Theo văn bản số 1082/VKSTC-V14: Thực hiện Thông báo số 205/TB-VPCP ngày 5/6/2018 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và VKSND tối cao ngày 18/4/2018, hiện nay, Lãnh đạo VKSND tối cao đang chỉ đạo triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động điều tra” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, phê duyệt.

Đây là Đề án quan trọng, nhằm đưa ra các giải pháp, kiến nghị về tăng cường các điều kiện bảo đảm (kinh phí, trang thiết bị, phương tiện làm việc…), đáp ứng yêu cầu thực hiện một số hoạt động điều tra của Kiểm sát viên VKSND trong trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và pháp luật khác có liên quan.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Hội nghị tập huấn một số kỹ năng điều tra cho Điều tra viên, Kiểm sát viên VKSND do VKSND tối cao tổ chức

Cũng theo văn bản số 1082/VKSTC-V14, để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính khả thi của Đề án, VKSND tối cao đề nghị các đồng chí Thủ trưởng một số đơn vị trực thuộc và Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức chỉ đạo rà soát, tổng hợp, đánh giá tại đơn vị, Viện kiểm sát cấp mình quản lý và báo cáo VKSND tối cao.

Những nội dung đánh giá và báo cáo, gồm: Đánh giá, đề xuất nhu cầu kinh phí hàng năm dành cho các hoạt động điều tra của Kiểm sát viên, trong đó nêu rõ các vấn đề cụ thể, đó là:

Thứ nhất, tổng số vụ/việc mà Kiểm sát viên có tham gia (thông qua hoạt động kiểm sát) hoặc trực tiếp tiến hành một số hoạt động kiểm tra, xác minh hoặc hoạt động  điều tra trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố trong năm 2018 (có so sánh với năm 2017); tập trung vào những loại án nào (về tội danh, loại tội).

Thứ hai, những hoạt động kiểm tra, xác minh hoặc hoạt động điều tra mà Kiểm sát viên tham gia hoặc trực tiếp tiến hành khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố (nêu cụ thể các hoạt động kiểm tra, xác minh hoặc hoạt động điều tra được Kiểm sát viên tiến hành, ví dụ: Lấy lời khai, hỏi cung, đối chất, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi…).

Thứ ba, đánh giá thực trạng thực hiện, những kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại/hạn chế và đề xuất nhu cầu kinh phí dành cho việc tăng cường các hoạt động điều tra của Kiểm sát viên, trong đó nêu cụ thể các nội dung, gồm:

Thực trạng việc sử dụng kinh phí hàng năm dành cho các hoạt động kiểm tra, xác minh hoặc hoạt động điều tra do Kiểm sát viên tham gia hoặc trực tiếp tiến hành; trung bình mỗi vụ án cần bao nhiêu kinh phí để phục vụ các hoạt động kiểm tra, xác minh hoặc hoạt động điều tra của Kiểm sát viên; nêu rõ các mục, khoản chi phí, số kinh phí; cụ thể như: Công tác phí; chế độ bồi dưỡng; các khoản chi phí tố tụng khác dành cho hoạt động kiểm tra, xác minh hoặc hoạt động điều tra của Kiểm sát viên… Trang thiết bị, phương tiện được sử dụng phục vụ cho các hoạt động kiểm tra, xác minh hoặc hoạt động điều tra của Kiểm sát viên (nêu rõ số lượng, loại trang thiết bị, phương tiện sử dụng cho từng hoạt động kiểm tra, xác minh hoặc hoạt động điều tra...

Nêu đề xuất cụ thể nhu cầu cần bổ sung: Về kinh phí thường xuyên hàng năm cấp dành cho các hoạt động kiểm tra, xác minh hoặc hoạt động điều tra của Kiểm sát viên (công tác phí, xăng, phòng nghỉ, số hóa tài liệu, in ấn, photo tài liệu, quay camera, chụp ảnh…); về kinh phí cấp 01 lần để mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động kiểm tra, xác minh hoặc hoạt động điều tra của Kiểm sát viên, như: xe ô tô, xe gắn máy, máy fax, máy scan, máy photo, xây dựng buồng hỏi cung, lấy lời khai tại trụ sở VKSND và lắp máy, phương tiện ghi âm, ghi hình tại buồng hỏi cung, lấy lời khai (ghi rõ số lượng trang thiết bị, phòng hỏi cung, lấy lời khai).

leftcenterrightdel
Quang cảnh Lễ khai mạc Kiểm sát viên cao cấp năm 2018 

Liên quan đến nhu cầu tăng cường năng lực để đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ điều tra cho Kiểm sát viên, văn bản số 1082/VKSTC-V14 yêu cầu cần làm rõ các nội dung, đó là: Số lượng Kiểm sát viên cần được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hàng năm hoặc theo định kỳ (ngắn hạn, dài hạn, cơ bản, chuyên sâu) về nghiệp vụ điều tra? Việc tổ chức các lớp, khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra cho Kiểm sát viên năm 2018 (nếu có). Kinh phí được sử dụng có đủ để đáp ứng yêu cầu không? Đánh giá nhu cầu và đề xuất, kiến nghị cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ điều tra cho Kiểm sát viên mỗi năm (cần tổ chức bao nhiêu lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn, cơ bản, chuyên sâu, các cuộc hội nghị tập huấn về nghiệp vụ điều tra mỗi năm, số kinh phí cần thiết để bảo đảm thực hiện?).

Về thời gian, văn bản số 1082/VKSTC-V14 nêu rõ: Văn bản báo cáo của các đơn vị đề nghị gửi về VKSND tối cao (qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) trước ngày 05/4/2019.

P.V