Cả xã hội phẫn nộ trước hành vi phạm tội
Theo hồ sơ vụ án, vào giữa năm 2015, để có lợi nhuận cao trong việc mua bán hạt tiêu, Phan Thị Dung (trú tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) – Giám đốc Công ty TNHH SXTM Thảo Dung có quen biết trước đó với Lê Thị Hồng Thơ (trú tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) – Giám đốc Công ty TNHH MTV Tịnh Thơ Đắk Nông nên cả hai thống nhất mua tạp chất để đấu trộn vào hạt tiêu bán kiếm lời.
|
|
Cơ sở thu mua nông sản của Nguyễn Thị Thanh Loan - nơi cơ quan chức năng phát hiện vụ việc. |
Sau đó, Thơ đã đặt mua tạp chất của Nguyễn Thị Thanh Loan và Nguyễn Xuân Bảo (cùng trú tại huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông). Đồng thời, Thơ đã thuê Trần Ngưỡng (trú tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) chuyên chở tạp chất mua của Loan – Bảo giao cho Dung. Với tạp chất mua được, Dung đem về trộn với số hạt tiêu mà Dung mua của người dân rồi đem bán cho người khác. Để có tạp chất giống với hạt tiêu, Loan và Bảo đã mua pin Con Ó về đập lấy phần than rồi nhuộm với các tạp chất trộn vào hồ tiêu, sau đó sấy khô để bán kiếm lời. Hành vi phạm tội của các đối tượng bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ vào giữa tháng 4/2018.
Tại Kết luận giám định số 2197A/C54 (P4) ngày 26/4/2018 của Viện khoa học hình sự, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an kết luận: Trong mẫu tiêu hạt gửi giám định có thành phần chính là tiêu hạt, hàm lượng 81,66%; ngoài ra, có tìm thấy các tạp chất gồm: vụn vỏ cà phê, vụn đá, bột pin (có thành phần: mangan dioxít, kẽm clorua, amoni clorua), hàm lượng tổng tạp chất là 18,34%. Theo quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BTY ngày 05/4/2018 của Bộ Y tế thì các chất mangan dioxit, kẽm clorua, amoni clorua không nằm trong danh mục chất hỗ trợ chế biến thực phẩm.
Hành trình đấu trí gian nan
Xác định đây không chỉ là vụ án nghiêm trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm mà còn ảnh hưởng rất lớn đến ngành hồ tiêu, ngay từ khi được lãnh đạo VKSND phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố và xét xử vụ án, Kiểm sát viên VKSND tỉnh Đắk Nông Hoàng Thị Hằng đã phải đối diện với không ít thách thức.
Kiểm sát viên Hoàng Thị Hằng cho hay: “Lúc đó, tôi chỉ mới được luân chuyển đến Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự kinh tế, tham nhũng và chức vụ (Phòng 3) nên khi nhận nhiệm vụ, bản thân không tránh khỏi sự lo lắng. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, tận tình của lãnh đạo Viện, lãnh đạo Phòng và sự động viên của các đồng nghiệp trong đơn vị, tôi đã không lùi bước trước khó khăn và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngay sau đó, tôi đã trực tiếp trao đổi với Điều tra viên về việc cần xác định đúng khách thể bị xâm phạm (là quy định của nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm) thì phải xác định được bà Loan kinh doanh mặt hàng gì, tại sao lại phải sử dụng bột pin, vỏ cà phê, sỏi đá nhỏ…sử dụng vào mục đích gì và bà Loan thu mua nông sản thì thu mua những mặt hàng nào, mua của ai, bán cho ai…”. Vì vậy, Kiểm sát viên đã yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ những vấn đề này.
Sau khi đối chiếu với các vật chứng thu giữ được, Cơ quan điều tra đã lần ra được lý do và đường đi của “sản phẩm” do bà Loan làm ra. Khi xác định được bà Loan nhuộm đen tạp chất bằng nước bột pin Con Ó để bán cho bà Dung trộn vào hạt tiêu xô thì việc tiếp theo phải xác định đúng là, trong hạt tiêu thành phẩm của bà Dung phải có bột pin thì mới đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Lúc này, Kiểm sát viên và Điều tra viên đã trao đổi thống nhất báo cáo lãnh đạo 2 ngành tiến hành trưng cầu giám định và được lãnh đạo đồng ý.
|
|
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. |
Kết quả giám định xác định, trong hạt tiêu thành phẩm có chứa bột pin gồm các hóa chất cấm đưa vào thực phẩm. Từ kết quả này, Kiểm sát viên Hoàng Thị Hằng yêu cầu Cơ quan điều tra tiếp tục xác định số lượng hạt tiêu thành phẩm của bà Dung có chứa bột pin giá trị bao nhiêu, tương đương với hạt tiêu xô không có tạp chất được nhuộm đen bằng bột pin để định lượng khung, khoản theo quy định của Bộ luật Hình sự. Khoảng 1 tuần sau khi sự việc bị phát hiện, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự và 2 tuần sau thì khởi tố 5 bị can.
Kiểm sát viên Hoàng Thị Hằng chia sẻ: “Giai đoạn đầu điều tra, các bị can khai nhỏ giọt hoặc khai không trung thực hoặc chỉ trả lời là không biết, không nghe, không thấy…Cụ thể, Loan lúc đầu khai là nhuộm đen tạp chất bán ra thị trường khoảng 3 tấn với giá 3.000 đồng/kg, không nhớ người mua là ai, không biết chở đi đâu, không biết để làm gì...Sau đó, Loan khai là bán tạp chất nhuộm bột pin cho một người phụ nữ đi mua tiêu lép, người này nói có bao nhiêu vỏ cà phê sẽ mua hết...Ngưỡng khai chỉ chở hàng thuê cho Loan nhưng không biết hàng gì và người mua là ai. Bảo khai bán tạp chất cho người phụ nữ ở Bình Phước... Đối chiếu các lời khai này, tiến hành đấu tranh tâm lý và biết không thể che giấu hành vi phạm tội nên các bị can đã khai ra Dung, Thơ ”.
Đặc biệt, sau khi biết được cơ sở thu mua nông sản của Nguyễn Thị Thanh Loan bị Cơ quan điều tra phát hiện, Ngưỡng gọi điện cho Dung nhờ người khác nhận mua 9.800kg tạp chất mới nhập của Ngưỡng lấy từ Loan và Bảo trước đó để về làm phân bón và cho người chở ra rẫy cao su ủ làm phân bón để tẩu tán, nhằm đánh lạc hướng Cơ quan điều tra. Lúc này, tại kho của Dung còn có khoảng 4.000 kg hạt tiêu đã trộn với tạp chất nên Dung cho trộn thêm 5.000 kg hạt tiêu mà Dung mua của người dân rồi đóng thành bao tổng cộng 9.000 kg để chuẩn bị giao cho khách hàng. Tuy nhiên, chưa kịp giao thì đến ngày 22/4/2018 bị cơ quan Công an tỉnh Đắk Nông tiến hành thu giữ.
|
|
Kiểm sát viên Hoàng Thị Hằng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên toà. |
Đứng trước các thủ đoạn và lời khai của các bị can nhằm che giấu đồng phạm nhưng cũng hé lộ nhiều tình tiết bất hợp lý, nên Kiểm sát viên Hoàng Thị Hằng đã chủ động bàn với Điều tra viên đưa ra nhiều chiến thuật “đấu trí” linh hoạt khi hỏi cung các bị can. Đồng thời, kiểm sát chặt chẽ việc điều tra của Cơ quan điều tra và trực tiếp yêu cầu Điều tra viên thu thập chứng cứ làm sáng tỏ những vấn đề cần chứng minh theo quy định. Trong đó, tập trung làm rõ vai trò của từng bị can, vừa thu thập chứng cứ buộc tội, vừa thu thập chứng cứ gỡ tội để tránh oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Quá trình xây dựng cáo trạng, lãnh đạo Viện rất thận trọng và yêu cầu Kiểm sát viên tuân thủ đúng nguyên tắc: Đưa chống oan, sai lên trước việc chống bỏ lọt tội phạm nhưng cũng rất quyết liệt trong đấu tranh chống loại tội phạm xâm phạm quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm: Các bị can đã coi thường sức khỏe, tính mạng của con người, vì hám lợi mà thực hiện hành vi mất đạo đức khiến cho cả xã hội lên án, phẫn nộ.
Bản luận tội đanh thép
Đến giai đoạn thực hành quyền công tố tại phiên tòa, Kiểm sát viên Hoàng Thị Hằng tiếp tục đối diện với không ít áp lực. Bởi đây là vụ án xâm phạm khách thể quy định của nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra đầu tiên tại tỉnh Đắk Nông. Hơn nữa, các bị can trong vụ án có vai trò khác nhau, mỗi người thực hiện một công đoạn trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội.
|
|
Cơ quan điều tra công bố các sản phẩm hồ tiêu các bị can đã trộn với hỗn hợp để bán ra thị trường. |
Đáng nói, lời khai của các bị can không ổn định, có sự thay đổi, thậm chí luôn tìm cách chối tội hoặc khai báo không chính xác. Cụ thể, bị can Bảo từng có tiền án, tiền sự nên có kinh nghiệm khai báo. Ngay từ khi khởi tố, Bảo đã khai báo không trung thực, sau đó, khai nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, tại phiên tòa, Bảo lại phản cung cho rằng, mình làm tạp chất này để bán cho người khác làm phân bón. Các bị can Thơ và Loan tại phiên tòa cũng phản cung một phần. Loan cho rằng, mình không biết bà Dung dùng tạp chất nhuộm đen bằng nước bột pin để trộn vào hạt tiêu xô. Giữ vai trò là cầu nối giữa người làm ra tạp chất và người sử dụng tạp chất nhưng bị cáo Thơ cho rằng, không biết Loan làm đen tạp chất bằng nước bột pin với lý do Thơ đặt hàng Loan thông qua điện thoại và việc chuyên chở là Ngưỡng thực hiện, Thơ không trực tiếp kiểm tra hàng tạp chất mua của Loan. Bị can Ngưỡng cũng phản cung cho rằng, mình vận chuyển tạp chất Thơ mua của Loan về kho bà Dung nhưng không biết bà Dung trộn vào hạt tiêu xô để bán…
Xác định kết quả xét xử là rất quan trọng, là bước đánh giá toàn bộ quá trình giải quyết và khẳng định nhiệm vụ của Bộ luật Hình sự trong đấu tranh, phòng chống tội phạm của mỗi vụ án hình sự nói chung và vụ án này nói riêng, Kiểm sát viên Hoàng Thị Hằng đã dự liệu trước những khó khăn ngay tại phiên tòa nên rất bản lĩnh và sẵn sàng đối diện. Để từng bước tháo gỡ, Kiểm sát viên đã chuẩn bị đầy đủ dự thảo đề cương xét hỏi, bản luận tội, nội dung tranh luận, đối đáp với luật sư và các bị cáo tại phiên tòa…Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các tình huống có thể xảy ra khi phát sinh tình tiết mới, chứng cứ mới tại phiên tòa.
Mặt khác, Kiểm sát viên Hoàng Thị Hằng đã đề xuất lãnh đạo Viện có văn bản yêu cầu Tòa án cách ly các bị cáo, để tránh thông cung, ngay sau đó, yêu cầu này được Toà chấp nhận. Chính vì vậy, khi các bị cáo phản cung cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến lời khai của bị cáo khác. Sau khi các bị cáo phản cung, Kiểm sát viên đã tiến hành xét hỏi, phản bác các lời khai không đúng bản chất của vụ án. Trước những bằng chứng không thể chối cãi và sự đấu trí bền bỉ đầy sắc bén của Kiểm sát viên, các bị cáo đã cúi đầu khai nhận hành vi phạm tội của mình và ăn năn hối cải.
Xét tính chất, mức độ vụ án do các bị cáo gây ra là rất nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến chế độ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và sức khoẻ của người tiêu dùng, do đó, tại Bản án số 46/2018/HS-ST ngày 28/12/2018, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên phạt: Bị cáo Phan Thị Dung 7 năm tù; bị cáo Nguyễn Thị Thanh Loan 7 năm 6 tháng tù; bị cáo Nguyễn Xuân Bảo 8 năm tù; bị cáo Lê Thị Hồng Thơ 7 năm tù; bị cáo Trần Ngưỡng 7 năm tù cùng về Tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”.
“Qua vụ án này, bản thân tôi trưởng thành hơn và luôn biết ơn sự tin tưởng, chỉ đạo, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Viện, lãnh đạo Phòng và những người tiến hành tố tụng vì nhiệm vụ chung đã phối hợp cùng nhau để hoàn thành nhiệm vụ được giao” – Kiểm sát viên Hoàng Thị Hằng chia sẻ.