Phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ, có đức, có tài, có triển vọng

Theo Ban cán sự đảng VKSND tối cao, mục đích của việc rà soát, bổ sung quy hoạch nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ, có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và năng lực quản lý, điều hành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của ngành KSND.

Đồng thời, quy hoạch là tạo nguồn để chủ động việc điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bố trí cán bộ. 

Yêu cầu của việc rà soát, bổ sung quy hoạch phải căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của Trung ương; căn cứ vào nhiệm vụ chính trị, tổ chức, bộ máy, tiêu chuẩn cán bộ và thực trạng đội ngũ cán bộ hiện có của Ngành.

Đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan; bảo đảm tính kế thừa, phát triển và sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ cán bộ. Thống nhất quy hoạch cán bộ lên chức vụ cao hơn, không quy hoạch tái bổ nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm.

Quy hoạch cán bộ phải đảm bảo phương châm “mở” và “động”.

Quy hoạch “mở” được hiểu là một chức danh cần quy hoạch một số người và một người có thể quy hoạch vào một số chức danh. Quy hoạch không khép kín trong cơ quan, đơn vị mà cần xem xét, đưa vào quy hoạch cán bộ có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và triển vọng đảm nhiệm chức danh quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác. 

Quy hoạch “động” là quy hoạch được định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh; kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch những người không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện, không có triển vọng phát triển hoặc uy tín thấp qua lấy phiếu tín nhiệm hằng năm; bổ sung vào quy hoạch những cán bộ có triển vọng phát triển. 

leftcenterrightdel
 VKSND cấp tỉnh lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo chủ chốt. (Ảnh minh hoạ)

Công tác quy hoạch cán bộ phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của tập thể Ban cán sự đảng VKSND tối cao; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu đơn vị trong công tác quy hoạch; gắn kết giữa quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý với quy hoạch cấp uỷ. 

Cụ thể các tiêu chuẩn trong lựa chọn cán bộ

Về tiêu chuẩn chung, việc lựa chọn cán bộ đưa vào bổ sung quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn chung của cán bộ nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) và tiêu chuẩn cụ thể chức danh cán bộ.

Theo đó, về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống: Có bản lĩnh chính trị vững vàng; tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; có đạo đức, lối sống trong sạch, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác; có tinh thần tự học tập nâng cao trình độ; có ý thức tổ chức kỷ luật; bản thân và gia đình gương mẫu chấp hành quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng. 

Năng lực thực tiễn; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, phương pháp làm việc khoa học, chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm và khả năng dự báo, tham mưu hoạch định chính sách về lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; có khả năng đoàn kết, tập hợp, quy tụ cán bộ và năng lực tổ chức, điều hành; khả năng dự báo tình hình, xử lý những tình huống phức tạp phát sinh trong Ngành. 

Uy tín: thể hiện thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm và kết quả đánh giá cán bộ, đảng viên.

Sức khỏe: bảo đảm sức khỏe để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh quy hoạch. 

Chiều hướng, triển vọng phát triển: khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi được bố trí vào chức vụ cao hơn. 

Về bằng cấp, độ tuổi: Có trình độ từ đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp. 

Cán bộ đưa vào quy hoạch phải còn đủ tuổi bổ nhiệm từ hai nhiệm kỳ trở lên, hoặc ít nhất cũng trọn 1 nhiệm kỳ (ít nhất nam sinh từ tháng 1/1966, nữ sinh từ tháng 1/1971 trở lại đây). Cán bộ quy hoạch phải bảo đảm cơ cấu 3 độ tuổi trong từng cấp lãnh đạo (dãn cách giữa các độ tuổi là 5 năm), tăng tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ. 

Về thẩm quyền bổ sung quy hoạch, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao và Bí thư Đảng uỷ VKSND tối cao xây dựng đề xuất, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư (qua Ban Tổ chức Trung ương) phê duyệt bổ sung quy hoạch các chức danh cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý tại VKSND tối cao. 

Quy hoạch mới chức danh tối thiểu từ 2-3 người, quy hoạch tối đa không quá 4 người cho 1 chức danh, không quy hoạch 1 người cho 1 chức danh và không quy hoạch 1 người vào quá 3 chức danh. 

Đối với chức danh Viện trưởng VKSND tối cao: Đưa vào bổ sung quy hoạch phải đảm bảo số lượng được quy hoạch không quá 4 người, dự kiến bổ sung 1 người. Nguồn là các Phó Viện trưởng VKSND tối cao đương nhiệm, các đồng chí đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chức danh Viện trưởng VKSND tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện. 

Đối với chức danh Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đưa vào bổ sung quy hoạch phải đảm bảo số lượng được quy hoạch không quá 16 người, dự kiến bổ sung 3 người. Nguồn là các đồng chí đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chức danh Phó Viện trưởng VKSND tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện; Vụ trưởng, tương đương và Viện trưởng VKSND cấp tỉnh. 

Về các bước tiến hành, sau khi tập thể Ban cán sự đảng VKSND tối cao cho ý kiến thống nhất về cơ cấu, số lượng, nhân sự dự kiến bổ sung quy hoạch chức danh Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nhiệm kỳ 2021-2026 thì tiến hành theo 3 bước.  Cụ thể, bước 1: Phát hiện, giới thiệu nguồn quy hoạch (Hội nghị cán bộ giới thiệu nguồn; tổng hợp kết quả phát hiện giới thiệu nguồn). Bước 2: Tổ chức lấy ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ VKSND tối cao. Bước 3: Tập thể Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, quyết định đề xuất bổ sung quy hoạch cán bộ.

Cũng theo Kế hoạch số 42-KH/BCSĐ: Sau khi tập thể Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao ghi phiếu quyết định giới thiệu cán bộ quy hoạch ở bước 3, Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao có trách nhiệm tham mưu, hoàn thiện báo cáo kết quả giới thiệu, các tài liệu liên quan và hồ sơ nhân sự theo quy định và gửi Ban Tổ chức Trung ương xem xét, phê duyệt.


Xem toàn văn nội dung 
Kế hoạch số 42-KH/BCSĐ tại đây: kehoach42bcsd.pdf

 

P.V