Áp dụng chính xác pháp luật về tố tụng

Theo VKSND tối cao, trong thời gian qua, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại (KDTM) trong toàn ngành Kiểm sát đã có nhiều chuyển biến đáng kể, VKSND các cấp không ngừng đề ra các biện pháp để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát trong lĩnh vực này; nhờ vậy nhiều bản án, quyết định của Toà án ban hành có căn cứ, đúng pháp luật. 

Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bị Toà án cấp giám đốc thẩm hủy, trong đó có những vụ án mà bản án, quyết định bị hủy nhiều lần, có trách nhiệm của Viện kiểm sát, kéo dài thời gian giải quyết vụ án, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án KDTM trong thời gian tới, VKSND tối cao hướng dẫn một số nội dung để toàn Ngành nghiên cứu, áp dụng.

Cụ thể, về  áp dụng pháp luật, VKSND các cấp phải áp dụng một cách chính xác pháp luật về tố tụng trong quá trình kiểm sát việc giải quyết những tranh chấp về KDTM thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015), đối với việc giải quyết vụ án KDTM có yếu tố nước ngoài, có liên quan đến điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó (khoản 3 Điều 2 BLTTDS 2015) và pháp luật về nội dung như: Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Hàng hải, Luật Cạnh  tranh, Luật Đầu tư, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai, Luật Sở hữu trí tuệ...

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”. (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, cần cập nhật, nghiên cứu vận dụng một cách phù hợp các hiệp định mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - liên minh Châu âu (EVFTA), Công ước Viên năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế, Bộ quy tắc về thương mại quốc tế trong các Incotems...

Lưu ý một số trường hợp áp dụng thời hiệu có tính đặc thù

Liên quan đến thời hiệu khởi kiện, Hướng dẫn nêu rõ: Đối với các tranh chấp KDTM mà văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thời hiệu khởi kiện (được thực hiện theo yêu cầu của đương sự) thì áp dụng thời hiệu khởi kiện được xác định trong văn bản quy phạm pháp luật đó. 

Trong đó, cần lưu ý một số trường hợp áp dụng thời hiệu có tính đặc thù, đó là: Đối với tranh chấp về hợp đồng kinh doanh bảo hiểm thì thời hiệu khởi kiện thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, cụ thể: “Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 3 năm, kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp”.

Đối với yêu cầu hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần, Kiểm sát viên cần lưu ý thời hiệu khởi kiện thực hiện theo Điều 147 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể: “Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của luật này có quyền yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông...”.

Đối với yêu cầu Toà án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn thì áp dụng điểm d, khoản 8, Điều 50 Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể: “Yêu cầu Toà án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật này và điều lệ công ty”.

Đối với quy định việc gia hạn thời hiệu trong trường hợp khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự, các bên có thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì việc xác định ngày mà quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm căn cứ vào ngày chấm dứt thỏa thuận của các bên và được thực hiện như hướng dẫn tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều 23 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “những quy định chung” của BLTTDS.

Cùng với các nội dung trên, Hướng dẫn còn đề cập đến các nội dung khác đó là: Về vụ án được giải quyết lại sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm; về mức phạt trong hợp đồng thương mại; về việc xác định tư cách tham gia tố tụng đối với những vụ án liên quan đến doanh nghiệp.

Ngoài ra Hướng dẫn cũng đề cập đến những lưu ý trong công tác kiểm sát việc giải quyết một số vụ án KDTM cụ thể như đối với vụ án “tranh chấp hợp đồng tín dụng”; đối với vụ án “tranh chấp thành viên công ty với công ty” hoặc “tranh chấp giữa các thành viên công ty”; đối với vụ án “tranh chấp hợp đồng xây dựng”...

P.V