Ngày 6/8, Ban cán sự đảng VKSND tối cao ban hành Kế hoạch số 44-KH/BCSĐ về thực hiện quy trình đề nghị bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND tối cao.
Theo đó, việc thực hiện quy trình đề nghị bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND tối cao nhằm thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đồng ý chủ trương thực hiện quy trình theo quy định để bổ sung 1 Phó Viện trưởng VKSND tối cao (tại Công văn số 12510-CV/TW, ngày 8/7/2020 của Văn phòng Trung ương Đảng).
Khi lựa chọn nhân sự phải lấy tiêu chuẩn, điều kiện là chính; là người có năng lực, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, uy tín, có khả năng đáp ứng ngay công việc theo yêu cầu, phù hợp với nhiệm vụ, lĩnh vực công tác trọng tâm của Ngành hiện nay để đề nghị bổ nhiệm.
Quy trình đề nghị bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND tối cao thực hiện đúng, đầy đủ theo Phụ lục 2, Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị, đảm bảo chặt chẽ, công khai, công bằng, dân chủ, khách quan. Đồng thời, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong quán triệt chủ trương, cơ cấu, yêu cầu công tác, đánh giá nhận xét cán bộ và cung cấp đầy đủ thông tin tại các bước hội nghị.
Về đối tượng, Kế hoạch số 44-KH/BCSĐ nêu rõ: Cán bộ trong diện quy hoạch tại chỗ chức danh Phó Viện trưởng VKSND tối cao giai đoạn 2016-2021 có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; cần quan tâm, chú ý cơ cấu cán bộ và cơ cấu vùng, miền hợp lý để bảo đảm tương quan chung trong việc bố trí, sử dụng cán bộ và chuẩn bị một bước nhân sự nhiệm kỳ tới.
Về điều kiện, tiêu chuẩn: Bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành để xem xét bổ nhiệm chức vụ Phó viện trưởng VKSND tối cao; không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm.
Bảo đảm khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ theo quy định của Đảng (Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị). Trong đó, chấp hành nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng; có quan điểm, tư tưởng, chính trị vững vàng, kiên định lập trường; có tinh thần đoàn kết, uy tín; không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi; nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm, được thử thách qua thực tiễn, có thành tích nổi trội, có "sản phẩm" cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp vụ trưởng hoặc tương đương trở lên;
Trong nguồn quy hoạch chức vụ lãnh đạo được đề nghị bổ nhiệm; tuổi bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý phải đủ tuổi để công tác ít nhất trọn một nhiệm kỳ; có đủ sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có hồ sơ, lý lịch cá nhân, kết luận về tiêu chuẩn chính trị, phiếu kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ rõ ràng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định.
|
|
Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các đồng chí lãnh đạo VKSND tối cao. |
Về quy trình đề nghị bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND tối cao gồm 5 bước. Cụ thể, bước 1: Hội nghị Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao (hội nghị trực tiếp). Thành phần: Tập thể Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao. Mời đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng tham dự.
Bước 2: Hội nghị lãnh đạo mở rộng (hội nghị trực tiếp).
Tập thể lãnh đạo thảo luận, thống nhất về số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự và tiến hành giới thiệu nhân sự trong nguồn quy hoạch chức danh Phó Viện trưởng VKSND tối cao thuộc đối tượng đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn bằng hình thức ghi phiếu giới thiệu (cử Ban kiểm phiếu; kết quả kiểm phiếu không công bố tại hội nghị mở rộng này).
Nguyên tắc giới thiệu và nguồn lựa chọn: Mỗi thành viên giới thiệu không quá 1 người vào chức danh đề nghị bổ nhiệm.
Bước 3: Hội nghị Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao - lần 2 (hội nghị trực tiếp).
Với kết quả giới thiệu nhân sự ở Bước 2, họp thảo luận và giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín (có cử Ban kiểm phiếu; kết quả kiểm phiếu được công bố tại Hội nghị này).
Nguyên tắc giới thiệu và nguồn lựa chọn: Trên cơ sở nguồn nhân sự được giới thiệu ở Bước 2, mỗi thành viên giới thiệu không quá 1 người vào chức danh đề nghị bổ nhiệm.
Trường hợp kết quả giới thiệu của tập thể Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao khác với kết quả giới thiệu nhân sự ở Bước 2 thì báo cáo, giải trình rõ với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, cho ý kiến chỉ đạo trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
Bước 4: Hội nghị cán bộ chủ chốt (hội nghị trực tuyến đến các điểm cầu VKSND cấp tỉnh).
Tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt để thông báo về chủ trương, số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ; thông báo danh sách cán bộ do tập thể Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao giới thiệu (ở Bước 3) có tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác, nêu sản phẩm, thành tích nổi trội, kết quả xếp loại công chức 3 năm gần nhất, dự kiến phân công công tác.
Cán bộ được giới thiệu có chương trình hành động cụ thể trình bày tại Hội nghị.
Bước 5: Hội nghị Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao - lần 3 (hội nghị trực tiếp)
Xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có); phân tích kết quả lấy phiếu ở các Hội nghị; lấy ý kiến của Đảng ủy đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm.
Họp thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín, trình cấp có thẩm quyền.
Ban cán sự đảng VKSND tối cao giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp Văn phòng VKSND tối cao và các đơn vị liên quan tham mưu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện các quy trình giới thiệu nhân sự đề nghị bổ nhiệm Phó Viện trưởng VKSND tối cao theo đúng quy định và chỉ đạo của Ban cán sự đảng VKSND tối cao. Sau khi Ban cán sự đảng VKSND tối cao thống nhất xét, duyệt nhân sự; trong thời gian 5 ngày làm việc, Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm tham mưu, xây dựng Tờ trình, hoàn thiện hồ sơ cán bộ để trình các cấp thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm theo quy định. |
Xem toàn văn Kế hoạch số 44-KH/BCSĐ tại đây: kehoach44bcsd.pdf