Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo cơ quan chủ trì xây dựng, thực tiễn trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình vừa qua cho thấy, cơ sở dữ liệu là thông tin cung cấp bằng chứng thực tiễn phục vụ công tác quản lý nhà nước. Xác định việc tổ chức thu thập, thống kê chính xác các số liệu về phòng, chống bạo lực gia đình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác tham mưu, hoạch định các chính sách, giải pháp đối với lĩnh vực gia đình. Thu thập thông tin chính xác sẽ giúp cho việc xử lý thông tin hiệu quả vừa bao quát, vừa có trọng tâm, trọng điểm, đúng, trúng, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của công việc.
Ngược lại nếu không có thông tin hoặc thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác sẽ có những tác động, ảnh hưởng đến việc đánh giá kết quả, dẫn đến việc xử lý công việc thiếu tính thuyết phục và không đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên hiện nay việc thu thập thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình chưa được khách quan, chính xác, kịp thời và còn thiếu nguồn lực để thực hiện. Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình còn chưa được xây dựng đồng bộ, đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa có sự kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác có liên quan.
Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ là xuất phát từ nhiệm vụ được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình giao Chính phủ mà còn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn quản lý nhà nước về công tác này.
|
|
Quang cảnh phiên tòa giả định về phòng chống bạo lực gia đình. (Ảnh minh hoạ) |
Cũng theo cơ quan chủ trì xây dựng, mục đích xây dựng dự thảo Nghị định nhằm bám sát và quy định chi tiết khoản 3 Điều 43 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình giao Chính phủ quy định và chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về phòng, chống bạo lực gia đình.
Đồng thời, việc ban hành Nghị định này để quy định việc xây dựng, thu thập, cập nhật, duy trì, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân; đáp ứng được các yêu cầu về chuyển đổi số và cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Về bố cục, dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 22 điều. Trong đó, dự thảo Nghị định đã quy định về tạo lập, cập nhật dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các cơ quan có liên quan thực hiện việc tạo lập, cập nhật thông tin theo ngành, lĩnh vực thông qua phần mềm về phòng, chống bạo lực gia đình. Trường hợn tạo lập, cập nhật theo cơ sở dữ liệu chuyên ngành thì thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.
Về khai thác, sử dụng dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình, theo dự thảo Nghị định, cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao trách nhiệm quản lý cơ sở dữ liệu theo quy định tại Điều 7 Nghị định này được khai thác, sử dụng dữ liệu theo phạm vi quản lý phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và cung cấp thông tin về bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật. Mọi hành vi khai thác, sử dụng thông tin không đúng thẩm quyền là vi phạm quy định về bảo mật thông tin và phải được xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông tin về bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình chỉ được sử dụng nội bộ để bảo vệ người bị bạo lực gia đình và thành viên gia đình, xử lý người có hành vi bạo lực gia đình; không được công bố dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình đồng ý bằng văn bản theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cổng thông tin của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là thông tin có giá trị pháp lý, có chữ ký số của cơ quan quy định tại Điều 7 Nghị định này khi trích xuất và có giá trị như văn bản giấy có xác nhận của cơ quan đó.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu về bảo hiểm và cơ quan quản lý dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình chuẩn hóa, số hóa dữ liệu bảo đảm việc kết nối được thông suốt.