Theo đó, dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật TTTPHS xin ý kiến, gồm: Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị xây dựng dự án Luật; báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật; báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật TTTP năm 2007 trong lĩnh vực TTTPHS; đề cương Luật.

Về sự cần thiết ban hành Luật, dự thảo Tờ trình nêu rõ, Luật TTTP năm 2007 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008.

Luật gồm 7 Chương với 72 Điều quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện TTTP về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong TTTP. Trong đó, các điều khoản áp dụng đối với hoạt động TTTPHS được quy định tại Chương 3 (Điều 17-31) và một số điều của Chương 1, Chương 6.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật TTTP năm 2007, công tác TTTPHS đã đạt được nhiều kết quả tích cực. VKSND tối cao đã tiếp nhận, giải quyết 827 yêu cầu TTTPHS của các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước gửi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị thực hiện (yêu cầu TTTP đi) và 723 yêu cầu TTTPHS của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị Việt Nam thực hiện (yêu cầu TTTP đến).

Kết quả công tác TTTPHS đã góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài; nâng cao hiệu quả hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam bị bắt, điều tra, truy tố, xét xử ở nước ngoài.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội nghị về thực tiễn thi hành Luật TTTP năm 2007 và tập huấn công tác TTTPHS trong ngành KSND năm 2019 khu vực miền Bắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác TTTPHS cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự trong nước phát sinh ngày càng nhiều yêu cầu hợp tác với nước ngoài trong việc thực hiện TTTPHS. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động TTTPHS thường mất nhiều thời gian trong khi việc giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự phải tuân thủ thời hạn luật định. Việc chậm có kết quả tương trợ, kết quả tương trợ chưa đáp ứng yêu cầu hoặc thậm chí không có kết quả tương trợ làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự. Bên cạnh đó, việc thực hiện các yêu TTTPHS của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài kéo dài thời gian hoặc kết quả không đáp ứng được yêu cầu có thể gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án hình sự có liên quan, làm giảm hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Nhà nước và uy tín của các cơ quan tư pháp trong nước.

Cùng với đó, việc thực hiện một số yêu cầu TTTPHS còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, như: Triệu tập người làm chứng, người giám định; cho phép người tiến hành tố tụng sang nước được yêu cầu để tham gia vào quá trình thực hiện TTTP; dẫn giải người chấp hành hình phạt tù ra nước ngoài để hỗ trợ điều tra hoặc cung cấp chứng cứ; thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử; lấy lời khai nhân chứng qua cầu truyền hình; chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự; kê biên, phong tỏa, tịch thu, xử lý tài sản do phạm tội mà có…

Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền cũng như cơ chế phối hợp của những cơ quan này trong hoạt động TTTPHS trong một số trường hợp chưa được xác định rõ.

Bên cạnh đó, có những vướng mắc, hạn chế xuất phát từ Luật TTTP năm 2007. Luật điều chỉnh cả 4 lĩnh vực là TTTP về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, các quy định TTTPHS trong Luật TTTP năm 2007 chưa có tính hệ thống, chưa đầy đủ. Một số quy định còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Trước tình hình nêu trên, nhất là trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, ngày càng có nhiều vụ án hình sự phát sinh hoạt động TTTP; nhu cầu hợp tác trong TTTPHS sẽ tiếp tục được mở rộng, ngày càng gia tăng về số lượng, phức tạp hơn về hình thức thực hiện, liên quan đến nhiều loại hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm phi truyền thống.

Vì vậy, việc xây dựng Luật TTTPHS cần thiết nhằm hoàn thiện pháp luật về TTTPHS, khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả của hoạt động này, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong thời gian tới. Đồng thời, việc xây dựng Luật sẽ góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động TTTPHS trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc ký kết các Hiệp định TTTPHS giữa Việt Nam với nước ngoài; tăng cường hài hòa hóa và giảm bớt xung đột pháp luật Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực này.

Công văn của VKSND tối cao nêu rõ, căn cứ điểm b, khoản 1, điều 36 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, VKSND tối cao đề nghị các cơ quan tham gia ý kiến vào dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật TTTPHS. Công văn tham gia ý kiến gửi về VKSND tối cao trước ngày 30/9/2019 để tổng hợp.

 

P.V