Nhận diện nguyên nhân

Theo Viện trưởng Hồ Thị Lan Anh, nạn xâm hại trẻ em có những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Trong đó, đối tượng có hành vi xâm hại tình dục đối với  trẻ em bị ảnh hưởng bởi các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng sống ở vùng sâu, vùng xa; có những đối tượng thực hiện hành vi giết hại trẻ em do thiếu kiềm chế trong quan hệ xã hội; một số người mắc bệnh tâm thần, nhưng không được đưa vào các trung tâm điều trị, chữa bệnh nên đã có hành vi giết hại trẻ em.

leftcenterrightdel
Viện trưởng Hồ Thị Lan Anh trực tiếp lắng nghe và chỉ đạo việc giải quyết các vụ án về xâm hại  trẻ em. 

Bên cạnh đó, do mặt trái của kinh tế thị trường, do trẻ em hiện nay được tiếp cận quá sớm đối với mạng internet, trong khi thiếu sự quản lý, giám sát của gia đình nên trẻ dễ tiếp cận các nội dung không lành mạnh trên mạng xã hội; nhà trường và phụ huynh chưa quan tâm giáo dục giới tính cho các em, do tâm lý ngại nói đến những vấn đề nhạy cảm. 

Đặc biệt, lứa tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở chưa có sự hiểu biết cần thiết về tâm sinh lý trong giai đoạn dậy thì, chưa có sự hiểu biết về hoạt động tình dục, tò mò, thích khám phá, chưa có kỹ năng phòng tránh khi bị xâm hại tình dục. Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt được cải thiện nên trẻ em dậy thì sớm, trong khi đó, các cháu lại chưa được trang bị những kiến thức cần thiết về giáo dục giới tính nên dễ trở thành nạn nhân của các tội phạm xâm hại tình dục.

Nhận thức rõ tính phức tạp của loại tội phạm này, trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự về xâm hại trẻ em, VKS hai cấp tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi và các quy chế nghiệp vụ của Ngành.

Hàng năm, VKS hai cấp tỉnh Lạng Sơn đăng ký cho các Kiểm sát viên tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các tội phạm về mua bán người, mua bán trẻ em và một số tội phạm khác về xâm hại trẻ em. Công tác phối hợp với các cơ quan tư pháp trong phòng, chống xâm hại trẻ em được thực hiện tốt, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, lấy lời khai của bị hại trong các vụ xâm hại trẻ em. Trong năm 2019, VKSND tỉnh Lạng Sơn đã ký Chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công an, Tòa án tỉnh trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019 - 2022.

Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, bên cạnh việc nêu cao trách  nhiệm trong việc truy tố, đề nghị xử lý nghiêm minh các hành vi xâm hại trẻ em,  VKSND hai cấp tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều kiến nghị phòng ngừa để ngăn ngừa các hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe đối với trẻ em; các đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Các kiến nghị của VKS đã được các cơ quan tiếp nhận chấp nhận.

Vướng mắc từ thực tiễn  

Thực tiễn quá trình áp dụng các quy phạm pháp luật hiện hành để thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em, VKSND tỉnh Lạng Sơn nhận thấy có một số quy định của pháp luật còn bất cập, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án. Cụ thể như sau:

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên của VKSND TP Lạng Sơn trong phiên xét xử vụ án Ngô Duy Khánh phạm Tội Hiếp dâm. 

Đối với tình tiết định khung tăng nặng “Có tính chất loạn luân” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141; điểm a khoản 2 Điều 142; điểm d khoản 2 Điều 143; điểm a khoản 2 Điều 144; điểm c khoản 2 Điều 145 BLHS; đến nay chưa có hướng dẫn thế nào là “có tính chất loạn luân”. Thực tế, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra các vụ án mà người phạm tội là chú ruột, bác ruột, cậu ruột, anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì ruột của bị hại. Những trường hợp này có được coi là có tính chất loạn luân hay không? Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau. Trên thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn coi các trường hợp trên là có tính chất loạn luân, nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể để làm căn cứ pháp lý trong quá trình giải quyết.

Công tác giám định về xâm hại tình dục đối với trẻ em còn nhiều hạn chế. Luật Giám định tư pháp năm 2013 không quy định việc trưng cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em là loại đặc biệt, cần được thực hiện nhanh để xác định thủ phạm, gây nhiều khó khăn trong quá trình tìm chứng cứ và công tác xử lý tội phạm.

Tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS hiện hành có đề cập đến việc công khai xin lỗi người bị hại. Tuy nhiên, thủ tục công khai việc xin lỗi đối với các vụ án về xâm hại tình dục trẻ em hiện chưa được hướng dẫn nên gặp khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn. 

Trong một số vụ án, việc xác định tuổi của người bị hại gặp nhiều khó khăn. Có trường hợp không xác định được năm sinh của người bị hại, cơ quan tiến hành tố tụng đã làm các thủ tục để tiến hành giám định tuổi của họ nhưng kết quả giám định của các cơ quan chuyên môn lại khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với tài liệu điều tra khác nên gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Bên cạnh đó, nhận thức pháp luật của một số người dân, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ học vấn còn thấp, nhiều người chưa nhận thức được hành vi họ đã thực hiện là vi phạm pháp luật. Việc phát hiện, xử lý hành vi phạm tội chưa triệt để, một số trường hợp bên bị hại thường có tâm lý lo sợ, nên còn che giấu, không trình báo cơ quan chức năng hoặc không hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, việc thu thập chứng cứ, kết luận giám định pháp y gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc xác định hành vi phạm tội, áp dụng biện pháp ngăn chặn chưa kịp thời; công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với các trường hợp này còn khó khăn.

Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án Mua bán người dưới 16 tuổi (theo quy định tại Điều 151 BLHS hiện hành) và triển khai thi hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/1/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về Tội Mua bán người và Điều 151 về Tội Mua bán người dưới 16 tuổi của BLHS, VKSND tỉnh Lạng Sơn có vướng mắc về việc áp dụng khoản 3 Điều 7 của Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP trong vụ án mua bán người dưới 16 tuổi.

leftcenterrightdel
Liên ngành TP Lạng Sơn ký kết Quy chế phối hợp trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. 

Những giải pháp toàn diện

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, trong thời gian tới, VKSND tỉnh Lạng Sơn đã chủ động đề ra một số giải pháp như: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử. Đối với VKS 2 cấp, gắn hoạt động thực hành quyền công tố với hoạt động điều tra, thực hiện quy định mới của BLTTHS 2015 bảo đảm sự có mặt của KSV trong các hoạt động điều tra như: khám xét, khám nghiệm hiện trường, nhận dạng, đối chất, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, việc lập các biên bản xác định địa điểm thực hiện hành vi phạm tội, địa điểm cất giấu vật chứng, phương tiện phạm tội... Cần thiết phải ghi âm, ghi hình lời khai của 2 phía, phòng khi có sự thay đổi lời khai thì sử dụng các biên bản thu thập nêu trên để chứng minh tại Tòa.

Song song với đó là đề cao tính hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật, giáo dục kiến thức về giới tính cho trẻ em trên địa bàn. Mỗi gia đình, nhà trường, các cơ quan, ban, ngành có liên quan cần nhận thức rõ sự cần thiết của công tác này, từ đó thường xuyên tăng cường các hoạt động tuyên truyền, các nhà trường bổ sung thêm bài học về giáo dục giới tính, các kỹ năng xử lý tình huống cho trẻ em.

Đối với gia đình cần nâng cao trách nhiệm, quan tâm, quản lý, giáo dục, bảo vệ con em mình; ngăn chặn kịp thời các hành vi có dấu hiệu xâm phạm tình dục trong gia đình và cộng đồng; kịp thời trình báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục. Chính quyền các cấp cần thực hiện tốt quy trình can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực và bị xâm hại tình dục trên địa bàn.

Viện trưởng VKSND tỉnh Lạng Sơn Hồ Thị Lan Anh  cho biết thêm: Trong báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội  tại buổi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, VKSND tỉnh Lạng Sơn cũng đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến với các cơ quan tư pháp trung ương trong việc hướng dẫn, giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật để việc thực thi các đạo luật về tư pháp bảo đảm thống nhất trong phạm vi cả nước, nhất là những tội danh, hành vi còn có nhiều cách hiểu khác nhau như dâm ô, quan hệ tình dục khác,.... 

Xuân Hưng