Trưởng thành trên biên giới

Có thể nói rằng, cuộc đời của người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Kim Vang không dài, nhưng những chặng đường ông đã trải qua thì rất nhiều dấu ấn gắn với lịch sử cách mạng, lịch sử của lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng. Người chiến sĩ quân hàm xanh ưu tú ấy sinh ra và lớn lên một gia đình cách mạng, có cha là đồng chí Nguyễn Lưu, từng tham gia đội du kích Ba Tơ nổi dậy giành chính quyền.

Ngay từ nhỏ, cậu bé Kim Vang đã luôn mơ ước được trở thành Giải phóng quân nên khi đón Bác Hồ đến thăm Trường 13 dành cho học sinh miền Nam đóng ở Cầu Rào, Hải Phòng, cậu đã dõng dạc trả lời Bác: “Thưa Bác, chúng cháu đều quyết tâm học tập thật giỏi, để sau này trở về chiến đấu cùng đồng bào, giải phóng miền Nam!”.

leftcenterrightdel
 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Kim Vang.

Sau đó không lâu, khi chiến trường miền Nam vô cùng cam go, ác liêt, Nguyễn Kim Vang mới có 15 tuổi liền đăng ký tuyển quân và được biên chế về Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang. Anh nhanh chóng trưởng thành qua từng nhiệm vụ và được chỉ huy các đơn vị đặt cho biệt danh "cậu bé thép". Trên biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An), Nguyễn Kim Vang cùng với đồng đội của mình nhiều lần chặn đánh phỉ, từng bước chiêu hàng lính Vàng Pao, cô lập rồi dần dần chế ngự được tên cầm đầu là Già Xay Xua, kẻ tự xưng là Châu Phà, tức Vua trời. Khi phỉ Vàng Pao đã tan rã, anh lại tiếp tục giúp đỡ nhân dân các dân tộc trên miền tây xứ Nghệ xây dựng đời sống mới.

Không lâu sau, Nguyễn Kim Vang quay ra Bắc để theo học khóa 2 trường Sỹ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là Học viện Biên phòng). Sau hai năm, anh tốt nghiệp ra trường và lên biên giới Lào Cai nhận nhiệm vụ Chính trị viên Đồn công an vũ trang Cốc Lếu. Người cán bộ chính trị tuổi còn rất trẻ ấy đã thực sự giành được tín nhiệm của đồng đội và được đồng bào các dân tộc tin yêu chỉ trong một thời gian ngắn. Trung tướng Phạm Kiệt từng đánh giá rất cao tinh thần và bản lĩnh của Kim Vang khi tận mắt chứng kiến anh thuyết phục nhân dân đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia giáo dục chính trị đối với các đối tượng có ý đồ chống phá cách mạng.

Mùa hè năm 1967, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã lựa chọn một số cán bộ là con em miền Nam đã từng trải qua chiến đấu, có bản lĩnh, lập trường vững vàng, có năng lực chỉ huy vào tăng cường cho chiến trường miền Nam, trong đó có Nguyễn Kim Vang. Trước ngày lên đường, anh trở về Hải Phòng thăm gia đình. Thấy anh rắn rỏi, trưởng thành, ba mẹ rất yên tâm và hi vọng  con trai có thể đóng góp nhiều hơn cho cách mạng miền Nam. Kim Vang lấy phong kẹo lạc trong ba lô cho cậu em út mới 9 tuổi cứ ríu rít theo anh hỏi đủ thứ chuyện.

Người cha ôm cậu út dặn dò: “Út Bình cố gắng học giỏi, sau này ba cho đi dánh giặc theo anh Vang nhen”. Nhưng Kim Vang thì không nghĩ vậy. Đêm ấy, anh đã ngắm nhìn gương mặt bầu bĩnh của cậu em đang ngủ say, lòng thầm nghĩ “Hi vọng chiến tranh sớm kết thúc, để em Hòa Bình thực sự được sống trong bình yên, không phải cầm súng ra chiến trường như ba, như các anh chị.”     

leftcenterrightdel
 Những kỷ vật của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Kim Vang.

 Chiến đấu vì độc lập, tự do                                  

Sớm hôm sau, Kim Vang lặng lẽ đi sớm. Hơn 3 tháng hành quân vượt tuyến lửa, anh đã đến Phú Yên và được Ban An ninh tỉnh giao làm Chính trị viên Đại đội An ninh vũ trang, có nhiệm vụ bảo vệ cán bộ cấp trên tuyệt đối an toàn trong khi đi công tác cũng như những lúc làm việc ở căn cứ. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng khác chiến đấu bảo vệ an ninh và giữ vững khu căn cứ, phục vụ cho phong trào đấu tranh của nhân dân trong tỉnh. Mỗi lần làm nhiệm vụ, phải vượt qua nhiều đoạn đường địch thường hay gài mìn, phục kích, bắt sống cán bộ, Nguyễn Kim Vang luôn đi đầu, vừa nắm tình hình địch, vừa cùng đồng đội phá gỡ bom, mìn địch gài và dọn đường để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho cán bộ.

Bằng sự mưu trí và can đảm của mình, Nguyễn Kim Vang đã chỉ huy anh em chiến đấu vượt qua nhiều trận đánh ác liêt. Đơn cử như cuộc chiến chống lại đợt tấn công của 2 tiểu đoàn lính Nam Triều Tiên vào tháng 4/1969 nhằm tiêu diệt các cán bộ của ta về tham dự Hội nghị an ninh toàn tỉnh Phú Yên ở khu vực Hòn Giang, huyện Sơn Hòa. Chúng dùng trực thăng đổ bộ, bao vây cả khu vực này, đồng thời dùng pháo bắn yểm trợ. Giữa lúc “ngàn cân treo sợi tóc”, Nguyễn Kim Vang đã nhanh chóng cử một phân đội bảo vệ và đưa đại biểu cùng gần 100 người dân sơ tán đến nơi an toàn, anh cùng 7 đồng chí khác ở lại trực tiếp đối đầu với địch, yểm trợ cho các mũi rút lui. Với chiến thuật lấy ít đánh nhiều, nghi binh, phân đội do anh phụ trách làm thất bại nhiều đợt tấn công của địch, tiêu diệt 52 tên.

Một trận đánh khác cũng hết sức oanh liệt vào giữa năm 1971 khi Đại đội an ninh vũ trang của Kim Vang phối hợp các lực lượng khác tổ chức vào thị trấn tiêu diệt những tên ác ôn, gián điệp, vận động quần chúng ủng hộ cách mạng. Địch điều xe tăng và bộ binh phản kích, bao vây bao vây đại đội an ninh, dùng phi pháo nã đạn ồ ạt vào trận địa của ta và dùng loa gọi các anh chiêu hồi. Khi ấy, dù tình thế cam go, nguy hiểm, song người chiến sĩ an ninh vũ trang Nguyễn Kim Vang vẫn bình tĩnh động viên đồng đội giữ vững khí tiết cách mạng, tận dụng mọi vũ khí đánh trả địch quyết liệt, làm cho địch bị nhiều thương vong và chúng không dám tiến vào gần. Chính anh, bằng sự mưu lược của mình đã mở đường máu đưa đại đội và nhiều cán bộ về căn cứ an toàn.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao dự Lễ đặt tên đường Nguyễn Kim Vang tại TP Tuy Hoà (Phú Yên).

Tuổi xuân gửi lại đất quê hương

Nguyễn Kim Vang cũng thực sự là “thủ lĩnh tinh thần” của đại đội, hết lòng thương yêu đồng đội, đồng chí và đồng bào. Trong bất cứ nhiệm vụ, hoàn cảnh nào, anh luôn luôn nhận những việc nguy hiểm, nặng nhọc về phần mình. Dù công tác, chiến đấu trong lòng địch, thường xuyên phải di chuyển địa bàn đóng quân, anh vẫn tranh thủ bồi dưỡng thanh niên trở thành đoàn viên, đoàn viên trở thành đảng viên.

Đại đội của anh khi mới thành lập chỉ có 3 đảng viên và hơn 10 đoàn viên, tới năm 1971 đã có hơn 30 đảng viên và hàng trăm đoàn viên, chiến đấu anh dũng khắp các tỉnh Nam Trung Bộ. Chính họ cũng đã đồng lòng, sát cánh cùng Chính trị viên của mình để tích cực tham gia phong trào thi đua phát triển vũ khí tự tạo, cải tiến vũ khí, đạn dược để làm ra các loại vũ khí có hiệu quả sát thương và tấn công cao. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Kim Vang, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tìm kiếm các loại bom, mìn “lép” để sản xuất hàng ngàn quả bom, mìn mới, góp phần tiêu diệt địch rất hiệu quả.  

Giữa lúc tuổi xuân căng tràn nhiệt huyết, ngày 26 tháng 1 năm 1972, khi mùa xuân đang đến thì một cơ sở cách mạng của ta bị vỡ, khiến nhiều cán bộ của ta bị lộ và bị bắt giam. Nguyễn Kim Vang cùng đồng đội đã lên đường đến thôn Liên Trì, xã Bình Kiến, thị xã Tuy Hòa để tìm biện pháp khắc phục sự cố, gây dựng lại cơ sở. Giữa đường thì bị địch phục kích và bị thương, anh nén đau, kẹp súng AK vào nách bắn xối xả vào đội hình kẻ thù để yểm trợ cho đồng đội thoát hiểm.

Quyết không để sa vào tay giặc, viên đạn cuối cùng anh dành cho chính mình. Khi đồng đội đến giải vây, người chiến sĩ quả cảm ấy anh dũng hy sinh, cho quê hương xanh thắm những mùa xuân. Càng xót xa hơn, khi kẻ địch nhằm thị uy dân chúng đã kéo lê thi thể của anh cùng đồng chí Trần Đặng khắp các xóm làng và phơi xác dưới nắng, mưa nhiều ngày. Thậm chí, chúng đã nhầm lẫn dựng bia đề tên Trần Đặng và Trịnh Tấn Lực trên mộ của hai người.

leftcenterrightdel
 Cô trò Trường THCS Nguyễn Kim Vang trước Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Kim Vang.

Ngày 6/6/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Thượng úy Nguyễn Kim Vang. Song phần mộ của người anh hùng ấy ở nơi đâu thì vẫn còn là dấu chấm hỏi. Mãi tới sau này, năm 1983, khi người em út Nguyễn Hòa Bình (nay là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao) tốt nghiệp Đại học An ninh về nhận công tác tại Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ngôi mộ đề tên Trịnh Tấn Lực đã được trả lại tên cho người anh hùng Nguyễn Kim Vang. Và cha mẹ, đồng đội đã đưa anh về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Núi Bút, thành phố Quảng Ngãi quê hương.

Tấm gương của người chiến sĩ an ninh vũ trang kiên trung, tiết tháo đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ấy luôn là tấm gương của các thế hệ cán bộ chiến sĩ biên phòng. Trang sử vàng truyền thống của BĐBP lưu những dòng tự hào về chiến công anh dũng của anh. Ngôi trường mang tên người anh hùng Nguyễn Kim Vang được xây dựng khang trang tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi ngày ngày vang tiếng trẻ học bài. Con đường Nguyễn Kim Vang chạy giữa khu dân cư mới của thành phố Tuy Hòa tấp nập người xe qua lại.

Tên anh đã và sẽ luôn sống mãi trong lòng Tổ quốc và dân tộc!

Thiếu tá, nhà văn Phạm Vân Anh