Theo Hướng dẫn số 29/HD-VKSTC, nội dung sáng kiến phải liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân, bao gồm giải pháp, đề án, đề tài, chuyên đề về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Ngành.
 
Công tác phối hợp nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị trên cơ sở các quy định của pháp luật; các hoạt động khác của ngành Kiểm sát nhân dân.
leftcenterrightdel
 VKSND tỉnh Quảng Ninh họp triển khai công tác. Ảnh minh hoạ chụp tháng 4/2021.
 
Đối với tác giả của sáng kiến (giải pháp, đề án, đề tài, chuyên đề) được cơ quan có thẩm quyền (Sở Khoa học và công nghệ, UBND cấp tỉnh,...) giao, nghiệm thu, công nhận thì có thể đề nghị công nhận sáng kiến trong ngành Kiểm sát nhân dân nếu nội dung sáng kiến có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân nêu trên, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật và Hướng dẫn này.

Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến: Đối với giải pháp đã được áp dụng, thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến là 1 năm, kể từ ngày sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu.

Về tiêu chí xét, đề nghị công nhận sáng kiến, Hướng dẫn nêu rõ, trước hết sáng kiến đó phải có tính mới. Cụ thể, sáng kiến không trùng tên, nội dung với sáng kiến, giải pháp của tác giả khác đã được công bố, áp dụng, công nhận hoặc chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện.

Hội đồng xét, đề nghị công nhận sáng kiến (Hội đồng sáng kiến) phải căn cứ vào công tác quản lý sáng kiến tại cấp mình, kết quả công nhận sáng kiến ngành Kiểm sát nhân dân để xác định tính mới của sáng kiến.

Hội đồng sáng kiến chấm điểm tính mới của sáng kiến như sau: Sáng kiến có tính mới, giải quyết được khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực công tác cụ thể, áp dụng lần đầu tại đơn vị. Nếu đạt, chấm tối đa 20 điểm.

leftcenterrightdel
 Hội đồng sáng kiến và cải tiến phương pháp làm việc VKSND tỉnh Bình Định họp thảo luận và chấm điểm sáng kiến, giải pháp công tác. (Ảnh minh hoạ - VKS Bình Định)
Sáng kiến có tính mới, giải quyết được khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực công tác cụ thể, áp dụng lần đầu tại đơn vị, đã áp dụng hoặc có thể áp dụng tại một số đơn vị. Nếu đạt, chấm tối đa 30 điểm.

Sáng kiến có tính mới, giải quyết được khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực công tác cụ thể, áp dụng lần đầu tại đơn vị, đã áp dụng hoặc có thể áp dụng tại tất cả các đơn vị. Nếu đạt, chấm tối đa 40 điểm.

Thứ hai, sáng kiến phải có tính hiệu quả. Hội đồng sáng kiến phải đánh giá tính hiệu quả của sáng kiến, trong đó nêu rõ các tiêu chí sau đây: Cách thức triển khai áp dụng sáng kiến trên thực tế; phạm vi triển khai áp dụng sáng kiến; thời gian áp dụng.

Kết quả sau khi triển khai áp dụng, có số liệu cụ thể so sánh kết quả trước và sau khi áp dụng giải pháp; đánh giá khả năng áp dụng của sáng kiến trong phạm vi nội bộ đơn vị, một số đơn vị, tất cả các đơn vị trong, ngoài tỉnh hoặc toàn Ngành.

Hội đồng sáng kiến chấm điểm tính hiệu quả như sau: Sáng kiến phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và điều kiện thực tế của đơn vị, mang lại hiệu quả trong công tác của đơn vị. Nếu đạt, chấm tối đa 40 điểm.

Sáng kiến phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và điều kiện thực tế của đơn vị; mang lại hiệu quả cao trong công tác và đã áp dụng hoặc có thể áp dụng tại một số đơn vị. Nếu đạt, chấm tối đa 50 điểm.

Sáng kiến phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao và điều kiện thực tế của đơn vị; mang lại hiệu quả cao trong công tác và đã áp dụng hoặc có thể áp dụng tại tất cả các đơn vị. Nếu đạt, chấm tối đa 60 điểm.

Ngoài các quy định trên, Hướng dẫn còn nêu rõ, sáng kiến được công nhận cấp cơ sở phải đạt ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở chấm đạt từ 60 điểm trở lên, trong đó tính mới đạt từ 20 điểm trở lên, tính hiệu quả đạt từ 40 điểm trở lên và đề nghị công nhận.

Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở trình Hội đồng sáng kiến ngành Kiểm sát nhân dân nếu tác giả có đơn đề nghị, sáng kiến được công nhận cấp cơ sở và đạt tiêu chí theo tiểu mục 5.2 Hướng dẫn này.

Sáng kiến được công nhận ngành Kiểm sát nhân dân phải đạt ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng sáng kiến chấm đạt từ 80 điểm trở lên, trong đó tính mới đạt từ 30 điểm trở lên, tính hiệu quả đạt từ 50 điểm trở lên và đồng ý đề nghị công nhận sáng kiến cấp Ngành.

Hồ sơ đề nghị xét, công nhận sáng kiến cấp cơ sở áp dụng theo khoản 1 Điều 14 của Quy chế số 619. Hồ sơ đề nghị xét, công nhận sáng kiến ngành Kiểm sát nhân dân được đóng thành 1 tập, gồm 2 phần. Phần 1, các thủ tục đề nghị xét, công nhận sáng kiến gồm: Đơn đề nghị công nhận sáng kiến; tờ trình của Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở về việc đề nghị công nhận sáng kiến ngành Kiểm sát nhân dân, kèm theo Biên bản họp hội đồng; tổng hợp phiếu chấm điểm sáng kiến; quyết định công nhận sáng kiến cấp cơ sở; hồ sơ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về sáng kiến (nếu có). Phần 2, báo cáo sáng kiến: Trang bìa ghi tên đơn vị, hình thức sáng kiến, tên sáng kiến, tên tác giả, đồng tác giả, năm sáng kiến được nghiệm thu; trang tiếp theo ghi văn bản liên quan đến việc giao nghiên cứu sáng kiến, người chủ trì, người tham gia nghiên cứu, quyết định nghiệm thu (nếu có) và nội dung của sáng kiến.
P.V