Từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, mở rộng quy mô đào tạo

Để nâng cao trình độ cho cán bộ các cơ quan tư pháp, ngày 16/5/1978, Ban Bí thư ra Thông báo số 07-TB/TW về công tác của VKSND và TAND, trong đó nêu rõ, phải quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ pháp lý xã hội chủ nghĩa cả đại học và trung cấp. 

Sau bốn năm đào tạo hệ chuyên tu, tại chức cao đẳng kiểm sát (từ năm 1977 đến năm 1980), tháng 5/1981, khoá I đào tạo cao đẳng kiểm sát hệ chính quy được chiêu sinh và đào tạo trong cả nước với thời gian đào tạo là bốn năm. Đây là tiền đề rất quan trọng để Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát được chuyển thành Trường Cao đẳng Kiểm sát.

Sau khi Luật tổ chức VKSND năm 1981 được ban hành, Viện trưởng VKSND tối cao ra Quyết định số 158/QĐ-V9 ngày 23/10/1981 về bộ máy làm việc của VKSND tối cao, trong đó có Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát. Quyết định này được Hội đồng Nhà nước phê chuẩn tại Nghị quyết số 138-HĐNN ngày 17/2/1982, Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát chuyển thành Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng ghi nhận sự chuyển tiếp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành Kiểm sát từ hệ trung cấp kiểm sát được nâng lên hệ cao đẳng kiểm sát, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hoá cán bộ theo quy định mới của pháp luật. Từ đây, Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội được chính thức ghi nhận đưa vào danh mục các trường đại học, cao đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân trong cả nước. 

Ngày 19/5/1982, đồng chí Trần Lê - Viện trưởng VKSND tối cao ký Quyết định số 90/QĐ-V9 về tổ chức bộ máy của Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội. Năm 1982, lãnh đạo VKSND tối cao quyết định bổ nhiệm đồng chí Vũ Quang Chính giữ chức vụ Hiệu trưởng thay đồng chí Nguyễn Văn Thìn, bổ nhiệm đồng chí Hà Mạnh Trí, Lê Bá Khương giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Nhà trường. 

Năm 1983, sau khi đồng chí Hà Mạnh Trí được điều động làm Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội, lãnh đạo VKSND tối cao quyết định bổ nhiệm đồng chí Lương Văn Xướng giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Nhà trường. Bộ máy của Trường được tổ chức thành 12 đơn vị phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của trường pháp lý chuyên ngành. Năm 1984, Viện trưởng VKSND tối cao ký quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Huy Thuân giữ chức vụ Hiệu trưởng Nhà trường, thay đồng chí Vũ Quang Chính được điều về VKSND tối cao.

Nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các tỉnh miền Nam, ngày 7/1/1978, Viện trưởng VKSND tối cao ra Quyết định số 02/QĐ-V9, thành lập Phân hiệu Trường Cán bộ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Đức Lương được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Nhà trường có nhiệm vụ: Tổ chức quản lý lớp bồi dưỡng cán bộ mới vào ngành Kiểm sát và lớp bổ túc cán bộ theo trình độ trung cấp cho các VKSND tỉnh, thành phía Nam. Đây là cơ sở đào tạo cán bộ kiểm sát đầu tiên ở phía Nam.

Ngày 26/6/1982, Phân hiệu Trường Cán bộ kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh được quyết định chuyển thành Trường Trung cấp Kiểm sát đào tạo nguồn cán bộ, Kiểm sát viên cho Viện kiểm sát các cấp ở phía Nam.

Qua từng năm, hai trường nghiệp vụ đào tạo cán bộ kiểm sát từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy, mở rộng quy mô đào tạo, mở các lớp chuyên tu cao đẳng. Hai trường kiểm sát được kiện toàn về cán bộ lãnh đạo quản lý và đội ngũ giảng viên, tạo thêm khả năng đảm nhận việc đào tạo. 

Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội tiếp tục đào tạo 134 học viên hệ đào tạo chính quy, 144 học viên cao đẳng tại chức khoá 1981-1985, 89 học viên cao đẳng chuyên tu khoá 1981-1983. Tuyển sinh khai giảng hệ đào tạo chính quy với 136 học viên và 144 học viên cao đẳng tại chức khóa 1982-1986. 

Trường Trung cấp Kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh tuyển sinh đào tạo trung cấp kiểm sát khoá 1982-1983 với 187 học viên. Công tác tuyển sinh có tiến bộ, bảo đảm chỉ tiêu và chất lượng thi tuyển cả hai hệ đào tạo chính quy tập trung và chuyên tu, tại chức. Các giáo trình nghiệp vụ kiểm sát được biên soạn và đưa vào giảng dạy.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được tiếp tục đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, ngoài đào tạo tập trung, chuyên tu, tại chức ở hai trường kiểm sát, toàn Ngành tiếp tục mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ theo học chương trình sơ cấp sáu tháng, mở riêng khoá đào tạo cao đẳng cho các tỉnh biên giới phía Bắc. 

VKSND tối cao liên tục mở nhiều đợt tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ ở các Viện kiểm sát tỉnh, thành phố nhằm nâng cao kiến thức nghiệp vụ và thống nhất nhận thức về chức năng, nhiệm vụ, phương châm, phương pháp công tác cho Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên tỉnh, thành chuyên trách công tác kiểm sát điều tra; tập huấn nghiệp vụ và hội nghị chuyên đề về từng mặt công tác khác cho cán bộ Viện kiểm sát các tỉnh, thành. Cử cán bộ sang học tập nâng cao nghiệp vụ tại Liên Xô và mời nhiều lượt chuyên gia Liên Xô sang truyền đạt giúp ta kinh nghiệm về công tác kiểm sát chung và công tác kiểm sát hình sự. Ngành Kiểm sát cử một số đồng chí đi học ở trường Đảng cao cấp, trường quản lý kinh tế, quản lý hành chính.

Cho đến năm 1986, các chỉ tiêu đào tạo và chất lượng đào tạo từng bước nâng lên rõ rệt. Đội ngũ cán bộ được bồi dưỡng, đào tạo đảm đương được nhiệm vụ của Ngành.

Trao đổi, hợp tác về kinh nghiệm hoạt động nghiệp vụ kiểm sát

Trong công tác đối ngoại, VKSND tối cao hợp tác với các nước, chủ yếu là các nước xã hội chủ nghĩa nhằm nghiên cứu trao đổi về thông tin khoa học pháp lý, kinh nghiệm hoạt động nghiệp vụ kiểm sát, bộ máy tổ chức và đào tạo cán bộ, tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong lĩnh vực đào tạo. 

Ngày 23/4/1979, Viện trưởng VKSND tối cao ký Nghị định thư về hợp tác trong việc trao đổi thông tin pháp lý và kinh nghiệm nghiệp vụ kiểm sát, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên với VKSND tối cao nước Cộng hoà Dân chủ Đức. Theo đó, mỗi năm có 2 chuyên gia Đức sẽ sang Việt Nam để truyền thụ các kiến thức chuyên môn và phía Việt Nam sẽ cử 4 Kiểm sát viên, 1 phiên dịch sang Đức để tìm hiểu thực tiễn công tác kiểm sát, 5 cán bộ làm nghiên cứu sinh tại Trường đại học Tổng hợp Friedrich Schiller ở Jena.

Tháng 5/1980, đồng chí Trần Hữu Dực - Viện trưởng VKSND tối cao sang thăm và làm việc tại Liên Xô, ký kết Hiệp định với VKSND tối cao Liên Xô về đào tạo cán bộ. Từ năm 1981 đến năm 1985, mỗi năm, ngành Kiểm sát Việt Nam có khoảng 50 cán bộ đi đào tạo ngắn hạn tại Liên Xô (20 cán bộ sang học tại Trường Bổ túc cán bộ lãnh đạo ở Mátxcơva, 15 cán bộ học tại Trường Bổ túc dự thẩm ở Lêningrát, 15 cán bộ Viện kiểm sát cấp huyện và tương đương học tại Phân hiệu của Trường Bổ túc cán bộ lãnh đạo tại Kháccốp). 

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Hữu Dực ký thỏa thuận hợp tác đào tạo cán bộ với Viện kiểm sát tối cao Liên Xô trong chuyến thăm và làm việc tại Liên Xô (tháng 5/1980). (Ảnh: tư liệu)

Hàng năm, phía Việt Nam đón nhận 2 chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam trao đổi công tác nghiên cứu tội phạm học và công tác kiểm sát. Hợp tác chặt chẽ với ngành Kiểm sát Liên Xô dưới hình thức trao đổi chuyên gia, trao đổi thông tin về pháp luật, các chỉ thị của ngành Kiểm sát, các tài liệu giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và các tài liệu khác có ý nghĩa quan trọng đối với công tác kiểm sát.

Theo yêu cầu của Chính phủ Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào và Cộng hoà nhân dân Campuchia, năm 1980, VKSND tối cao cử 2 đồng chí sang Viêng Chăn giảng dạy pháp lý cho cán bộ trung, cao cấp ngành tư pháp Lào và trao đổi kinh nghiệm công tác kiểm sát. Tháng 10/1980, theo yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương, VKSND tối cao Việt Nam cử 3 đồng chí sang làm chuyên gia pháp lý dài hạn (2 năm, 5 năm) giúp Campuchia xây dựng Hiến pháp, pháp luật và đào tạo cán bộ, giúp Trường Hành chính và Trường Luật nước bạn mở khoá học đầu tiên. 

Tháng 10/1980, đồng chí Trần Hiệu - Phó Viện trưởng VKSND tối cao dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế của Viện trưởng Viện kiểm sát các nước xã hội chủ nghĩa tổ chức tại Sofia (Bungari) bàn về công tác kiểm sát việc tuân thủ pháp chế trong hoạt động kinh tế.

Đoàn đã đề nghị tăng cường trao đổi, hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa về kinh nghiệm nghiệp vụ kiểm sát, về ký kết các hiệp ước giữa các nước xã hội chủ nghĩa về việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình mà đương sự là công dân của nước xã hội chủ nghĩa khác; tăng cường hợp tác trong công tác nghiên cứu khoa học, tội phạm học. Bản tham luận của VKSND tối cao Việt Nam gây được ấn tượng mạnh mẽ cho bạn bè quốc tế về thành tựu công tác kiểm sát tuân theo pháp luật của Việt Nam trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn đảm bảo tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trong kinh tế, phục vụ đắc lực nhiệm vụ hoàn thành kế hoạch Nhà nước hàng năm.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL