leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên cao cấp Trần Thế Vinh  

Kiểm sát viên cao cấp Trần Thế Vinh (Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy, VKSNDTC) lặng lẽ rời khỏi phòng xử án của TAND tỉnh Hà Nam. Vụ án này, anh là người thực hiện nhiệm vụ Kiểm sát điều tra ngay từ giai đoạn đầu của vụ án, cho đến khi anh được phân công biệt phái giữ quyền công tố viên chính trong phiên tòa hôm đó.

Mức án tuyên cho các bị cáo được đưa ra là sự trăn trở của cả Hội đồng xét xử, và công tố viên. Mặc dù, đã xét đến các tình tiết giảm nhẹ và lượng hình cho các bị cáo. Tuy nhiên, trước tính chất nghiêm trọng của vụ án cũng như hậu quả của hành vi phạm tội đối với xã hội là vô cùng lớn. Do vậy, các bị cáo phải chịu trách nhiệm tương ứng với hành vi phạm tội của mình. Kiểm sát viên Trần Thế Vinh nhớ lại!

Lộ diện bà trùm từ chuyến ma túy xuyên đêm

Từ nhiều năm trước đây, nhắc đến Thanh Châu  của TP. Phủ Lý - Hà Nam, người dân Hà Nam luôn ám ảnh với hai chữ “Ma túy”. Trong thời kỳ cao điểm, việc mua ma túy ở Thanh Châu được cho là “dễ nhất, rẻ nhất và chất nhất”. Chỉ cần có tiền, người ta đều không khó để mua được ma túy ở đây. 

Nơi đây được xác định là địa bàn trọng điểm phức tạp về tội phạm hình sự, ma túy và tệ nạn xã hội. Tội phạm hình sự hình thành các ổ nhóm lưu manh, chuyên nghiệp hoạt động, tàng trữ và sử dụng vũ khí “nóng” để gây án. Mỗi ngày, có hàng trăm người nghiện ma túy ở các huyện giáp ranh đến Thanh Châu mua ma túy.

Nguồn ma túy được chuyển về Thanh Châu chủ yếu từ các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình… do các đối tượng buôn ma túy chuyên nghiệp và một số con nghiện móc nối với các đối tượng tỉnh ngoài, tạo thành đường dây vận chuyển ma túy về địa bàn tiêu thụ và đưa ma túy đi tiêu thụ tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình… Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi và liều lĩnh,; đặc biệt nơi đây đã hình thành các đường dây khép kín trong gia đình, dòng họ .

Từ những phân tích qua công tác nắm tình hình điều tra cơ bản về đặc điểm, quy luật nhóm tội phạm về ma túy hoạt động ở Thanh Châu, sau một thời gian dài theo dõi, 2h30 ngày 29/3/2017, tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm (Hà Nam), tổ công tác đã bắt giữ 5 đối tượng gồm Hưng, Mạnh, Thắng, Huyền và chủ hàng Giàng A Trứ. Tang vật Công an thu giữ là 10 bánh heroin, 4000 viên ma túy tổng hợp, 4 xe ôtô, 34 triệu đồng và nhiều đồ vật, tài sản có liên quan.

Tiến hành khai thác nhanh các đối tượng bị bắt giữ, ban chuyên án đi đến nhận định nguồn ma túy trên được các đối tượng mua theo đặt hàng của một người phụ nữ tên Oanh.

Đối tượng Giàng A Trứ khai, Trứ bán số ma túy trên cho Mạnh với số tiền 68 nghìn USD, nhưng Trứ mới chỉ nhận được một nửa tiền nên Trứ đi theo Mạnh xuống Hà Nam để giao hàng và lấy số tiền còn lại. Còn Mạnh khai nhận, số ma túy trên Mạnh mua theo “đơn đặt hàng” từ Oanh.

Từ những căn cứ ban đầu, lời khai của các đối tượng còn lại, ban chuyên án đã có đủ cơ sở  nhận diện đường dây ma tuý do Đoàn Thị Oanh (SN 1975, trú tại tổ dân phố Bảo Lộc 1, phường Thanh Châu, TP Phủ Lý, Hà Nam) điều hành. Oanh đặt hàng mua ma túy từ Mạnh, sau đó sẽ bán cho các đầu mối khác tại các tỉnh lân cận.

Đường dây mua bán 53 bánh heroin bị bóc gỡ

Đoàn Thị Oanh sống trong căn biệt thự kiên cố, tường cao cổng kín, khó tiếp cận. Nhận được thông tin mật báo, khoảng 5h30 sáng 30/3/2017, tổ công tác đã bao vây kín nhà Oanh nhưng không tìm cách vào trong được. Lợi dụng khi chồng Oanh mở cửa đưa con đi học, các trinh sát ập vào. Thấy động, Oanh lao lên trên tầng trên nhà ném điện thoại và những đồ vật có liên quan để phi tang.

Có mặt  trực tiếp tại nhà đối tượng Đoàn Thị Oanh để làm nhiệm vụ Kiểm sát điều tra việc thực hiện khám xét nhà của đối tượng, kiểm sát viên Trần Thế Vinh chia sẻ: Lực lượng cán bộ trong tổ công tác được huy động làm nhiệm vụ khám nhà của Oanh rất đông, làm việc tỉ mỉ, xem xét từng ngóc ngách của căn hộ. Nhưng ma túy không được tìm ra.

Chứng kiến việc khám xét, tổ công tác ngạc nhiên khi đối tượng Oanh luôn giục con đi học bởi cho rằng đứa bé không liên quan đến vụ việc. Đến khi không tìm được vị trí cất giấu ma túy trong nhà của Oanh, chiếc cặp đi học của cháu bé được cho rằng là nơi duy nhất chưa được khám xét.

Bất ngờ khi mở chiếc cặp học sinh ra, bên trong chứa 2 bánh heroin, tìm kiếm trong nhà của Oanh, cơ quan chức năng thu giữ thêm được 0,5 bánh heroin, 2.200 viên ma túy tổng hợp dạng đá; 03,3 g ketamin và nhiều tang vật liên quan.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, các Điều tra viên, Kiểm sát viên đã tiếp tục xác minh, đấu tranh với các đối tượng. Qua thẩm vấn, các đối tượng trong đường dây mua bán, vận chuyển ma túy của Oanh dần lộ diện.t

Ngày 14/9/2018, VKSND tối cao đã ra cáo trạng số 120/CT-VKSTC- V4, theo đó, VKSNDTC nhận định, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2016 đến tháng 9/2016, vì mục đích lợi nhuận, Lê Văn Mạnh đã nhiều lần bàn bạc cùng Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phủ Lý) và phối hợp với Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Văn Chỉnh (Nam Định) để kiếm nguồn tiền và được sự giúp sức của Phạm Thái (Phủ Lý ) là lái xe taxi cùng lên Sơn La mua ma túy của Sùng A Khánh (Mai Châu, Hòa Bình), Giàng A Trứ (Sơn La) mang về Nam Định bán cho Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Văn Chỉnh để Tuyết bán cho các đối tượng chưa xác định kiếm lời.

Cũng với hành vi trên, từ tháng 11/2016 đến cuối tháng 3/2017, Lê Văn Mạnh tiếp tục cùng Nguyễn Thị Thanh Huyền phối hợp với Đoàn Thị Oanh kiếm nguồn tiền, sau đó cùng Lê Văn Hưng (em trai Mạnh), Phạm Thái, Mai Đức Thắng là lái xe taxi lên Sơn La mua ma túy của Giàng A Trứ mang về Hà Nam bán cho Đoàn Thị Oanh, Nguyễn Thị Nguyên, Nguyễn Thị Bốn (Từ Liêm, Hà Nội).

leftcenterrightdel
Phiên tòa xét xử vụ án 

Từ nguồn ma túy này, Oanh, Nguyên, Bốn tiếp tục bán lẻ để các đối tượng Phan Lệ Thu (Hà Nội), Trần Quang Chung, Nguyễn Thị Kim Thanh, Bùi Xuân Cường, Phạm Thị Nguyên (Thanh Châu, Phủ Lý), Trần Quang Dương (Ninh Bình), Hoàng Văn Thùy, Nguyễn Thị Phương Chi (Kim Bảng, Hà Nam), Tạ Thị Nam (Hà Nam), Nguyễn Thị Bình (Nam Định). Số ma túy mà các đối tượng mua đi bán lại trái phép cho nhau là 53 bánh heroin và 30 túi ma túy tổng hợp.

Kiểm sát viên kiên quyết bảo vệ quan điểm luận tội trước các đối tượng phản cung

Phiên tòa xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất mà túy” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy” được xét xử tại TAND tỉnh Hà Nam, có sự quan tâmcủa các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương. Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy biệt phái kiểm sát viên cao cấp Trần Thế Vinh về thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án tại TAND tỉnh Hà Nam.  

Được sự phân công của lãnh đạo VKSND tỉnh Hà Nam, tổ công tố gồm: KSV cao cấp Trần Thế Vình, KSV Trung cấp Phạm Quang Huy và Trần Thị Tuyết (VKSND tỉnh Hà Nam) cùng thực hành quyền công tố tại phiên tòa .

Trước HĐXX, một số bị cáo chỉ khai nhận hành vi mua bán, ma túy trong những lần bị bắt quả tang, phản cung với những cáo buộc về việc mua bán ma túy bị phát hiện qua quá trình thẩm vấn, lời khai của các bị cáo khác. Cá biệt như bị cáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, bị cáo phản cung phủ nhận hoàn toàn những khai nhận trước đó của mình.

Thậm chí bị cáo Huyền còn thay đổi lời khai và cho rằng, lời khai của bị cáo là do điều tra viên đọc cho bị cáo viết. Còn các bị cáo là tài xế thì cho rằng, mình chỉ là người lái xe đưa những bị cáo khác, bản thân bị cáo không tham gia vào việc mua bán vận chuyển ma túy.

Kiểm sát viên Trần Thế Vinh chia sẻ: Việc các bị cáo phản cung đã nằm trong dự liệu của công tố viên và HĐXX. Tại phiên Tòa xét xử hôm đó, HĐXX và công tố viên đều đồng ý không có giới hạn thời gian tranh tụng, kiểm sát viên đối đáp với luật sư của các bị cáo và các bị cáo để bóc gỡ từng lớp vấn đề, bảo vệ truy tố của cáo trạng, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc “suy đoán vô tội” để lượng hình cho các bị cáo.

Đối với các bị cáo có thái độ ăn năn hối cải và thành khẩn khai báo, công tố viên và HĐXX đã hỏi và khai thác lời khai trước. Sau đó, cho các bị cáo tự đối chất lời khai để chính các bị cáo và luật sư đều nhận thấy, không có căn cứ để chấp nhận việc thay đổi lời khai của các bị cáo phản cung. Đối với các bị cáo khai bị mớm cung, ép cung, thì tại phiên Tòa, chính luật sư của các bị cáo khẳng định, sự tham gia của luật sư trong các buổi hỏi cung, luật sư khẳng định không có việc mớm cung, bức cung hoặc điều tra viên đọc cho bị cáo viết theo trình bày của bị cáo.

Đối với những bị cáo có vai trò là lái xe, Kiểm sát viên đã chỉ ra các chứng cứ cho thấy, các bị cáo biết rõ việc lái xe chở những bị cáo khác đi mua bán, và vận chuyển ma túy, nên vai trò của các bị cáo này là giúp sức cho việc mua bán vận chuyển ma túy nên phạm tội mua bán, vận chuyển ma túy.

Chia sẻ về việc phối hợp thực hiện quyền công tố tại phiên tòa giữa kiểm sát viên được biết phái và kiểm sát viên tại VKS địa phương, KSV Trần Thế Vinh chia sẻ: Được sự phân công, chỉ đạo của lãnh đạo VKSNDTC, lãnh đạo vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy và lãnh đạo VKSND tỉnh Hà Nam, tổ công tố tại phiên Tòa đã làm tốt chức năng, vai trò và nhiệm vụ được giao.

Việc phối hợp cần nhất là sự thống nhất, tin tưởng và trao đổi các thông tin chặt chẽ giữa các kiểm sát viên. Còn có khúc mắc về hồ sơ vụ án thì còn thảo luận, còn chia sẻ để đến khi mọi thông tin, khúc mắc dù là nhỏ nhất trong tài liệu, chứng cứ của vụ án được làm sáng tỏ.

Tại phiên tòa, mỗi thành viên trong tổ công tố có sự phân công công việc cụ thể, mỗi người đều phải làm tốt vai trò của mình để phối hợp hoàn thiện với các thành viên khác, phối hợp với HĐXX. Tại phiên tòa này, chúng tôi quan điểm công tố viên và HĐXX tạo điều kiện và cơ chế cởi mở để luật sư và các bị cáo được tranh tụng tốt nhất. Cũng trong quá trình tranh tụng, từng vấn đề của vụ án được sáng tỏ, sau cùng cả luật sư và các bị cáo đều đồng tình với quan điểm và bản luận tội của VKS đưa ra.

Cuối phiên xét xử, khi nói lời sau cùng, các bị cáo đã cúi đầu nhận tội, có bị cáo xin cơ hội được sống, được làm lại cuộc đời, và nghẹn ngào hứa sẽ không bao giờ dám phạm tội liên quan đến ma túy nếu có cơ hội được làm lại cuộc đời.

Trần Tâm