Đúng 6 giờ ngày 10/9/2019, tôi theo Ban Chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo bền vững VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đoàn làm phim của Truyền hình kiểm sát thuộc Tạp chí Kiểm sát (VKSND tối cao) lên làm việc tại xã Hồng Trung, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế về công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững ở nơi đây.
|
|
Cán bộ VKSND hai cấp VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế thăm hỏi gia đình anh Hồ Văn Lô được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa. |
Xe chạy theo đường Quốc lộ 49 B, hướng Huế - A Lưới. Bác lái xe cho biết, xe chạy khoảng hơn 2 giờ mới đến nơi. Để tiện quan sát, tôi ngồi hàng ghế sáu cùng của xe và vô tư thả hồn ngắm cảnh rừng xanh hai bên đường rồi lẩm nhẩm hát: “Mùa xuân đến rồi bản làng ơi. Thơ Bác gọi dậy vang non sông… Người con gái Pa Cô, con cháu Bác Hồ. Dù gian khổ vượt núi băng rừng. Dù mưa bom em không nản chí. Đi đánh Mỹ giữ lấy núi rừng…”
Cứ thế, khi xe đến xã Hồng Tiến rồi xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, lái xe nhắc nhở chuẩn bị đến đoạn đường có nhiều dốc cao, vực sâu, ai say xe nhớ lưu ý chuẩn bị tinh thần.
Thỉnh thoảng xe lại chồm lên và kêu ầm. Mọi người bảo đó là xe bị ổ gà và vướng đá. Tôi chẳng cần biết đó là gì, chỉ thấy có lúc người mình nâng lên cao rồi rơi xuống ghế như đang tập làm xiếc vậy.
Khi xe đến đèo A Ngo, huyện A Lưới, trong lúc tôi đang cảm thấy khó chịu và buồn nôn thì ai đó lên tiếng: “Đèo này là dài và cao nhất. Qua đèo mấy cây số nữa là đường Hồ Chí Minh, rẽ phải khoảng 5 đến 6 cây số nữa là đến VKSND huyện A Lưới”. Tôi hít một hơi dài và chỉnh đốn lại tinh thần: Cố lên! Sắp đến nơi rồi.
Một lúc sau, xe chúng tôi đến đường Hồ Chí Minh, nhìn hai bên đường cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và nghĩ: Thị trấn A Lưới sạch và đẹp thật!
Khi xe cua lái rẽ vào cổng Viện Kiểm sát, đập vào mắt tôi là tấm biển lớn bên phải cổng, với dòng chữ “Viện Kiểm sát nhân dân huyện A Lưới”.
|
|
Ghi lại hình ảnh những cán bộ Kiểm sát VKSND huyện A Lưới đến với người dân nghèo. Ảnh: Trần Thảo |
Xe vừa dừng ở sân cơ quan, đồng chí Đinh Văn Bảo, Viện trưởng VKSND huyện A Lưới cùng với mọi người trong cơ quan ra tận xe vui vẻ đón và mời chúng tôi vào hội trường làm việc.
Hội trường VKSND huyện A Lưới khang trang, sạch, đẹp. Trước mắt chúng tôi là ảnh treo các bằng khen, giấy khen, cờ về thành tích của cơ quan đạt được trong công tác chuyên môn, công tác đoàn thể; đặc biệt, là các giải cao trong phong trào thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ.
Phóng viên Thu Huyền trong đoàn làm phim nhìn Viện trưởng Đinh Văn Bảo đùa vui: “Cơ quan anh giỏi thế, các giải bóng bàn, cầu lông, kéo co đều giật giải cao”.
“Đó chỉ là giải của mấy năm gần đây thôi chị ạ!” - Viện trưởng Đinh Văn Bảo cười giải thích, rồi nói tiếp: “Chị biết đấy, cơ quan tuy có hơn 10 người, nhưng đa số là còn trẻ, có trình độ và chịu khó rèn luyện thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ nên những năm qua, đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, các loại án, khiếu tố, khiếu nại, thi hành án… đều đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, các phong trào thi đua yêu nước như: thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ do VKSND tỉnh và huyện nhà phát động, đơn vị đều tham gia và phần lớn là đạt kết quả cao.
|
|
VKSND huyện A Lưới và VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế trao nhà tình nghĩa cho hộ gia đình Hồ Thị Hất. |
Sau khi nghe Viện trưởng Đinh Văn Bảo báo cáo về công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững ở xã Hồng Trung, tôi lại càng khâm phục bởi các anh không chỉ làm tốt công tác kiểm sát, mà còn tích cực cùng với Ban Chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo bền vững của VKSND tỉnh tham gia xóa đói, giảm nghèo ở hai thôn Lê Triêng 2 và thôn Đụt bằng những hành động thiết thực, cụ thể như: Hỗ trợ và giúp đỡ bà con xóa nhà tạm, nuôi gà, nuôi cá, làm rừng…Kết quả là, xóa được nhiều nhà tạm như: gia đình anh Hồ Văn Đá, Hồ Văn Lũy, Hồ Văn Ngon, chị Hồ Thị Hất…với số tiền gần 200 triệu đồng và trên 500 con gà, hàng ngàn con cá cùng thức ăn cho hàng chục gia đình khác, giúp các gia đình có chỗ ở ổn định, đời sống được cải thiện đáng kể.
Sau đó, Viện trưởng Đinh Văn Bảo cùng với anh, chị em trong cơ quan dẫn chúng tôi và Đoàn làm phim đi tham quan và quay phim ở một số nơi. Tôi nói đùa với PV Trần Tùng và Thu Huyền trong đoàn làm phim: “Cô, chú đi quay phim phản ảnh thực tế xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, còn tôi lại viết về cô chú”. Mọi người nhìn nhau cùng cười vui.
Điểm chúng tôi đến đầu tiên là Ủy ban nhân dân xã Hồng Trung. Chủ tịch UBND xã Lê Văn Chanh cho biết, sáng nay có 4 cuộc họp ở các hội trường nên mời đoàn về trụ sở của Xã đội làm việc. Xong việc, đoàn lên hội trường quay cảnh cán bộ Viện Kiểm sát đang tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con và phỏng vấn Chủ tịch UBND xã. Mọi việc diễn ra suôn sẻ.
Mỗi lần chuẩn bị quay cảnh hay phỏng vấn, nhìn thấy PV vác máy quay chạy lui, chạy tới, cầm sổ và mi cờ rô đi đi, lại lại, tôi cảm nhận công việc làm phim cũng chẳng đơn giản chút nào.
|
|
Đoàn làm phim đang thực hiện cảnh quy về VKSND huyện A lưới trong công tác xóa đói, giảm nghèo.. |
Chia tay các anh ở UBND xã, chúng tôi được Trưởng thôn Lê Triêng 2 và thôn Đụt hướng dẫn tham quan và quay các cảnh nhiều nhà đã được xây dựng hoàn thành, đang xây dở, chuồng chăn nuôi gà, ao cá…Để có được những cảnh quay chân thực và đẹp, cuộc phỏng vấn đạt chất lượng cao, các Phóng viên và thành viên đoàn làm phim đã phải đi lại rất nhiều lần, mất nhiều thời gian, mồ hôi ướt đẫm áo. Nhìn cảnh đó, tôi đùa với PV Thu Huyền: “Làm phim vất vả thật em nhỉ?”. Huyền cười bảo: “Chưa bằng chúng em lên các tỉnh phía Bắc làm phim, nhiều nơi còn vất vả hơn anh ạ. Có nơi xe ô tô chỉ đến được trung tâm xã, còn lại chúng em phải đi xe máy và đi bộ hàng giờ mới đến được chỗ quay phim. Tuy vất vả nhưng vui vì đến đâu cũng được anh chị em trong Ngành và địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ chúng em hoàn thành tốt công việc”.
Biết nữ Phóng viên còn có con nhỏ lại hay phải đi công tác xa nhà dài ngày, tôi thấy áy náy: “Em đi công tác thế này, các cháu ở nhà thì sao?”. Cô vui vẻ đáp: “Tất cả nhờ ông xã anh ạ!”.
Cuộc sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, đa số là thuộc diện hộ nghèo, cái ăn chưa đủ no, cái mặc chưa đủ ấm…nhưng khi ngồi ăn khoai, ăn sắn với họ, tiếp xúc với họ, tôi nhận thấy, họ sống lạc quan, luôn tin tưởng vào Đảng, Bác Hồ, Nhà nước; biết ơn các cơ quan, ban ngành của huyện, tỉnh, Viện Kiểm sát, Tòa án, Bộ đội Biên phòng tỉnh…đã và đang xóa đói, giảm nghèo cho bà con, tôi cảm thấy thực sự ấm lòng.
Chiều đó, tôi theo đoàn của Ban Chỉ đạo VKSND tỉnh về lại thành phố Huế, còn Đoàn làm phim ở lại hôm sau quay phim tiếp. Xúc động trước cảnh người dân A Lưới yêu núi, yêu rừng, tôi làm mấy câu thơ vui:
Sáng lên A Lưới đóng phim
Chiều hẹn phố, hỏi em có về?
Em rằng, sao quá là quê
Yêu núi rừng vậy, phố về làm chi.
Trải qua một ngày theo Đoàn làm phim và Ban Chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế lên huyện vùng cao A Lưới, tôi càng thấu hiểu hơn tấm lòng cao đẹp của cán bộ, Kiểm sát viên đến với đồng bào nơi đây và cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao A Lưới vinh dự được mang họ Bác Hồ, một lòng thủy chung theo Đảng, theo Bác Hồ không ngại gian khổ, hy sinh tham gia kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn và hăng say lao động, sản xuất trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Đêm về ngồi viết những dòng này, tôi cứ nghĩ và hình dung đến hình ảnh cán bộ, Kiểm sát viên VKSND huyện A Lưới nói riêng và ngành Kiểm sát Thừa Thiên - Huế nói chung đoàn kết, phấn khởi, nhiệt tình tham gia xóa đói, giảm nghèo, Đoàn làm phim ôm vác máy, cầm sổ chạy hết chỗ này đến chỗ khác quay quay, chép chép…Tôi thầm nghĩ, họ thực sự là những người chiến sĩ trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, trên mặt trận văn hóa và xứng đáng là những cán bộ, Kiểm sát viên bản lĩnh, là niềm tin yêu của nhân dân.
(Bài tham dự Cuộc thi viết “Chân dung cán bộ kiểm sát và bản lĩnh Kiểm sát viên”)