được TGPL là 536 người, trong đó 99 lượt người nghèo, 23 lượt người dân tộc thiểu số nghèo, 264 lượt người dân tộc thiểu số, 29 lượt người có công, 05 lượt người khuyết tật, 71 lượt người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, 19 lượt người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo, 20 lượt trẻ em, 01 lượt người bị bạo lực gia đình, 01 người bị HIV. Từ ngày 26/10/2018 đến ngày 31/12/2018, tổng số vụ việc TGPL mà Trung tâm đã thực hiện khoảng 108 vụ việc, cho 108 lượt người.

Hoạt động tố tụng cũng được Trung tâm đặc biệt chú trọng nên tăng cả về số lượng và chất lượng vụ việc so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, trong năm, Trung tâm đã cử Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư thực hiện TGPL 383 vụ việc cho 383 đối tượng. Trung tâm cũng thường xuyên thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc TGPL. Tổng số vụ việc được đánh giá chất lượng TGPL là 161 vụ việc tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, kết quả 155 vụ việc đạt chất lượng tốt và 06 vụ việc đạt chất lượng.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã triển khai các hoạt động truyền thông theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp điển hình. Theo đó, Trung tâm đã thực hiện 33 đợt truyền thông tại 24 xã, thuộc 13 huyện cho 1.558 người tham dự, đã thực hiện giải đáp pháp luật tại chỗ 78 vụ việc, cho 73 đối tượng. 

Trung tâm đã tổ chức 01 Hội nghị triển khai công tác TGPL năm 2018 cho đội ngũ người thực hiện TGPL với 57 người tham dự. Đồng thời, phát triển mạng lưới người thực hiện TGPL. Thường xuyên phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá việc thực hiện TGPL của Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL trong việc bảo đảm tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật…

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo và một số cán bộ của Trung tâm. 

Được biết, năm 2016, Trung tâm đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”, Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk; Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới giai đoạn 2013 - 2016” của Chủ tịch UBND tỉnh; Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Tư pháp tỉnh Đắk Lắk” của Chủ tịch UBND tỉnh ngày 27/7/2017. Cũng trong năm 2017, Trung tâm đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”. 

Thực hiện tốt nhiệm vụ, phục vụ địa phương phát triển

Với những nỗ lực TGPL cho người nghèo trên địa bàn, năm 2018, Trung tâm được đề nghị xét tặng Bằng khen của UBND tỉnh. Trò chuyện với Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật, bà Phạm Thị Minh Phương - Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Để có được những kết quả nói trên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của Sở Tư pháp, UBND tỉnh và Cục Trợ giúp pháp lý thì sự nỗ lực của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý và sự phối hợp có hiệu quả của các cơ quan tố tụng trong toàn tỉnh đã giúp cho Trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mặt khác, Trung tâm có một đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý tâm huyết, yêu nghề, tận tâm với công việc, thường xuyên tự rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ. Ngoài ra, Trung tâm đã chú trọng việc tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm, vì vậy số vụ việc do Trợ giúp viên đảm nhận ngày càng tăng, chất lượng ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức và người lao động; động viên kịp thời những cán bộ, viên chức và người lao động hăng say công tác. Đồng thời, thực hiện đổi mới phương pháp quản lý, trên cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể và giao quyền chủ động triển khai nhiệm vụ cho các phòng, chi nhánh. 

Mặt khác, Trung tâm cũng chú trọng tham mưu công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng; xác định đây là khâu đột phá trong việc tăng tỷ lệ vụ việc hỗ trợ bằng hình thức tham gia tố tụng tại Trung tâm.

leftcenterrightdel
Các cán bộ Trung tâm đang tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho người dân vùng sâu, vùng xa. 

Trong quá trình triển khai công tác TGPL, Trung tâm cũng gặp không ít khó khăn: “Do Luật trợ giúp pháp lý mới ban hành nên nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và đối tượng chưa nắm được đầy đủ các quy định mới và một số quy định về TGPL còn vướng mắc nhất định, chưa có văn bản hướng dẫn kịp thời để đáp ứng về chất lượng, dịch vụ... Hơn nữa, đối tượng hầu hết là người nghèo, dân tộc thiểu số…, một số sinh sống ở vùng khó khăn, nhận thức hạn chế. Do đó, người thực hiện TGPL không chỉ yêu cầu có kỹ năng, nhận thức mà phải có tâm với công việc. Tuy nhiên, một số Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư - Cộng tác viên mới tham gia tố tụng nên thiếu kinh nghiệm, có trường hợp chưa thực sự đầu tư nghiên cứu nâng cao kiến thức pháp luật và nghiệp vụ”, bà Phương cho biết. 

Chia sẻ về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới để giúp cho công tác TGPL đạt hiệu quả cao hơn, bà Phương cho biết, Trung tâm sẽ tiếp tục phát huy tốt những kết quả đã đạt được trong thời gian qua. Trên cơ sở bám sát các Kế hoạch, Chương trình công tác Tư pháp; phương hướng, nhiệm vụ các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Trung tâm xác định: Tiếp tục đáp ứng 100% yêu cầu TGPL cho các đối tượng thụ hưởng tại các xã nghèo, thôn buôn đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về TGPL; Nâng cao năng lực của người thực hiện TGPL thông qua việc tuyển chọn luật sư, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của Trung tâm, chi nhánh; Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả đường dây nóng về TGPL. Đồng thời, tổ chức có hiệu quả các đợt truyền thông về TGPL tại các xã nghèo và thôn, buôn đặc biệt khó khăn. 

Xuân Cường