Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc Hội “Về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”.

Trong đó, giao cho Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin, VKSND tối cao (Cục 2) chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và Vụ 14, VKSND tối cao “Xây dựng và hoàn thiện chỉ tiêu thống kê về các tội phạm mà trẻ em là đối tượng bị xâm hại”.

Thực hiện chỉ đạo trên, Cục 2 đã xây dựng dự thảo biểu mẫu và hướng dẫn biểu mẫu thống kê người chưa thành niên là bị hại trong các vụ án hình sự.

Dự thảo biểu mẫu này đã được hoàn thiện trên cơ sở thu thập thí điểm tại Viện kiểm sát hai cấp của TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp.

leftcenterrightdel
 Một phiên xét xử của Tòa Gia đình và người chưa thành niên. (Ảnh minh hoạ)

Về nội dung, dự thảo biểu mẫu thống kê người chưa thành niên là bị hại trong các vụ án hình sự đề cập đến các nội dung thống kê như: Tội danh; điều luật; giới tính; dân tộc.

Về độ tuổi, gồm: Dưới 6 tuổi; từ 6 tuổi đến dưới 10 tuổi; từ 10 tuổi đến dưới 13 tuổi; từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Về tình trạng, gồm các thông tin: Nạn nhân là người khuyết tật; nạn nhân là người sống lang thang. 

Về quan hệ giữa người chưa thành niên với bị can, gồm: Người thân thích (Người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi 3 đời); Người lệ thuộc (thầy giáo, cô giáo, người chăm sóc, khám chữa bệnh...); Người quen biết (hàng xóm, đồng nghiệp với bố, mẹ, anh chị em ruột hoặc họ hàng...); Người quen biết qua mạng; Người không quen biết. Về hậu quả, gồm: Làm nạn nhân có thai; làm nạn nhân tự sát.

VKSND tối cao đề nghị các đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện kiểm sát quân sự Trung ương; VKSND cấp cao; VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, góp ý dự thảo nêu trên và gửi về VKSND tối cao (Cục 2) chậm nhất vào ngày 21/9/2020.

P.V