Theo đó, thực hiện nhiệm vụ xây dựng “Sổ tay Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự”, Vụ 14 - VKSND tối cao đã dự thảo cuốn Sổ tay và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức nhiều cuộc hội thảo góp ý và đã xin ý kiến lần 1 các đơn vị có liên quan. Trên cơ sở đó, VKSND tối cao (Vụ 14) đã tổng hợp, hoàn thiện dự thảo cuốn Sổ tay. 

Để tiếp tục hoàn thiện cuốn Sổ tay trước khi báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao, Vụ 14 đề nghị các đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia ý kiến lần 2 đối với dự thảo cuốn Sổ tay; đồng thời bổ sung các ví dụ, tình huống (kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết tình huống của Kiểm sát viên) cũng như các lưu ý, những điểm cần chú trọng cho các Kiểm sát viên khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự. Ý kiến đóng góp của các đơn vị đề nghị gửi về vụ VKSND tối cao trước ngày 30/9/2020 để tiếp thu, hoàn thiện.

Về nội dung, dự thảo Sổ tay Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự đề cập đến các nội dung liên quan đến thẩm quyền ký văn bản trong giai đoạn xét xử; việc phân công, thay đổi Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự; Kiểm sát viên tham gia phiên toà; thụ lý, quản lý án hình sự và lập hồ sơ kiểm sát; báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án; kiểm sát việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ; kiểm sát việc Tòa án giải quyết trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu khởi tố; báo cáo, thông báo kết quả phiên tòa, rút kinh nghiệm và tuyên truyền kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên tại phiên toà hình sự. (Ảnh minh hoạ)

Liên quan đến nội dung kiến nghị khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm, dự thảo Sổ tay nêu rõ các nội dung công việc, gồm: Kiểm sát viên tổng hợp những nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để kiến nghị cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa.

Khi phát hiện vi phạm pháp luật, thiếu sót của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện kiến nghị để khắc phục vi phạm pháp luật và phòng ngừa vi phạm, tội phạm theo Điều 5 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 và quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Việc kiến nghị khắc phục vi phạm, phòng ngừa vi phạm, tội phạm có thể theo từng vụ việc cụ thể hoặc tổng hợp nhiều vi phạm để kiến nghị nhưng phải đảm bảo tính kịp thời. Tùy tính chất, mức độ của từng trường hợp vi phạm, Kiểm sát viên có thể tham mưu kiến nghị bằng văn bản hoặc trao đổi trực tiếp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm, thiếu sót. Trường hợp kiến nghị tổng hợp nhiều vi phạm thì Kiểm sát viên phải xây dựng văn bản kiến nghị, báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện xem xét, quyết định.

Kiểm sát viên gửi kiến nghị theo khoản 2 Điều 13 Quy chế số 505 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Liên quan đến nội dung kiểm sát việc đình chỉ vụ án, dự thảo Sổ tay nêu rõ: Thời điểm kiểm sát: ngay sau khi nhận được quyết định đình chỉ vụ án của Tòa án.

Nội dung kiểm sát, gồm: Việc giao, gửi quyết định theo Điều 286 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS); thẩm quyền ra quyết định đình chỉ theo Điều 282 BLTTHS; nội dung quyết định theo khoản 2 Điều 132 BLTTHS; phạm vi đình chỉ: đình chỉ toàn bộ vụ án hay chỉ đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo.

Căn cứ ra quyết định theo Điều 282 BLTTHS cần lưu ý: Trường hợp đình chỉ do người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu: Kiểm sát viên phải kiểm sát việc rút yêu cầu khởi tố của bị hại là tự nguyện hay do bị ép buộc, cưỡng bức. Trường hợp có nghi ngờ người bị hại rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức thì phải tiến hành kiểm tra, xác minh ngay.

Trường hợp đình chỉ khi có một trong các căn cứ tại các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 BLTTHS: Kiểm sát viên nghiên cứu, đối chiếu với các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, kiểm tra căn cứ có chính xác hay không.

Trường hợp việc đình chỉ là có căn cứ, Kiểm sát viên kiểm sát việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế áp dụng đối với bị can; việc trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan.

Trường hợp việc đình chỉ không có căn cứ và không đúng thẩm quyền thì Kiểm sát viên trao đổi với Thẩm phán chủ tọa phiên tòa khắc phục. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không khắc phục thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện để xem xét, quyết định việc kháng nghị.

Ngoài các quy định trên, dự thảo Sổ tay còn đề cập đến các nội dung về thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm hình sự; kiểm sát việc hoãn, tạm ngừng phiên toà; thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp sau khi kết thúc phiên toà; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn; thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật...

 

P.V