Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc về tổ chức bộ máy làm việc của các Viện kiểm sát địa phương; việc Hội đồng Nhà nước phê chuẩn Quy chế ngạch, bậc Kiểm sát viên đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân.

Quyết định về tổ chức bộ máy làm việc của các Viện kiểm sát địa phương

Từ những yêu cầu thực tế của công tác tổ chức bộ máy của Ngành, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND các cấp theo luật định, Viện trưởng VKSND tối cao ra Quyết định số 70/QĐ về việc tổ chức bộ máy làm việc của các Viện kiểm sát địa phương (kèm theo Thông tư số 01/VP-KS để hướng dẫn việc thực hiện Quyết định số 70/QĐ). 

Theo đó, cơ cấu bộ máy của các Viện kiểm sát địa phương gồm: VKSND tỉnh, thành phố có 9 phòng: Phòng Kiểm sát chung; phòng Kiểm sát điều tra, xét xử sơ thẩm án kinh tế; phòng Kiểm sát điều tra, xét xử sơ thẩm án an ninh chính trị và trật tự xã hội; phòng Kiểm sát giam giữ cải tạo; phòng Kiểm sát xét xử và chấp hành án hình sự; phòng Kiểm sát xét xử và chấp hành án dân sự; phòng Tiếp dân - xét khiếu tố; phòng Tổ chức cán bộ; Văn phòng - tổng hợp. Riêng VKSND TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng có Tổ kiểm sát "Bến cảng" trong phòng Kiểm sát chung. 

VKSND đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo có 5 phòng: Phòng Kiểm sát chung; phòng Kiểm sát điều tra, xét xử sơ thẩm hình sự; phòng Kiểm sát giam giữ cải tạo; phòng Kiểm sát xét xử, chấp hành án hình sự và dân sự; Văn phòng - tổng hợp.

VKSND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có ba bộ phận: Bộ phận Kiểm sát chung, Kiểm sát xét xử và chấp hành án Dân sự; bộ phận Kiểm sát điều tra, Kiểm sát giam giữ, Kiểm sát xét xử và chấp hành án Hình sự; bộ phận Văn phòng, tổng hợp, tiếp dân - xét đơn khiếu tố.

Năm 1981, có 34/40 VKSND cấp thành, tỉnh có từ 7 đến 10 phòng công tác. Số còn lại có từ 4 đến 6 phòng. Một số Viện kiểm sát do thiếu Kiểm sát viên nên tổ chức chưa được kiện toàn.

Các VKSND cấp huyện ở phía Bắc hình thành ba bộ phận công tác. Ở phía Nam, việc xây dựng các bộ phận nghiệp vụ gặp khó khăn, do thiếu cán bộ, nhiều nơi, Viện kiểm sát chỉ có hai bộ phận công tác. 

Sang năm 1982, tổng biên chế của ngành Kiểm sát được nâng lên với số lượng là 6.800 người, trong đó đảng viên chiếm 40%, có địa phương chiếm 60% như: Nghệ Tĩnh, Thanh Hoá, Hà Sơn Bình, Hải Hưng..., đội ngũ cán bộ vững vàng về tư tưởng chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. 

Công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp được chú trọng. Năm 1982, toàn Ngành bổ nhiệm, đề bạt được 983 cán bộ lãnh đạo và Kiểm sát viên các cấp, bao gồm các đồng chí giữ chức vụ Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Kiểm sát viên cao cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh và Kiểm sát viên trung cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên cấp huyện.

Năm 1983, ngành Kiểm sát tập trung kiện toàn Viện kiểm sát cấp tỉnh, thành, lập đủ các phòng nghiệp vụ và Ủy ban Kiểm sát theo quy định. Chú trọng củng cố khâu hình sự, tách kiểm sát xét xử ra khỏi kiểm sát điều tra để tổ chức theo chuyên khâu từ Trung ương đến tỉnh. 

Kiểm sát viên được trang bị trang phục, hàm cấp, Giấy chứng minh 

Tháng 5/1983, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị quyết tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện, coi đây là một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhằm thúc đẩy sự lớn mạnh của các ngành, các địa phương và của toàn bộ nền kinh tế. Trong hoàn cảnh biên chế toàn Ngành không tăng nhưng số đơn vị huyện tăng (do chủ trương chia nhỏ huyện), Ngành điều chỉnh trong phạm vi biên chế hiện có để hình thành những đơn vị mới, bổ sung cho nơi thiếu và điều phần lớn học sinh của Ngành mới ra trường về huyện. 

Cũng trong năm 1983, một số quy chế công tác, quy định chức trách được nghiên cứu, xây dựng ở VKSND tối cao và nhiều địa phương, góp phần tăng cường công tác quản lý và điều hành công việc của Ngành.

Tháng 9/1983, Quy chế ngạch, bậc Kiểm sát viên đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân được Hội đồng Nhà nước phê chuẩn, theo đó, Kiểm sát viên được trang bị trang phục, hàm cấp, Giấy chứng minh Kiểm sát viên. Việc ban hành Quy chế ngạch, bậc Kiểm sát viên đánh dấu một bước phát triển mới trong xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm sát. Cũng thời gian này, VKSND tối cao hoàn thành việc biên soạn cuốn Sổ tay Kiểm sát viên.

leftcenterrightdel
 Phù hiệu Viện kiểm sát nhân dân

Trong năm, Ngành đã lựa chọn đề bạt bổ nhiệm 820 cán bộ lãnh đạo và Kiểm sát viên các cấp, trong đó có 9 Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, 14 Viện trưởng, Phó Viện trưởng tỉnh, thành, 160 Viện trưởng, Phó Viện trưởng quận huyện; 153 Trưởng, Phó phòng... Số mới được bổ nhiệm đa số là trẻ, đã qua thực tiễn công tác của Ngành, một số đào tạo tương đối có hệ thống. 

Năm 1983, tuy đủ biên chế nhưng lực lượng nòng cốt là Kiểm sát viên, cán bộ nghiệp vụ còn ít, bình quân Kiểm sát viên ở tỉnh là 30%, huyện là 50%, lực lượng gián tiếp còn nhiều, đạt tỉ lệ 30%. Một số địa phương, cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện còn thiếu và yếu, 65 quận, huyện chưa có Viện trưởng, chiếm tỉ lệ 13%.

Sang năm 1984, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và hiệu lực bộ máy tổ chức của Ngành, Viện kiểm sát các tỉnh, thành rà soát lại biên chế tổ chức và đội ngũ cán bộ, điều chỉnh sắp xếp, tăng cường cho một số khâu nghiệp vụ chủ yếu, thành lập các phòng theo quy định của VKSND tối cao; tách kiểm sát xét xử sơ thẩm ra khỏi kiểm sát điều tra để chuyển về khâu kiểm sát xét xử hình sự và chấp hành án; bốn thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh thành lập phòng Điều tra thẩm cứu. Lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm 576 cán bộ lãnh đạo và Kiểm sát viên các cấp. Tiếp tục điều động 50 cán bộ ở phía Bắc bổ sung cho một số tỉnh, thành phía Nam. 

Tuy nhiên, biên chế trong toàn Ngành vẫn chưa khắc phục được tình trạng biên chế bình quân. Bốn thành phố lớn chiếm gần 1/3 khối lượng công việc của cả nước, nhưng biên chế chỉ bằng 1/6; các tỉnh, thành Nam Bộ cũ chiếm 40% khối lượng án cả nước nhưng biên chế chỉ bằng 28% tổng biên chế toàn Ngành. Chưa kịp thời bố trí cán bộ chủ chốt về những huyện mới thành lập và cán bộ thay thế những đồng chí đến tuổi nghỉ hưu. Nhiều phòng nghiệp vụ ở tỉnh thiếu Kiểm sát viên và trưởng phòng. Ở VKSND tối cao, một số đơn vị như: Văn phòng, Tổng hợp, Tài vụ... cũng chưa được kiện toàn.

Năm 1985, để tăng cường đội ngũ lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp, ngành Kiểm sát lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm 382 cán bộ lãnh đạo và Kiểm sát viên, trong đó có 13 Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, Phó Hiệu trưởng, 9 Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh, 63 Viện trưởng, 40 Phó Viện trưởng Viện kiểm sát huyện; đồng thời, rà soát số cán bộ kế cận bổ sung cho quy hoạch cán bộ những năm 1986-1990. Tiếp tục xác định chức danh cho từng loại cán bộ, xếp ngạch bậc, cấp phát trang phục, Giấy chứng minh để thực hiện Quy chế Kiểm sát viên.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL