Ngày 1/8/2024, VKSND tối cao ban hành Công văn số 3285/VKSTC-V14 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh này gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về một số nội dung được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự liên quan đến công tác giám định, giám định lại, việc xem xét dấu vết đối với người bị tố giác.

Công văn nêu rõ: VKSND tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024.

Cụ thể, kiến nghị số 3: Tại điểm b khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) (BLTTHS) có quy định về việc dẫn giải người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan. Tuy nhiên, thực tiễn công tác điều tra cho thấy, khi Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp dẫn giải đối với bị hại thì bị hại từ chối việc đưa đi giám định hoặc không chấp hành, cố ý bỏ đi khỏi địa phương, khi đến nơi giám định, bị hại không hợp tác dẫn đến không giám định được tỉ lệ tổn thương cơ thể, do đó không có căn cứ để giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định. Kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét bổ sung vào BLTTHS quy định chế tài cụ thể đối với trường hợp bị hại từ chối việc đưa đi giám định hoặc không chấp hành, cố ý bỏ đi khỏi địa phương, khi đến nơi giám định bị hại không hợp tác dẫn đến không tiến hành giám định được.

Kiến nghị này, VKSND tối cao trả lời như sau: Liên quan đến chế tài xử lý đối với hành vi nêu trên, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng năm 2022 đã quy định xử lý một số hành vi của bị hại, trong đó có xử lý vi phạm quy định về sự có mặt theo giấy triệu tập (Điều 11). Tuy nhiên, việc áp dụng chế tài đối với bị hại cần phải đánh giá, xem xét kỹ lưỡng trước khi áp dụng, tránh gây ảnh hưởng tiếp tục thêm đến tâm lý của bị hại - người đang cần sự giúp đỡ, bảo vệ trong tố tụng hình sự. Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền đang nghiên cứu, dự thảo, ban hành Thông tư liên tịch quy định quan hệ phối hợp và trách nhiệm trong hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự và dự kiến hướng dẫn theo hướng: “Trường hợp người bị hại từ chối giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì thực hiện việc dẫn giải theo quy định tại Điều 127 BLTTHS. Trường hợp không thực hiện được việc dẫn giải thì trao đổi, thống nhất với cá nhân, tổ chức giám định để thực hiện giám định tại nơi bị hại đang cư trú hoặc điều trị”.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, chức vụ do VKSND tối cao tổ chức. (Ảnh minh hoạ)

Về kiến nghị số 4: Khoản 1 Điều 203 BLTTHS quy định: “Khi cần thiết, Điều tra viên tiến hành xem xét dấu vết của tội phạm hoặc các dấu vết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án trên thân thể người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, người làm chứng. Trong trường hợp cần thiết thì Cơ quan điều tra trưng cầu giám định”. Tuy nhiên, không quy định Điều tra viên được quyền xem xét dấu vết đối với người bị tố giác, do đó, gây khó khăn trong công tác điều tra, nhất là đối với các vụ xâm hại tình dục. Kiến nghị trình Quốc hội xem xét bổ sung vào BLTTHS quy định Điều tra viên được quyền xem xét dấu vết đối với người bị tố giác.

Kiến nghị này, theo trả lời của VKSND tối cao: Người bị tố giác không bị coi là người bị buộc tội (điểm đ khoản 1 Điều 4 BLTTHS) nên việc áp dụng các biện pháp điều tra như xem xét dấu vết trên thân thể đối với người bị tố giác cần phải hạn chế vì không phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm (khoản 1 Điều 20). Trường hợp người bị tố giác bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ có thể áp dụng biện pháp xem xét dấu vết trên thân thể đối với người bị tố giác (khoản 1 Điều 203 BLTTHS). Do vậy, bổ sung quy định Điều tra viên được quyền xem xét dấu vết đối với người bị tố giác vào BLTTHS là không phù hợp và chưa cần thiết.

Về kiến nghị số 5: Điều 211 BLTTHS quy định “Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác...”, tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể trường hợp được giám định lại, dẫn đến nhiều trường hợp không đồng ý với nội dung kết luận giám định lần đầu và yêu cầu giám định lại, công tác điều tra phải kéo dài, nhiều trường hợp phải tạm đình chỉ theo luật định. Kiến nghị trình Quốc hội bổ sung BLTTHS quy định cụ thể các trường hợp như thế nào là nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác.

Kiến nghị trên, theo trả lời của VKSND tối cao: Ngoài quy định tại Điều 211 BLTTHS thì khoản 2 Điều 29 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã quy định: “Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác hoặc trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Luật này”. Quy định như vậy bảo đảm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng được chủ động để xem xét, xử lý tùy theo các trường hợp, tình huống cụ thể trong quá trình giải quyết từng vụ án, vụ việc; do vậy, việc bổ sung quy định cụ thể các trường hợp như thế nào là “nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác” vào BLTTHS là không cần thiết.

P.V