Toàn Ngành thực hiện một cách chủ động tích cực hơn nữa chức năng, nhiệm vụ

Để đáp ứng tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Luật Tổ chức VKSND năm 1981 tách quy định về công tác kiểm sát việc chấp hành án ra khỏi công tác kiểm sát xét xử; bổ sung cũng như cụ thể hoá nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ của VKSND với các ngành hữu quan trong công tác kiểm sát việc chấp hành án, trong công tác kiểm sát giam giữ, cải tạo. Quy định thời hạn cụ thể và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị hữu quan phải thực hiện các yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của VKSND (Điều 8, Điều 11, Điều 17 và Điều 20). 

Luật Tổ chức VKSND năm 1981 cũng quy định cụ thể về tổ chức của Viện kiểm sát, về tổ chức cán bộ như biên chế, bổ nhiệm Kiểm sát viên, các chế độ giấy chứng minh, tiền lương và phụ cấp, trang phục, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật.

Luật Tổ chức VKSND năm 1981 đã cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 1980 về VKSND để đáp ứng yêu cầu bảo đảm pháp chế thống nhất trong tình hình mới. Trên cơ sở những kinh nghiệm thực tiễn của 20 năm hoạt động, quán triệt những ý kiến chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, tiếp thu những ý kiến góp ý sửa đổi Luật Tổ chức VKSND của các ngành, các cấp, Luật mới đề ra những điều kiện thuận lợi cho ngành Kiểm sát xây dựng, hoàn thiện về tổ chức, bộ máy và đội ngũ Kiểm sát viên, bảo đảm hoàn thành được nhiệm vụ.

Tháng 8/1981, Hội nghị tổng kết công tác và quán triệt nội dung Luật Tổ chức VKSND năm 1981 của ngành Kiểm sát được tổ chức tại Nha Trang do Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì. Hội nghị thảo luận và nhất trí chủ trương: Toàn ngành Kiểm sát phải thực hiện một cách chủ động tích cực hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, nhất là trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm, khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong đời sống kinh tế - xã hội, khôi phục và giữ gìn kỷ cương xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm hiệu lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội của Nhà nước và quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Hội nghị xác định nhiệm vụ cơ bản của Ngành kiểm sát trong thời gian tới là tăng cường công tác nghiệp vụ kiểm sát chung, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự và dân sự. Kịp thời và kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử loại trọng tội, bảo vệ và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Đẩy mạnh xây dựng ngành Kiểm sát về các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng. (Ảnh tư liệu)

Từ ngày 27/3/1982 đến ngày 31/3/1982, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội tập trung đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV và ra Nghị quyết về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Đại hội cụ thể hoá đường lối chung và xác định các mục tiêu kinh tế - xã hội trong những năm 1980, nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng trong giai đoạn mới là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Đại hội cũng chỉ rõ nhiệm vụ trong 5 năm (1981 - 1985) là cần tăng cường công tác quản lý xã hội, kiên quyết đấu tranh chống các hành vi phạm pháp, tệ nạn xã hội và các biểu hiện tiêu cực khác; đề cao kỷ cương trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, giữ vững trật tự an toàn xã hội; kiên quyết ngăn chặn và trừng trị những hoạt động phá hoại kinh tế, đấu tranh có hiệu quả chống chiến tranh tâm lý, chiến tranh gián điệp của địch... 

Để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật, một mặt, Nhà nước phải khẩn trương xây dựng hệ thống pháp luật để cụ thể hoá Hiến pháp mới, chú trọng hệ thống pháp luật kinh tế và các luật về an ninh xã hội; mặt khác, tăng cường các cơ quan làm công tác pháp luật, gấp rút đào tạo và bồi dưỡng cán bộ pháp lý.

Trước tình hình quyền tự do, dân chủ của công dân bị vi phạm, Đại hội nhấn mạnh: Kiên quyết ngăn ngừa và loại trừ các hành động vi phạm quyền làm chủ tập thể của nhân dân, thẳng tay trấn áp bọn phản cách mạng; trừng trị bọn bóc lột không chịu cải tạo, bọn lưu manh, côn đồ, bọn đầu cơ, buôn lậu, tham ô; xử lý nghiêm minh những cán bộ, nhân viên lợi dụng chức quyền để làm trái pháp luật. 

Đồng thời, thường xuyên phố biến, giải thích pháp luật trong các tầng lớp nhân dân; chấn chỉnh việc xét và giải quyết các đơn từ khiếu tố của nhân dân, giải quyết đến nơi, đến chốn những việc oan ức; những trường hợp quyền lợi công dân bị xâm phạm mà nhân dân yêu cầu thẩm tra, xem xét; kiên quyết bài trừ thói hách dịch, cửa quyền, vô trách nhiệm...

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V có ý nghĩa quan trọng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội phản ánh những tư duy đổi mới của Đảng đang được hình thành, nhấn mạnh nông nghiệp là mặt trận hàng đầu trong chặng đường trước mắt, coi ổn định tình hình kinh tế - xã hội là nhiệm vụ bức thiết nhất.

Kiện toàn hệ thống tổ chức theo Luật Tổ chức VKSND năm 1981

Trên cơ sở Hiến pháp năm 1980 và Luật Tổ chức VKSND năm 1981, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, VKSND tối cao hướng toàn bộ hoạt động của Ngành vào việc học tập, nghiên cứu, tập huấn, quán triệt và tổ chức thi hành Nghị quyết của Đảng và đạo luật mới. Đồng thời, Ban lãnh đạo Viện tập trung chỉ đạo VKSND các cấp kiện toàn hệ thống tổ chức VKSND theo Luật Tổ chức VKSND năm 1981.

Cơ cấu tổ chức của VKSND tối cao: Đồng chí Trần Lê - Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao. Các Phó Viện trưởng gồm: Đồng chí Trần Hiệu, Trần Tề, Nguyễn Quốc Hồng. Năm 1982, đồng chí Trần Hiệu nghỉ hưu. Tháng 9/1982, các đồng chí Nguyễn Văn Thìn, Nguyễn Lư, Nguyễn Nam Thắng được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng VKSND tối cao. Ủy ban Kiểm sát gồm các đồng chí lãnh đạo VKSND tối cao và một số Kiểm sát viên VKSND tối cao.

Hệ thống tổ chức của VKSND từ Trung ương đến địa phương (1976 - 1986) không thay đổi, gồm: VKSND tối cao; VKSND các tỉnh, thành phố; VKSND các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự cấp thứ hai, Viện kiểm sát quân sự khu vực.

VKSND tối cao: Từ 11 đơn vị trực thuộc năm 1976, qua quá trình xây dựng và kiện toàn, đến năm 1981 đã có 19 đơn vị trực thuộc, gồm: 1. Vụ Kiểm sát chung - Vụ 1; 2. Vụ Kiểm sát điều tra án kinh tế - Vụ 2A; 3. Vụ Kiểm sát điều tra án trị an - Vụ 2B; 4. Vụ Kiểm sát điều tra án an ninh - Vụ 2C; 5. Vụ Kiểm sát xét xử án hình sự - Vụ 3; 6. Vụ Kiểm sát giam giữ - Vụ 4; 7. Vụ Kiểm sát xét xử án dân sự - Vụ 5; 8. Vụ Điều tra thẩm cứu - Vụ 6; 9. Vụ Kiểm sát xét khiếu tố - Vụ 7; 10. Viện Nghiên cứu khoa học - Vụ 8; 11. Vụ Tổ chức và cán bộ - Vụ 9; 12. Vụ Tổng hợp; 13. Vụ Tài vụ - Xây dựng cơ bản - Vụ 11; 14. Văn phòng; 15. Viện Kiểm sát xét xử phúc thẩm 1 (Hà Nội); 16. Viện Kiểm sát xét xử phúc thẩm 2 (Đà Nẵng); 17. Viện Kiểm sát xét xử phúc thẩm 3 (TP Hồ Chí Minh); 18. Trường Cao đẳng Kiểm sát; 19. Trường Trung cấp Kiểm sát.

Năm 1981, VKSND tối cao đã bổ nhiệm 11/15 Kiểm sát viên cao cấp và cán bộ lãnh đạo cấp vụ, đạt 73%; bổ nhiệm 20 Kiểm sát viên trung cấp, 4 trưởng phòng và 6 phó phòng (vượt 45% so với kế hoạch); đưa tổng số Kiểm sát viên cao cấp và cán bộ lãnh đạo cấp vụ ở VKSND tối cao lên 78 người, đạt 23% so với tổng số biên chế; bình quân mỗi vụ nghiệp vụ có 6 Kiểm sát viên cao cấp.

Ở VKSND cấp tỉnh, thành phố được bổ nhiệm 140 người; cấp huyện 430 người, kế hoạch đạt 97%, cao hơn năm 1980 là 12%.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL