Bộ Tư pháp vừa có Công văn số 371/BTP-TCTHADS ngày 8/2/2023 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tiếp tục quan tâm, phối hợp, chỉ đạo thực hiện việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính tại địa phương.

Công văn nêu rõ, năm 2022,  Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức giám sát chuyên đề: “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND”.

Kết quả giám sát đã chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, thi hành án hành chính của UBND, Chủ tịch UBND vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Tình trạng Chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, không cung cấp đầy đủ hoặc chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; số lượng bản án hành chính mà Chủ tịch UBND, UBND có trách nhiệm thi hành nhưng chưa thi hành xong còn lớn, còn một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, xử lý trách nhiệm trong thi hành án hành chính.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh một buổi cưỡng chế thi hành án. (Ảnh minh hoạ)

Từ thực tế trên, Bộ Tư pháp đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, thực hiện, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp thực hiện có hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện kiến nghị của Ủy ban Tư pháp và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kết quả giám sát việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính (ban hành kèm theo Quyết định số 2512/QĐ-BTP ngày 22/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).

Bên cạnh đó, chấp hành, chỉ đạo chấp hành nghiêm túc Điều 55, 60 và Điều 78 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về trách nhiệm tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa, cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện theo đúng quy định, trong đó, kịp thời chấn chỉnh, có các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm khắc phục ngay tình trạng không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, không cung cấp đầy đủ hoặc cung cấp không đúng thời hạn tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.

Mặt khác, tổ chức thi hành, chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực nhưng chưa được thi hành xong mà người phải thi hành án là cá nhân, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý. Đối với những bản án, quyết định còn có khó khăn, vướng mắc, đề nghị kịp thời báo cáo các bộ, ngành chức năng để tháo gỡ hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, có giải pháp sớm tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính; chỉ đạo kiểm tra, xem xét và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức có hành vi chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg. 

Ngoài ra, định kỳ tổng hợp, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và kết quả thi hành án hành chính của địa phương mình, báo cáo Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc hội theo quy định và theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

P.V