Công văn nêu rõ: VKSND tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 655/BDN ngày 2/8/2024. Trong đó, kiến nghị số 2 liên quan đến sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) (BLTTHS).

Nội dung kiến nghị: Điều 8 BLTTHS quy định thời hạn phân loại, tiếp nhận tin báo là quá ngắn. Đối với những vụ việc phức tạp, cần thời gian giám định, định giá mới xác định được tin báo có dấu hiệu tội phạm hay không để làm căn cứ thụ lý. Sau khi thụ lý tin báo người bị hại, người bị tố cáo đi khỏi địa phương, từ chối giám định hoặc Hội đồng định giá chậm có kết quả... gây khó khăn cho việc giải quyết.

Nội dung này, VKSND tối cao trả lời như sau: Đây là kiến nghị liên quan đến thời hạn phân loại tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017 ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ Công an. Hiện, Bộ Công an đang tiến hành chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan sơ kết việc thực hiện Thông tư liên tịch nêu trên. Do vậy, VKSND tối cao sẽ lưu ý kiến nghị nêu trên của cử tri để phối hợp với Bộ Công an giải quyết trong quá trình sơ kết, sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch nếu có yêu cầu. Trường hợp cần thiết, cử tri có thể kiến nghị trực tiếp nội dung này đến Bộ Công an.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một Hội nghị chuyên đề do VKSND tối cao tổ chức. (Ảnh minh hoạ)

Một kiến nghị khác có nội dung: Điều 147 BLTTHS quy định thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tối đa là 4 tháng, tuy nhiên thực tiễn cho thấy quy định trên là chưa phù hợp, nhất là các tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ, môi trường thường có nhiều tình tiết phức tạp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm, đối tượng đang ở nước ngoài, vắng mặt tại nơi cư trú hoặc cần trưng cầu giám định... Do đó, để việc xử lý tố giác, tin báo về tội phạm nói chung và tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng nói riêng có hiệu quả, không gây áp lực cho các cơ quan tiến hành tố tụng thì cần tăng thời hạn này tối đa đến 6 tháng đối với tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp; có yếu tố nước ngoài liên quan đến nhiều quốc gia, nhiều lĩnh vực, phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm khác nhau.

Trả lời của VKSND tối cao: Quy định thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tối đa là 4 tháng như hiện hành là phù hợp ở thời điểm hiện tại, bởi: (1) Giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là giai đoạn xác định dấu hiệu tội phạm, không phải giai đoạn chứng minh tội phạm nên hoạt động này phải bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, khi xác định có dấu hiệu tội phạm dựa trên các căn cứ quy định tại Điều 143 BLTTHS thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khởi tố vụ án hình sự nhằm kịp thời bảo đảm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tội phạm xâm hại. (2) Khoản 2 Điều 147 BLTTHS đã quy định gia hạn thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định. (3) Hiện nay trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ngày càng đòi hỏi đề cao theo yêu cầu, chính sách của Đảng, Quốc hội đặt ra, tránh việc để kéo dài thời gian giải quyết vụ án, vụ việc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong tố tụng hình sự. Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì việc thu thập thông tin để giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cũng đã được bảo đảm nhanh chóng, kịp thời và chính xác hơn so với trước đây. 

Việc tăng thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố sẽ dẫn đến tăng thời hạn tố tụng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng; không đáp ứng được những chủ trương, chính sách mà Quốc hội đã và đang đặt ra. Do vậy, không đặt ra vấn đề tăng thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong giai đoạn này. 

Một kiến nghị khác đó là: Theo khoản 4 Điều 153 BLTTHS, Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm. Để thực hiện quyền này của Tòa án cấp sơ thẩm là rất khó vì để có căn cứ khởi tố thì cần phải thông qua rất nhiều thủ tục để xác định được căn cứ, dấu hiệu của tội phạm. Thực tế TAND hai cấp tỉnh Đồng Nai cũng chưa có trường hợp nào áp dụng quy định này. Hơn nữa, Tòa án là cơ quan xét xử, nếu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sau đó lại xét xử vụ án do chính mình khởi tố thì sẽ khó đảm bảo tính vô tư, khách quan và sẽ có sự không rành mạch về thẩm quyền của cơ quan làm nhiệm vụ xét xử với các cơ quan khác. Đề xuất bỏ thẩm quyền khởi tố của Hội đồng xét xử, nếu trong quá trình xét xử Tòa án phát hiện có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì sẽ kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát khởi tố theo quy định pháp luật.

Kiến nghị này theo VKSND tối cao trả lời: Hiện nay, điểm a khoản 1 Điều 150 Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã sửa đổi khoản 4 Điều 153 BLTTHS như sau: "4. Hội đồng xét xử yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm". Như vậy, đã không còn quy định Hội đồng xét xử có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

Ngoài ra, Công văn số 4028/VKSTC-V14 ngày 17/9/2024 của VKSND tối cao còn đề cập đến một số nội dung trả lời của VKSND tối cao liên quan đến kiến nghị của cử tri về sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức VKSND năm 2014.

P.V