Khi tôi thắc mắc, vì sao ngay khi tốt nghiệp trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh danh giá, Võ không xin việc để đi làm ngay mà lại lựa chọn phương án về quê để xin đi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Võ cười và từ tốn giải thích, anh muốn trải nghiệm, rèn luyện thêm ở môi trường quân ngũ để trưởng thành hơn, cứng cáp hơn.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Bùi Hữu Võ - Điều tra viên, Phòng 10, Cơ quan Điều tra VKSND tối cao thường tranh thủ sáng tác âm nhạc mỗi khi hoàn thành xong nhiệm vụ được giao.

Nhập ngũ, sau thời gian huấn luyện tân binh, Võ được chuyển về công tác tại Đại đội Cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Do nơi đóng quân gần trường Đại học Luật Hà Nội nên sau khi đề đạt nguyện vọng, Võ được đơn vị tạo điều kiện cho được đi học thêm lớp Cao học ngành Luật. Thế là vừa thực hiện nghĩa vụ quân sự, chàng thanh niên quê lúa Thái Bình vẫn có thể tranh thủ học thêm, bồi dưỡng thêm kiến thức về ngành Luật cho bản thân mình. Đó là một trong những tiền đề quan trọng để sau này Võ có thể “bén duyên” với ngành Kiểm sát nhân dân.

Võ kể, tháng 10/2013, được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, anh và đồng đội của mình đã không thể cầm được nước mắt. Con người Đại tướng đã luôn trong trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam từ nhiều thập kỉ qua. Và ở trong thời điểm ấy, khi đang khoác trên mình bộ quân phục, thì sự ra đi của Đại tướng – Người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, khiến tâm trạng, cảm xúc của Võ cùng các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị của anh thật không thể diễn tả.

Võ nhớ lại, khi ấy, khi hay tin, anh đã đạp xe từ đơn vị để tìm đến ngôi nhà của Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội). Khi Võ đến nơi, hàng nghìn, hàng nghìn người dân đã về đó để hướng ánh mắt vào phía trong ngôi nhà của Đại tướng. Ở thời điểm Đại tướng ra đi, thật khó có thể thấy ai không rơi nước mắt. Và Võ cũng vậy.

Võ chia sẻ, ngày hôm ấy, anh đạp xe trở về đơn vị mà sự bồi hồi, xúc động thì mỗi lúc một đong đầy, dâng tràn thêm. Và ngay trong ca gác đêm hôm ấy, ý tưởng về việc sáng tác một bài hát vĩnh biệt Đại tướng đã nhen nhóm rồi thôi thúc anh viết ca khúc “Đại tướng ơi, non sông nhớ Người”.

leftcenterrightdel
 Ca khúc "Đại tướng ơi - non nước nhớ người"

Là một người không được học nhạc nên việc ký âm, ghi lại các nốt nhạc đối với Võ ban đầu khá khó khăn. Anh bắt đầu tự tìm hiểu, tự học về nhạc lý. Và cuối cùng, từng lời bài hát cũng đã dần được ký tự lại bằng nốt nhạc và thành bản nhạc hoàn chỉnh. “Chính vì khó khăn trong vấn đề nhạc lý nên mỗi ca khúc từ lúc sáng tác đến lúc hoàn thành, mình phải mất trung bình đến cả 1 tháng nhưng mình luôn cố gắng và không từ bỏ đam mê” – Võ chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Bùi Hữu Võ - Điều tra viên, Phòng 10, Cơ quan Điều tra VKSND tối cao (ngoài cùng bên trái) trong buổi lễ bế giảng lớp đào tạo nghiệp vụ điều tra hình sự.

Tôi đã may mắn được nghe nhiều lần ca khúc “Đại tướng ơi, non sông nhớ người!” của Võ. Là một người nghe nhạc như bao thính giả khác, tôi cảm nhận được tình cảm, cảm xúc của tác giả gửi gắm vào trong ca khúc của mình. Ngay từ những nốt nhạc đầu tiên cất lên, âm hưởng bao trùm là nỗi buồn, sự tiếc thương khôn nguôi khi một buổi chiều, nhân vật tự sự trong ca khúc về đến khu vực Ba Đình, đứng trước số nhà 30 Hoàng Diệu và chỉ có thể kính cẩn, nghiêng mình trước Đại tướng. Có một sự thật là Đại tướng của chúng ta đã ra đi mãi mãi…

Vượt qua khoảng trầm lắng của sự tiếc thương, đến giữa bài hát, âm hưởng bỗng trở nên hào hùng với nhịp điệu nhanh, mạnh như bước đoàn quân đi khi tác giả nhớ về Đại tướng với những chiến công oai hùng trong kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Nhớ về Đại tướng, tiếc thương sự ra đi của Đại tướng nhưng bao trùm lên cả bài hát là âm hưởng hào hùng, lắng đọng…

Sau thành công đầu tiên với ca khúc viết về Đại tướng, tình yêu với âm nhạc, nhất là trong sáng tác của Võ ngày càng lớn dần lên. Võ chia sẻ, khi ca khúc của mình được hoàn thành, Võ như được trút bỏ những trăn trở, những đau đáu trong lòng của mình. Giờ đây, nhớ về Đại tướng, Võ có thể ngân nga ca khúc do chính mình sáng tác. Bạn bè, người thân, đồng nghiệp hay các khán giả, thính giả có thêm một ca khúc ý nghĩa để tưởng nhớ Đại tướng.

Ca khúc thứ 2 mà Võ viết lại trong cơ duyên khá tình cờ. Sau khi xuất ngũ, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Võ được về công tác tại VKSND tỉnh Thái Bình. Một thời gian tiếp theo, Võ được chuyển công tác lên Cơ quan điều tra của VKSND tối cao.

Võ kể, đầu năm 2020, trong ca trực ban Hình sự, Võ đã được tiếp một người thương binh nặng hạng ¼ từ tỉnh Bình Thuận đi xe khách ra Hà Nội để nộp đơn tố cáo. Chứng kiến vết thương chạy dài vắt ngang cơ thể của người thương binh già và được nghe ông kể về những hi sinh của đồng đội, một người cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân như Võ đã không cầm được nước mắt và xúc động viết bài hát “Người lính” ngay sau ca trực ban.

leftcenterrightdel
 Ca khúc "Người lính".

Võ nói với tôi rằng, anh muốn được dùng âm nhạc, dùng ca từ để thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân với các thế hệ cha anh đi trước. Nghe bài “Người lính” của Võ, cá nhân tôi cảm nhận thấy âm hưởng trầm buồn, da diết, khắc khoải, đau đáu... Đó là hình ảnh những người lính mười tám đôi mươi chưa biết yêu; đó là tình đồng đội, là sự đớn đau đến tột cùng khi đồng chí của mình ngã xuống và nằm lại nơi chiến trường lạnh lẽo…

Võ chia sẻ với tôi rằng, Võ còn rất nhiều dự định cho âm nhạc. Võ muốn viết và thích viết các bài hát về chủ đề quê hương, đất nước, về ngành Kiểm sát nhân dân, về những người lính bộ đội cụ Hồ anh hùng... Tuy nhiên, vẫn còn đó là những khó khăn mà Võ đang gặp phải.

Võ kể, để có thể cho ra đời được 2 clip về 2 ca khúc: “Đại tướng ơi, non sông nhớ người và “Người lính”, thì Võ đã phải tự bỏ ra một khoản chi phí khá lớn. Mặc dù Võ được ca sĩ Vũ Minh Vương – ca sĩ thể hiện miễn phí 2 ca khúc nêu trên, nhưng vẫn còn đó đối với Võ là tiền thuê hòa âm phối khí; chi phí quay, dựng clip. Võ tâm sự, có khi chi phí hết nửa năm lương và nhiều khi phải đi vay mượn thêm bạn bè thì Võ mới có đủ để chi trả.

Tuy nhiên, Võ nói với tôi rằng, anh sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa, gắng tiết kiệm, dành dụm để thực hiện cho bằng được sự đam mê, tâm huyết của mình. “Khi mình đắm chìm vào âm nhạc mỗi lúc thảnh thơi, thì đó còn là một cách giải tỏa căng thẳng để mình có thể trạng tinh thần tốt hơn, góp phần thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” – Võ chia sẻ.

Trao đổi với PV Báo Bảo vệ pháp luật, đồng chí Trần Hùng Mạnh, Trưởng phòng 10, Cơ quan Điều tra VKSND tối cao (lãnh đạo trực tiếp của Điều tra viên Bùi Hữu Võ) cho biết, Võ là 1 cán bộ có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công việc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao... Bên cạnh công tác chuyên môn, đồng chí Võ còn là một người có năng khiếu và say mê âm nhạc, sáng tác được 1 số bài hát, được anh em trong đơn vị đón nhận. “Chúng tôi luôn động viên, hi vọng trong thời gian tới, đồng chí Võ sẽ sáng tác và cho ra đời nhiều ca khúc hay hơn nữa” - đồng chí Trần Hùng Mạnh chia sẻ.

Vũ Cảnh