“Nổ xin việc” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

Theo nội dung vụ án, vào khoảng tháng 10/2014, chị Trần Thị Phương (trú tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) nhờ Nguyễn Đình Tráng (trú tại thôn Quảng Thuận, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) xin việc cho em trai mình vào công tác trong ngành Công an. Tráng đưa ra yêu cầu số tiền phải nộp để xin việc là 250 triệu đồng. Để tạo niềm tin cho chị Phương, Tráng đưa thông tin là có quen biết một số người trong ngành Công an và đưa ra danh thiếp ghi tên Đào Quang Hạ, Phó trưởng phòng, Cục Cảnh sát bảo vệ - Bộ Công an, đồng thời đưa ra lộ trình xin việc. 

Sau đó, hai bên thống nhất là chị Phương phải đưa trước cho Tráng 130 triệu đồng, số còn lại sẽ đưa hết khi Tráng xin được việc. Đến tháng 6/2015, Tráng gọi điện yêu cầu chị Phương chuyển thêm 30 triệu đồng và hẹn đến tháng 7/2015 sẽ có quyết định cho em trai chị Phương vào công tác trong ngành Công an. Vì tin tưởng, chị Phương đã chuyển 30 triệu đồng cho Tráng. Tuy nhiên, đến hẹn vẫn không thấy quyết định cho em trai đi làm nên chị Phương đến trụ sở Bộ Công an tại TP HCM tìm hiểu thì được biết không ai có tên là Tráng công tác tại đây. Do đó, ngày 15/11/2015, chị Phương đã làm đơn tố cáo Tráng.

Tại Bản án sơ thẩm số 97/2016/HSST ngày 14/12/2016, TAND huyện Đắk R’lấp đã áp dụng các quy định pháp luật xử phạt bị cáo Tráng 01 năm 06 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 23/12/2016, bị cáo Tráng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên Lê Thị Tố Quyên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên toà phúc thẩm. 

Là Kiểm sát viên được Lãnh đạo phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đối với vụ án, ngay khi tiếp cận hồ sơ, chị Lê Thị Tố Quyên - đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông đã nghiên cứu kỹ nội dung vụ án, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để làm rõ nội dung kháng cáo của bị cáo. Từ đó, chị Quyên đã có quan điểm đề xuất nội dung kháng cáo của bị cáo có căn cứ hay không, đồng thời xây dụng đề cương xét hỏi và dự kiến những nội dung cần tranh luận tại phiên tòa, đảm bảo việc xét xử phúc thẩm vụ án được toàn diện và đúng pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị đã chủ động xét hỏi, làm rõ tính hợp pháp và tính có căn cứ của các tài liệu về hồ sơ bệnh án mà bị cáo cung cấp làm căn cứ cho việc xin hưởng án treo. 

“Căn cứ vào các quy định của pháp luật, tôi tranh luận về nhân thân và xác định hồ sơ bệnh án mà bị cáo cung cấp là không có giá trị pháp lý, chưa đủ căn cứ để chứng minh tình trạng bệnh của bị cáo và đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Đồng thời, nhanh chóng dự kiến những tình huống và lập luận để tranh luận với bị cáo và luật sư bào chữa cho bị cáo về nội dung này. Tuy nhiên, khi bị cáo đã cung cấp các tài liệu để chứng minh tình trạng bệnh của mình thì bị cáo cũng như luật sư bào chữa cho bị cáo tìm mọi cách, mọi lý luận để bảo vệ tính có căn cứ của các tài liệu này mà không dựa trên cơ sở quy định của pháp luật” – chị Quyên cho hay. 

Mặc dù vậy, tại Bản án hình sự phúc thẩm số 58/2017/HSPT ngày 25/7/2017 HĐXX TAND tỉnh Đắk Nông vẫn chấp nhận tài liệu bị cáo cung cấp là có căn cứ. Từ đó, HĐXX chấp nhận kháng cáo giữ nguyên mức hình phạt 01 năm 06 tháng tù nhưng cho bị cáo Tráng được hưởng án treo. 

Kiên quyết bảo vệ quan điểm luận tội

Không chấp nhận kết quả nói trên, Kiểm sát viên Lê Thị Tố Quyên cho rằng, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Tráng, sửa bản án sơ thẩm là không phù hợp với quy định của pháp luật; chưa tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả mà hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra. Do đó, Kiểm sát viên đã đề xuất Lãnh đạo VKS thực hiện quyền báo cáo đề nghị VKSND cấp cao kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm. 

Trên cơ sở những lập luận vững chắc của Kiểm sát viên về những vi phạm của Tòa án cấp phúc thẩm, Lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông đã có báo cáo đề nghị kháng nghị Giám đốc thẩm vụ án Nguyễn Đình Tráng, nhằm bảo vệ quan điểm của Viện kiểm sát, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp.

Theo đó, nội dung văn bản báo cáo đề xuất thể hiện: Trong tình hình hiện nay, tội phạm lừa đảo tại địa phương, đặc biệt là lừa đảo qua hình thức xin việc diễn ra nhiều và rất phức tạp, có cả cán bộ nhà nước tham gia gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo xử nghiêm đối với loại tội phạm này nhưng vẫn không có chiều hướng giảm. Do đó, hành vi phạm tội của bị cáo Tráng làm ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh, uy tín của ngành Công an nhân dân, gây mất lòng tin trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến hoạt động tuyển dụng nhân sự của hệ thống các cơ quan Nhà nước tỉnh Đắk Nông, đồng thời ảnh hưởng đến trật tự trị an tại địa phương. 

Mặt khác, các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện, ngoài lần phạm tội này thì trước đó, vào ngày 25/3/2010, bị cáo còn bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Đức khởi tố - điều tra về hành vi phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cũng với hình thức lừa đảo qua xin việc. Sau đó, bị cáo được VKSND huyện Tuy Đức đình chỉ vụ án đối với bị can do được miễn trách nhiệm hình sự, chứ không phải đình chỉ vì không có tội. Vì thế, mặc dù bị cáo chưa bị kết án lần nào nhưng không phải là có nhân thân tốt nên chưa đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng án treo theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013.

leftcenterrightdel
Tập thể lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì (ngày 4/7/2019). 

Đáng nói, mặc dù tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Tráng có cung cấp các tài liệu thể hiện bị cáo bị hở van hai lá 3.5/4; hở van động mạch chủ ¾; suy thận. Tuy nhiên, căn cứ tại điểm a, khoản 1, Điều 4 Chương II, Thông tư liên tịch số 03/2013 ngày 15/5/2013 quy định, suy tim độ 3 trở lên được quy định là bệnh nặng. Thế nhưng, đây là trường hợp quy định về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân, nên không lấy đó làm căn cứ để áp dụng Điều 29 BLHS năm 2015 như nội dung bản án phúc thẩm đã phân tích. Hơn nữa, các tài liệu thể hiện việc thăm khám và kết luận bệnh là do khoa Cấp cứu tổng hợp thuộc Bệnh viện nhân dân 115 thực hiện mà không phải do các chuyên khoa thực hiện và kết luận chính thức. 

Cũng theo đánh giá của VKSND tỉnh Đắk Nông, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội đối với người có nhu cầu xin việc trong khi bị cáo không có trách nhiệm, quyền hạn gì, điều đó thể hiện ý thức quá coi thường pháp luật. Bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt số tiền 160 triệu đồng, do đó, bị cáo bị truy tố, xét xử với định khung hình phạt quy định tại điểm e khoản 2 Điều 139 BLHS; mức hình phạt quy định là từ 2-7 năm tù. Với số tiền 160 triệu đồng bị cáo chiếm đoạt là gần với số tiền có giá trị ở mức cao nhất mà điểm e khoản 2 Điều 139 BLHS quy định: “Chiếm đoạt số tiền có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu động”. Quá trình điều tra, truy tố xét xử sơ thẩm, bị cáo có 3 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên đã được Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Điều 47 BLHS tuyên mức án 1 năm 6 tháng tù là dưới khung hình phạt đã thể hiện được sự khoan hồng của pháp luật.

Toà hủy án theo kháng nghị của Viện kiểm sát

Từ những phân tích nói trên, VKSND tỉnh Đắk Nông đã có báo cáo đề nghị Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP HCM kháng nghị theo trình tự Giám đốc thẩm, hủy Bản án phúc thẩm số 58/2017/HSPT ngày 25/7/2017 của TAND tỉnh Đắk Nông để xét xử phúc thẩm lại cho đúng pháp luật.

Đánh giá cao báo cáo đầy đủ, kịp thời và có chất lượng của VKSND tỉnh Đắk Nông, ngày 8/6/2018, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP HCM đã ban hành Kháng nghị giám đốc thẩm số 101/QĐ-VC3-V1 đối với Bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Nông theo hướng hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại phần về hình phạt đối với bị cáo Tráng. 

Ngày 9/11/2018, TAND cấp cao tại TP HCM đã mở phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP HCM, tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Nông về phần cho hưởng án treo của bị cáo Tráng để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định pháp luật. 

Đến ngày 22/5/2019, sau khi đưa vụ án nói trên ra xét xử phúc thẩm lại, TAND tỉnh Đắk Nông quyết định: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Đình Tráng; giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 97/2016/HSST ngày 14/12/2016  của TAND huyện Đắk R’Lấp về phần hình phạt. Áp dụng các quy định pháp luật, xử phạt bị cáo Tráng 1 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Thông qua vụ án này, VKSND cấp cao tại TP HCM đã có văn bản Thông báo gửi 23 VKSND các tỉnh, thành trong khu vực để tham khảo, nghiên cứu, vận dụng, rút kinh nghiệm chung trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết vụ án hình sự như: “về việc thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ mới phát sinh tại phiên tòa phúc thẩm và về sai lầm trong việc đánh giá nhân thân bị cáo để cho bị cáo hưởng án treo trái pháp luật…”.

Chính Cương