Làm rõ hơn nội dung: “Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng”
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Nghị quyết này hướng dẫn các nội dung gồm: Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về tội phạm tham nhũng, chức vụ.
Hướng dẫn xác định tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, chức vụ gây ra.
Hướng dẫn thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng, chức vụ.
Hướng dẫn giải quyết các giao dịch dân sự có liên quan.
Hướng dẫn việc kiến nghị của Tòa án đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ.
Cũng theo dự thảo Nghị quyết quy định, người có chức vụ, quyền hạn quy định tại các điều 353, 354, 355, 356, 357, 358 và 359 của Bộ luật Hình sự là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản là trường hợp người phạm tội tham nhũng, chức vụ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản chiếm đoạt, của hối lộ, bồi thường ít nhất ba phần tư thiệt hại hoặc tích cực tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em và những người khác khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản bị chiếm đoạt, của hối lộ, bồi thường ít nhất ba phần tư thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
|
|
Xét xử các bị cáo trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG. (Ảnh minh hoạ TTXVN) |
Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm là sau khi phạm tội tham nhũng, chức vụ, người phạm tội đã chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội (như: chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị buộc tội...). Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” nhưng Tòa án phải nhận định rõ trong bản án.
Các trường hợp được xem xét miễn trách nhiệm hình sự
Về một số tình tiết định khung, dự thảo Nghị quyết quy định: Có tổ chức quy định tại điểm a khoản 2 Điều 353, điểm a khoản 2 Điều 354, điểm a khoản 2 Điều 355, điểm a khoản 2 Điều 356, điểm a khoản 2 Điều 357, điểm a khoản 2 Điều 358 và điểm a khoản 2 Điều 359 của Bộ luật Hình sự là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ, phân công, sắp đặt vai trò của những người cùng thực hiện tội phạm.
Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm quy định tại điểm b khoản 2 các điều 353 và 355 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội sử dụng công nghệ cao hoặc thủ đoạn gian dối, mánh khóe khác để phạm tội, để tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.
Về các trường hợp được xem xét miễn trách nhiệm hình sự, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Người có hành vi vi phạm pháp luật nhưng vì động cơ trong sáng, không vụ lợi cá nhân, muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tổ quốc, kết quả mang lại lớn hơn thiệt hại xảy ra.
Người phạm tội là người phụ thuộc, cấp dưới, làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên mà không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội, không được hưởng lợi và sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm, trừ trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và xử lý tội phạm thì được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và xử lý tội phạm.
Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đối với việc xác định tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, chức vụ gây ra, dự thảo Nghị quyết quy định: Giá trị tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, chức vụ gây ra làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Trường hợp tội phạm thực hiện liên tục, kéo dài thì giá trị tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại được xác định tại thời điểm kết thúc hành vi phạm tội. Đối với trường hợp hành vi phạm tội đang diễn ra nhưng bị phát hiện thì giá trị tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại được xác định tại thời điểm hành vi phạm tội bị phát hiện.
Giá trị tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại do tội phạm tham nhũng, chức vụ gây ra làm căn cứ xác định trách nhiệm dân sự, áp dụng biện pháp tư pháp được xác định tại thời điểm giải quyết vụ án.