Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Phải ra sức vận động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ trị an”. Thực vậy, thực tiễn đã chứng minh Nhân dân chính là nền tảng, là nguồn sức mạnh to lớn trong công cuộc bảo đảm ANTT; nơi nào người dân tích cực tham gia hỗ trợ thì nơi đó phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc mạnh, an ninh trật tự tại cơ sở được bảo đảm. 

Thời gian qua, các cấp, các ngành luôn dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ bảo đảm ANTT ngay từ cơ sở; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, gắn liền, thống nhất, đi đôi với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

leftcenterrightdel
 Trao đổi nghiệp vụ trên đường làm nhiệm vụ.

Với Bộ Công an, nhiều giải pháp căn cơ, bài bản đã được triển khai để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm ANTT tại cơ sở; một trong những giải pháp, chủ trương lớn là Bộ đã triển khai lực lượng Công an chính quy tăng cường về xã, thị trấn; ngoài Công an chính quy, tiếp tục sử dụng các lực lượng sẵn có, gồm: Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Dân phòng - là những người gắn bó với nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở, bám địa bàn, sát dân, gần dân, cùng phối hợp với lực lượng Công an chính quy duy trì ANTT, giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở, ngay từ khi bắt đầu. Đây là một chủ trương rất đúng đắn để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.  

Tuy nhiên, hiện hoạt động, nhiệm vụ của 3 lực lượng (Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Dân phòng) đang được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, với nhiều hình thức khác nhau, do nhiều cơ quan ban hành. Để tạo cơ sở pháp lý sắp xếp, kiện toàn, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của 03 lực lượng sẵn có nói trên thành một lực lượng thống nhất với chức năng, nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở. Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an và các đơn vị liên quan đang tích cực nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

leftcenterrightdel
 Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là nòng cốt đảm bảo trật tự, trị an.

Quá trình dự thảo, nhiều ý kiến cử tri đồng tình, mong muốn Luật sớm được ban hành để áp dụng vào thực tiễn, bảo đảm tương xứng với tính chất công việc, đóng góp của lực lượng bảo vệ ANTT tại cơ sở đã và đang thực hiện.  

Mặc dù vậy, cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn vì sao gọi là “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” mà không phải là tên gọi khác?

Qua nghiên cứu thấy rằng tên gọi “Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” đã khái quát đầy đủ và tương đối thống nhất với nội dung dự thảo Luật, thể hiện đúng bản chất là lực lượng “tham gia hỗ trợ” cho Công an cấp xã trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Thực tế, hiện nay, ngoài các 3 lực lượng trên, còn nhiều lực lượng tự quản được các cơ quan, đơn vị, quần chúng nhân dân... thành lập ra để thực hiện các công việc bảo vệ an ninh, trật tự. Để huy động sức mạnh của toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, dự thảo Luật đã quy định rõ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng làm nòng cốt trong hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. Vì vậy, việc đề nghị tên Luật và tên lực lượng như dự thảo là hoàn toàn phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của Luật và thực tiễn. 

leftcenterrightdel
 Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh với lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Dự thảo Luật quy định kiện toàn thống nhất các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách thành 1 lực lượng chung với tên gọi là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Vậy tại sao phạm vi điều chỉnh chỉ là 03 lực lượng này? có cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung thêm các lực lượng khác không?

Theo quy định tại Điều 46 Hiến pháp năm 2013 thì mọi công dân đều có nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Trên thực tế có nhiều lực lượng tình nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ Công an nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, hỗ trợ có tính chất thường xuyên, nòng cốt, có quá trình thực hiện lâu dài trên phạm vi toàn quốc, do chính quyền thành lập thì chỉ có 03 lực lượng, là bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã bán chuyên trách; các lực lượng khác thuộc các tổ chức hội, đoàn thể, lực lượng tình nguyện, tự quản khác… tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự xuất phát từ yêu cầu thực tiễn địa phương, nhiều lực lượng không phải do chính quyền thành lập; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của các lực lượng cũng không thống nhất.

Như vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lực lượng thuộc các tổ chức hội, đoàn thể, lực lượng tình nguyện, tự quản, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, bảo vệ chung cư… sẽ không phù hợp về vị trí, vai trò, cũng như tính chất hoạt động giữa lực lượng do chính quyền thành lập với lực lượng hoạt động tự nguyện, tự quản ở cộng đồng dân cư, cơ sở, không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Tập huấn nghiệp vụ.

Quá trình lấy ý kiến nhân dân cũng có ý kiến là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có những nhiệm vụ, quyền hạn gì? được quy định như thế nào? liệu có bị lạm quyền không, thì dự thảo Luật đã giao 6 nhóm nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, thống nhất quy định rõ đây là lực lượng hỗ trợ Công an cấp xã và thực hiện nhiệm vụ cùng với Công an cấp xã, theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo của Công an cấp xã; được tham gia nắm tình hình về trật tự, an toàn xã hội, bạo lực gia đình trên địa bàn phụ trách và thực hiện theo yêu cầu, hướng dẫn của Công an cấp xã khi phát hiện vụ việc xảy ra.

Với quy định này sẽ bảo đảm nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ không chồng chéo, trùng lặp với nhiệm vụ của các lực lượng khác ở cơ sở khác (như: Dân quân tự vệ, lực lượng bảo vệ… được quy định trong các luật có liên quan). Về quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở: Trước hết, các quy định của pháp luật đều đã nêu rõ, quyền hạn của mỗi tổ chức, cá nhân đều phải gắn với việc tổ chức, cá nhân đó được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi quyền lực nhà nước.

Đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chỉ là lực lượng quần chúng tự nguyện, được tuyển chọn tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, không thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo trực tiếp của Công an cấp xã.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong bảo vệ ANTT đã được quy định trong Hiến pháp, Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Như vậy, dự thảo Luật không quy định các quyền hạn của lực lượng là hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật và thực tiễn khách quan.

Một điểm đáng lưu ý là gần đây các thế lực thù địch xuyên tạc, cho rằng “việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ làm tăng biên chế, phát sinh thủ tục hành chính” nhưng thực tế có đầy đủ luận cứ khẳng định quan điểm trên là không chính xác, việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ không làm tăng kinh phí ngân sách Nhà nước khi được ban hành.

Như đã phân tích ở trên, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ được hình thành dựa trên 3 lực lượng đang sẵn có (Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Dân phòng). Về cơ học, chúng ta có thể tính được, khi thành lập các Tổ bảo vệ an ninh, trật tự trên cơ sở kiện toàn nhân sự của 3 lực lượng này chắc chắn sẽ không làm tăng thêm biên chế. Ngoài ra, để bảo đảm phù hợp với tình hình, yêu cầu bảo đảm ANTT, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương, không làm tăng biên chế, không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với các lực lượng khác, bảo đảm tính khả thi, thống nhất với Luật Phòng cháy và chữa cháy về quy định chức danh của lực lượng dân phòng...

Tại khoản 2, Điều 16 dự thảo Luật đã quy định: Tại thôn, tổ dân phố đã bổ nhiệm chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy, Công an cấp xã căn cứ năng lực, trình độ chuyên môn của người đã được bổ nhiệm để đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định công nhận là chức danh Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự. 

Hiện theo thống kê, tính đến hết tháng 12/2022, tổng số thôn, tổ dân phố trong toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố (thời điểm khảo sát để xây dựng dự thảo Luật là 103.568 thôn, tổ dân phố) và mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2023 đã điều chỉnh tăng lên là 1.800.000 đồng. Trường hợp 84.721 thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thì toàn quốc có 84.721 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự (trung bình mỗi Tổ có 3 người) và dự kiến tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo Luật là 3.505 tỷ đồng/năm. Trung bình 01 tỉnh, thành phố cần bảo đảm khoảng 55.6 tỷ đồng/năm, tương ứng khoảng 4.6 tỷ đồng/01 tháng.

Tại dự thảo Luật cũng quy định mỗi Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc cấp xã hoặc tại huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã nên khi triển khai thi hành Luật thì tổng số Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm theo.

Như vậy, việc thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự với nguồn nhân lực được kiện toàn từ lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng và với cách dự tính nêu trên thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia hoạt đông và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn đang chi trả hiện nay.

Bên cạnh đó, về lâu dài, tổng số lượng thôn, tổ dân phố sẽ tiếp tục giảm do sáp nhập nên các địa phương sẽ có điều kiện tập trung bảo đảm chế độ, chính sách tốt hơn nữa cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Thực tế những năm qua tại tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở (Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, Dân phòng...) đã thực sự trở thành “bàn tay nối dài” của lực lượng Công an, phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an trong công tác nắm tình hình, phát hiện, tham gia giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp trong Nhân dân...

Lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, Dân phòng cũng đã tham gia hàng nghìn lượt phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Đặc biệt trong thời điểm xảy ra dịch Covid đã có hàng nghìn lượt Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, Dân phòng tích cực tham gia bảo đảm ANTT phục vụ khoanh vùng, dập dịch, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, giúp hỗ trợ người dân đi cách ly, điều trị... hay như trong quá trình thực hiện Đề án 06 đây cũng chính là những lực lượng tích cực, quan trọng hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, góp phần giúp tỉnh Hà Tĩnh là tỉnh thứ 2 cả nước về đích trong việc cấp căn cước công dân cho người đủ điều kiện và là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành việc cài đặt định danh điện tử...

Việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là một nhiệm vụ trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phù hợp với xu thế quản lý Nhà nước theo hướng tinh, gọn, mạnh và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm ANTT ngay tại cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong
Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh