Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc nội dung ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Ngành; việc kiện toàn bộ máy làm việc của VKSND các địa phương; về tổ chức biên chế của Viện kiểm sát quân sự; những kết quả nổi bật trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát.

Đề bạt, bổ nhiệm 713 cán bộ lãnh đạo và Kiểm sát viên các cấp

Năm 1985, ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Ngành (26/7/1960 - 26/7/1985) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh - phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng. Báo cáo tổng kết 25 năm hoạt động của Ngành đã tổng kết về những vấn đề chung có quan hệ đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động của VKSND. 

Bản tổng kết đánh giá đúng mức những thành tích đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành Kiểm sát; đồng thời, chỉ rõ những tồn tại và nguyên nhân. Từ hoạt động thực tiễn trong 25 năm, ngành Kiểm sát rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm giúp toàn Ngành tiếp tục xây dựng và phát triển trong thời gian tiếp theo.

leftcenterrightdel
 Huân chương Hồ Chí Minh - phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng cho ngành Kiểm sát nhân dân năm 1985.

Năm 1986, thực hiện chỉ đạo của VKSND tối cao về kiện toàn bộ máy làm việc của VKSND các địa phương, đội ngũ lãnh đạo và Kiểm sát viên các cấp được đề bạt, bổ sung, tăng cường không những về số lượng mà cả về chất lượng. Trong năm 1986, đề bạt, bổ nhiệm 713 cán bộ lãnh đạo và Kiểm sát viên các cấp. VKSND cấp huyện có 3.804 cán bộ, trong đó có 2.109 Kiểm sát viên, chiếm 55,44%, hình thành được ba bộ phận công tác. VKSND cấp tỉnh có 2.296 cán bộ, trong đó có 623 Kiểm sát viên trung cấp, 508 Kiểm sát viên sơ cấp. 

Trong tổng số biên chế toàn Ngành, Kiểm sát viên các cấp chiếm 49%, đảng viên chiếm tỷ lệ 70%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và điều động cán bộ tăng cường cho cơ sở đạt kết quả tốt. Công tác xây dựng chức danh đã xác định rõ chức trách, nhiệm vụ của các địa phương, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, xác định biên chế phù hợp cho từng địa phương, đơn vị, từng bước đi đến ổn định biên chế trong toàn Ngành.

Tuy nhiên, số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên còn thấp, việc triển khai thực hiện Quy chế ngạch, bậc Kiểm sát viên còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Còn một số cán bộ, Kiểm sát viên phẩm chất đạo đức kém, vi phạm pháp luật. Cán bộ chuyên môn nghiệp vụ ở cấp tỉnh, thành phố chưa được kiện toàn tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là khâu hình sự. 

Lực lượng cán bộ lãnh đạo, Kiểm sát viên các cấp bị hẫng hụt, số đến tuổi được nghỉ hưu ngày một nhiều, trong khi đó số trẻ có khả năng thay thế còn ít. Nhiều huyện còn thiếu Viện trưởng, Phó Viện trưởng. Gần 1/3 số phòng ở Viện kiểm sát tỉnh, thành chưa có trưởng phòng. Riêng lực lượng Kiểm sát viên tỉnh, huyện nhất là ở phía Nam còn thiếu quá nhiều.

Đối với các Viện kiểm sát quân sự, ngay từ năm 1980, tổ chức biên chế đã được chấn chỉnh. Ngày 3/6/1980, Bộ Tổng tham mưu ra Quyết định số 240/QĐ-TM quy định về tổ chức biên chế của Viện kiểm sát quân sự Trung ương. 

Viện kiểm sát quân sự Trung ương gồm có: 1 Viện trưởng, 2 Phó Viện trưởng; phòng Kiểm sát chung: 6 sĩ quan; phòng Kiểm sát điều tra, kiểm sát giam giữ: 14 sĩ quan; phòng Kiểm sát xét xử, Kiểm sát thi hành án: 17 sĩ quan; phòng Nghiên cứu kế hoạch: 8 sĩ quan; phòng Tổng kết: 8 sĩ quan; phòng Hành chính: 4 sĩ quan và 9 hạ sĩ quan chiến sĩ; Ban Xét khiếu tố: 3 sĩ quan. 

Đồng thời, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 293/QĐ-QP giải thể Viện kiểm sát quân sự khu Trung ương và chuyển giao nhiệm vụ kiểm sát của Viện kiểm sát quân sự khu Trung ương cho Viện kiểm sát quân sự Trung ương đảm nhiệm. Sau khi Hiến pháp năm 1980 và Luật Tổ chức VKSND năm 1981 ban hành, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Lê - Viện trưởng VKSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự các cấp tiếp tục kiện toàn tổ chức theo quy định của đạo luật mới.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Lê - Viện trưởng VKSND tối cao thăm hỏi cán bộ cơ quan VKSND tối cao. (Ảnh tư liệu)

Ngày 3/1/1986, Hội đồng Nhà nước công bố Pháp lệnh Tổ chức Viện kiểm sát quân sự. Pháp lệnh xác định Viện kiểm sát quân sự có ba cấp, gồm: Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Viện kiểm sát quân sự các quân khu, quân chủng, tổng cục và cấp tương đương; Viện kiểm sát quân sự các tỉnh, quân đoàn và khu vực. 

Thực hiện Pháp lệnh, năm 1986, Viện kiểm sát quân sự các cấp kiện toàn tổ chức. Việc Nhà nước ban hành Pháp lệnh Tổ chức Viện kiểm sát quân sự là một bước tiến mới trong việc hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và hoạt động của một trong những cơ quan pháp luật trong quân đội, tạo điều kiện cho Viện kiểm sát quân sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuận lợi, đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả hơn.

Toàn Ngành chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được toàn Ngành chú trọng, coi đây là biện pháp quan trọng và lâu dài để nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động kiểm sát. Nhằm đáp ứng nhu cầu về cán bộ, nhất là ở Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố phía Nam, công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ được khẩn trương tiến hành trong toàn Ngành bằng nhiều hình thức, như: Mở lớp ngắn hạn tại chức, mở lớp sáu tháng theo chương trình trung cấp ở địa phương; rút kinh nghiệm thực tế qua từng chuyên đề; tổ chức tập huấn nghiệp vụ; có nơi, bồi dưỡng theo chương trình sơ cấp hai tháng cho cán bộ mới vào Ngành. 

Viện kiểm sát các cấp thường xuyên cử cán bộ đi học các lớp chính trị cao cấp, trung cấp, sơ cấp, tại chức, các lớp chính trị cơ bản ở trường Đảng. Nhiều cán bộ được cử đi học tại trường Đảng cao cấp, trường quản lý kinh tế, quản lý hành chính. Chú trọng xây dựng Viện kiểm sát cấp huyện, mở các lớp đào tạo cấp tốc.

Để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ cho toàn Ngành, theo đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao, ngày 1/10/1976, Phó Thủ tướng Chính phủ Đỗ Mười ký Quyết định giao cơ sở Trường Đảng miền Tây cho Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát. Thực hiện Quyết định này, tháng 1/1977, Nhà trường đã tiếp nhận xong cơ sở mới. Việc quyết định cho Nhà trường một trụ sở ổn định có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để Trường thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát.

Năm 1976, Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát được kiện toàn tổ chức để thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ của Ngành ở trình độ cao đẳng và trung cấp kiểm sát, đồng thời, chuẩn bị điều kiện để mở các lớp chuyên tu cao đẳng kiểm sát. Bộ máy của Nhà trường gồm: Ban Giám hiệu, 5 tổ bộ môn và 3 phòng chức năng. Đồng chí Bạch Thành Phong là Hiệu trưởng, đồng chí Vũ Quang Chính, Đoàn Văn Chương (tức Việt Hùng) là Phó Hiệu trưởng. Tổng biên chế của Nhà trường có gần 100 cán bộ, trong đó có 25 giảng viên.

Lãnh đạo VKSND tối cao chú trọng bổ sung cán bộ lãnh đạo cho Ban Giám hiệu và các đơn vị của Nhà trường. Tháng 2/1978, đồng chí Nguyễn Văn Thìn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng thay đồng chí Bạch Thành Phong nghỉ hưu. Các đồng chí Nguyễn Phúc Hy, Nguyễn Huy Thuân được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Nhà trường.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên còn thiếu, Trường vẫn giành được nhiều kết quả. Năm 1976, Trường tổ chức bế giảng cho 102 học viên trình độ trung cấp kiểm sát (khoá 1974 - 1976) và tiếp tục triển khai khoá đào tạo trung cấp kiểm sát dành cho các tỉnh phía Nam với tổng số 130 học viên (khoá 1975 - 1977); tuyển sinh khai giảng đào tạo 228 học viên trung cấp kiểm sát cho toàn quốc (khoá 1976 - 1978). Cũng trong năm 1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng lựa chọn chọn 6 cán bộ của VKSND tối cao và Nhà trường làm giáo viên giảng dạy tại Khoa Pháp lý, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội - Khoa Pháp lý đầu tiên của nước ta.

Năm 1977, Viện trưởng VKSND tối cao ra Quyết định số 04/QĐ-TC giao cho Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát đào tạo cán bộ ngành Kiểm sát có trình độ cao đẳng. Tháng 8/1977, hệ chuyên tu cao đẳng kiểm sát khoá I và tháng 10/1979, hệ tại chức cao đẳng kiểm sát khoá I được khai giảng tại Trường. Trong điều kiện nước ta chưa có Trường đại học Luật thì việc mở các lớp chuyên tu và tại chức hệ cao đẳng kiểm sát là một cố gắng rất lớn trong công tác đào tạo cán bộ của ngành Kiểm sát. Đây là mô hình đào tạo phù hợp với điều kiện khách quan của đất nước và của ngành Kiểm sát về cả quy mô, hình thức, đối tượng và thời gian đào tạo.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL