Cùng với việc yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, yêu cầu về cải cách tư pháp và công tác Tòa án; Chỉ thị cũng yêu cầu Tòa án các cấp phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội cũng như của TAND.
Cụ thể, bảo đảm 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định. Trong đó, giải quyết, xét xử đạt từ 90% trở lên đối với các vụ án hình sự; đạt từ 85% trở lên đối với các vụ, việc dân sự; đạt từ 65% trở lên đối với các vụ án hành chính; đạt từ 99% trở lên đối với các đề nghị xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án; đạt từ 60% trở lên đối với các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Bảo đảm 100% các bản án, quyết định của Tòa án được ban hành trong thời hạn luật định (bao gồm cả quyết định thi hành án hình sự đối với 100% người bị kết án phạt tù, pháp nhân thương mại bị kết án); bảo đảm 100% quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không bị hủy, sửa theo thủ tục giám đốc thẩm.
Hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án đã giải quyết.
|
|
Quang cảnh xét xử một vụ án hình sự bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh minh hoạ) |
Hòa giải thành, đối thoại thành các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính tại TAND cấp huyện đạt từ 50% trở lên; tại TAND cấp tỉnh đạt từ 5% trở lên.
Tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử ít nhất 2 vụ việc đối với TAND cấp huyện; 3 vụ việc đối với TAND cấp tỉnh; 5 vụ việc đối với TAND cấp cao. Thẩm phán TAND cấp huyện, cấp tỉnh, cấp cao phải chủ tọa ít nhất 1 phiên tòa rút kinh nghiệm.
Bảo đảm 100% các bản án, quyết định thuộc trường hợp công bố phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Đề xuất bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ ít nhất 1 bản án, quyết định đối với TAND cấp tỉnh, Tòa án quân sự quân khu và tương đương; 3 bản án, quyết định đối với TAND cấp cao, Vụ Giám đốc kiểm tra thuộc TAND tối cao; đồng thời, bảo đảm 100% Thẩm phán phải sử dụng, tương tác và đóng góp ít nhất 1 câu hỏi và câu trả lời cho phần mềm Trợ lý ảo.
Cùng với đó, trong công tác xét xử các vụ án hình sự, Chỉ thị nêu rõ, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm cũng như vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Việc xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo, áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù phải bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật.
Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án dư luận xã hội quan tâm; nhất là chủ động, tích cực tổ chức xét xử nghiêm túc, đảm bảo đúng tiến độ, đúng pháp luật đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Có giải pháp tăng hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với các vụ án này.
Ngoài ra, Chị thị cũng yêu cầu, Toà án phải tăng cường phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp, cơ quan tổ chức hữu quan, cơ quan bổ trợ tư pháp trong xét xử, giải quyết các loại vụ án, vụ việc. Quan tâm giải quyết, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm đã được Viện kiểm sát kiến nghị và đề ra các biện pháp, giải pháp phòng ngừa các thiếu sót, vi phạm, nhất là các vi phạm có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của Tòa án. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp rà soát các bản án dân sự chưa thi hành do tuyên không rõ ràng để kịp thời giải thích, đính chính hoặc đề xuất kháng nghị theo quy định.