leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2025).

Tham dự Lễ kỷ niệm có đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nguyên Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao, nguyên Viện trưởng VKSND tối cao.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố…

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy các cơ quan Đảng Trung ương, Bí thư Đảng uỷ, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chủ trì buổi Lễ.

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình, Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí chụp ảnh cùng tập thể lãnh đạo VKSND tối cao.

Tham dự buổi Lễ, về phía ngành KSND có đồng chí Hồ Đức Anh, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Duy Giảng; đồng chí Nguyễn Quang Dũng; đồng chí Tạ Quang Khải, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương; đồng chí Trần Hải Quân; đồng chí Nguyễn Đức Thái; các đồng chí nguyên lãnh đạo VKSND tối cao qua các thời kỳ; các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; lãnh đạo cấp Vụ và tương đương các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKS quân sự các cấp, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh cùng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu ngành Kiểm sát nhân dân…

Lễ kỷ niệm được tổ chức trực tiếp tại Hội trường tầng 3, Trụ sở VKSND tối cao, kết nối đến các điểm cầu trực tuyến trong hệ thống của ngành Kiểm sát nhân dân.

Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến: Các thế hệ cán bộ Kiểm sát luôn gìn giữ và phát huy những phẩm chất cao quý Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn

Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2025) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành KSND, lần thứ VII, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ: Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, ngày 15/7/1960, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua Luật Tổ chức VKSND.

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo.

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức VKSND. Luật Tổ chức VKSND năm 1960 đã quy định VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố nhà nước, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Luật Tổ chức VKSND năm 1960 là cơ sở pháp lý quan trọng đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan VKSND trong bộ máy Nhà nước Việt Nam và kể từ đó, ngày 26/7 hằng năm trở thành ngày truyền thống của ngành KSND.

Cũng tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được bầu làm Viện trưởng VKSND tối cao.

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ Kiểm sát luôn gìn giữ và phát huy những phẩm chất cao quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Những phẩm chất này là kim chỉ nam, là động lực để ngành KSND không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần giữ vững kỷ cương, pháp chế, bảo vệ công lý và xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Ghi nhận những đóng góp to lớn trong suốt 65 năm xây dựng và phát triển, ngành KSND đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 3 Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1985, 1990, 2020); Huân chương Sao vàng (năm 2010); Huân chương Độc lập Hạng Nhất (năm 2015); nhiều Danh hiệu Anh hùng Lao động; nhiều huân chương, cờ và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Tô Lâm trao danh hiệu Anh hùng Lao động tặng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Một trong những trụ cột bảo vệ công lý trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, dù với tổ chức, bộ máy và nhiệm vụ nào, VKSND cũng có vị trí, vai trò quan trọng trong bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; ngành Kiểm sát nhân dân cũng luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đảng và Nhà nước ta luôn ghi nhận, đánh giá cao công lao, đóng góp của ngành Kiểm sát nhân dân, từ việc bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững an ninh chính trị, củng cố chính quyền nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đến bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành quả to lớn mà ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được trong suốt 65 năm qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới là rất quan trọng - là một trong những trụ cột bảo vệ công lý trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; là một thành tố quan trọng trong xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; góp phần kiến tạo một xã hội kỷ cương, công bằng, dân chủ, văn minh - nơi công lý được thực thi, pháp luật được thượng tôn và lòng dân được củng cố.

Để thực hiện tốt sứ mệnh quan trọng của mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị công tác của ngành kiểm sát phải luôn bám sát và phục vụ thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đất nước trong kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc. Phải đặt hoạt động của Ngành trong tổng thể yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh Đảng ta đang chỉ đạo đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chiến lược, các chủ trương đột phá để phát triển nhanh và bền vững đất nước, chăm lo đời sống nhân dân, giữ vững độc lập, chủ quyền, ổn định chính trị - xã hội và hội nhập sâu rộng với thế giới.

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu tham quan Phòng truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân.

Từ việc nhận thức đầy đủ, sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay, Tổng Bí thư chỉ rõ, cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh, hiện đại, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả mô hình Viện kiểm sát nhân dân 3 cấp sau sắp xếp, tinh gọn; phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, liêm chính trong nội bộ Ngành; xây dựng VKSND luôn là một trong những thiết chế quan trọng để bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ gìn sự liêm chính của hệ thống tư pháp, góp phần trực tiếp bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân - những giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn sâu, đạo đức trong sáng, kỷ luật nghiêm minh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai. Mỗi cán bộ kiểm sát phải nhận thức rõ rằng mình đang tham gia trực tiếp vào sứ mệnh bảo vệ nền tảng pháp lý cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, phải không ngừng rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ theo lời Bác Hồ đã dạy, người cán bộ Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; đồng thời phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ công tác, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công việc trong giai đoạn mới.

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu tại Trung tâm điều hành thông minh của ngành Kiểm sát nhân dân.

Tổng Bí thư yêu cầu không ngừng đổi mới tư duy, biện pháp công tác để thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong hoạt động công tố phải bảo đảm đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, chú trọng chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm minh, đồng thời cũng bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo, đây là trách nhiệm chính của mỗi cán bộ, công chức, Kiểm sát viên VKSND. Hoạt động kiểm sát không chỉ là thực thi pháp luật, mà còn là thực thi công lý với tinh thần nhân văn; pháp luật không chỉ để trừng trị, mà còn để giáo dục, cảm hóa, bảo vệ và khai mở lối đi cho sự hướng thiện. Mỗi quyết định truy tố, không truy tố, kháng nghị hay kiến nghị... đều liên quan đến số phận của một con người, vì vậy phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng cả lý và tình, bảo đảm công lý được thực thi, người bị xử lý “tâm phục, khẩu phục”, qua đó củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với nền tư pháp đất nước.

Trong kiểm sát hoạt động tư pháp, phải bảo đảm mọi hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng pháp luật; bảo đảm quyền lực tư pháp được kiểm soát chặt chẽ; bảo đảm phòng chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực ngay chính từ các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tăng cường bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhóm dễ bị tổn thương; kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại. Tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công; đây là nhiệm vụ mới mà Đảng, Nhà nước giao cho Viện kiểm sát, đề nghị Ngành cần đầu tư con người, cơ sở, vật chất để làm tốt công tác này.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần tăng cường áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng các biện pháp phi tố tụng (hoà giải, đối thoại, thương lượng, thỏa thuận nhận tội...) nhằm chống lãng phí, giảm thiểu xung đột xã hội, tiết kiệm nguồn lực con người và vật chất, giảm chi phí tố tụng, chi phí xã hội; tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tham mưu, đề xuất hoàn thiện thể chế về tổ chức, hoạt động tư pháp nói chung, kiểm sát nói riêng. Viện Kiểm sát phải rà soát, hoàn thiện các cơ chế kiểm soát trong nội bộ của Ngành; tham gia xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế phân công, phối hợp với các cơ quan trong khối nội chính. Việc phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ giữa Viện Kiểm sát, Tòa án, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án phải gắn liền với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, trên cơ sở thượng tôn pháp luật và tôn trọng quyền hạn độc lập của từng cơ quan; phối hợp là để bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

leftcenterrightdel
 Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát” tặng đồng chí Nguyễn Hoà Bình và đồng chí Lê Minh Trí.

Tổng Bí thư lưu ý, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, hiện đại hóa ngành kiểm sát, hướng tới mô hình Viện kiểm sát điện tử, cắt bỏ thủ tục trung gian, nâng cao hiệu quả xử lý công việc, thời gian xử lý hồ sơ thủ công, tăng tính minh bạch trong quá trình thực thi nhiệm vụ.... mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong công tác kiểm sát; tiếp tục tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước ngành Kiểm sát.

Tổng Bí thư tin tưởng ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống 65 năm vẻ vang, nêu cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn đặt niềm tin vững chắc vào ngành Kiểm sát nhân dân.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ: Trong không khí trang trọng 65 năm Ngày truyền thống ngành KSND và Đại hội Thi đua yêu nước ngành KSND lần thứ VII, toàn ngành Kiểm sát vô cùng xúc động và tự hào vinh dự được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo. Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư không chỉ khẳng định vị trí, vai trò, đóng góp ngành KSND cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn định hướng chiến lược, tạo động lực mạnh mẽ để toàn Ngành tiếp tục phấn đấu xây dựng ngành KSND vững mạnh, chính quy, hiện đại, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. 

Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh, ngành KSND nhận thức sâu sắc những chỉ đạo và khích lệ của đồng chí Tổng Bí thư đối với Ngành và luôn ý thức về trách nhiệm và vinh dự của Ngành trước Đảng, trước nhân dân. Những chỉ đạo, định hướng của đồng chí Tổng Bí thư, ngành KSND sẽ lĩnh hội và cụ thể hóa vào chiến lược và các chương trình hành động. 

Ngành KSND xin hứa với đồng chí Tổng Bí thư sẽ tăng cường sức mạnh đoàn kết, phát huy truyền thống vẻ vang 65 năm qua, giữ vững bản chính trị, đạo đức liêm chính của người cán bộ kiểm sát, siết chặt kỷ luật kỷ cương, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao xứng đáng niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân và ngành KSND.

Đồng thời mong rằng, thời gian tới, toàn Ngành tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của BCH Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư; sự ủng hộ, phối hợp giúp đỡ của Quốc hội, Chính phủ các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương và nhân dân để Ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho VKSND tối cao nhằm ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. 

leftcenterrightdel
 Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến tuyên dương 9 tập thể điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong công tác.

Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm sát” cho các cá nhân có công lao đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành KSND, tuyên dương 9 tập thể điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong công tác.

Trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu đã tham quan Phòng truyền thống và Trung tâm điều hành thông minh của ngành Kiểm sát nhân dân.

        Danh sách 9 tập thể điển hình tiên tiến tiêu biểu của ngành Kiểm sát nhân dân

1.  Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng: 8 lần đạt Cờ thi đua của Chính phủ.

2.  Báo Bảo vệ pháp luật: 5 lần đạt Cờ thi đua của Chính phủ: Năm 2020, 2021, 2022, 2023, 2024

3.  Viện Công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội:  Huân chương Lao động hạng Ba (đột xuất): Năm 2020, 2 lần đạt Cờ thi đua của Chính phủ: Năm  2020, 2023; 3 lần đạt Cờ thi đua của ngành KSND: Năm 2021, 2022, 2024

4.  Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội:  3 lần đạt Cờ thi đua của Chính phủ: Năm 2022, 2023, 2024

5.  Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh:  3 lần đạt Cờ thi đua của Chính phủ: Năm 2020, 2021, 2022; Huân chương Độc lập (công trạng): Năm 2023

6.  Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh:   4 lần đạt Cờ thi đua của Chính phủ: Năm: 2020, 2022, 2023, 2024

7.  Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh:  4 lần đạt Cờ thi đua của Chính phủ: Năm: 2020, 2021, 2022, 2024

8.  Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa:  4 lần đạt Cờ thi đua của Chính phủ:  Năm: 2020, 2022, 2023, 2024

9.  Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đăk Lăk:  3 lần đạt Cờ thi đua của Chính phủ: Năm 2020, 2021, 2022


Nhóm Phóng viên