Từ bài này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc nội dung VKSND mở rộng, kiện toàn tổ chức và hoạt động trên quy mô cả nước vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1976-1986). Trong đó, VKSND đã tích cực mở rộng, kiện toàn tổ chức theo Luật Tổ chức VKSND năm 1960 và năm 1981, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đại thắng mùa Xuân 1975 đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội. Trải qua hơn 20 năm tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, miền Bắc đã đạt được những thành tựu lớn và toàn diện, xây dựng được những cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội. Nhưng, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ kéo dài và hết sức ác liệt đã tàn phá nặng nề, gây hậu quả lâu dài đối với miền Bắc.

Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Nền kinh tế trong chừng mực nhất định phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa, song vẫn mang tính chất của nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ là phổ biến, phát triển mất cân đối, lệ thuộc nhiều vào viện trợ từ bên ngoài. Các tệ nạn xã hội như: Ma túy, lưu manh, bụi đời... khá phổ biến. 

Ở miền Bắc, tuy chiến tranh đã chấm dứt sau Hiệp định Pari năm 1973, nhưng do sự tàn phá nặng nề của hai lần chiến tranh phá hoại, nên nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế trở nên bức thiết. Đồng thời với việc tiếp tục khôi phục và phát triển kinh tế, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Bắc còn phải ra sức làm tròn nghĩa vụ của căn cứ địa cách mạng cả nước trong giai đoạn mới. 

Miền Bắc tích cực chuẩn bị kế hoạch, điều động vào miền Nam một khối lượng lớn vật chất và hàng vạn cán bộ, công nhân để tăng cường cho các địa phương, các cơ sở sản xuất, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế..., góp phần vào việc tiếp quản vùng mới giải phóng và ổn định tình hình chính trị, xã hội, thực hiện bước chuyển biến cách mạng từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975. 

Ở miền Nam, tiếp quản vùng mới giải phóng là nhiệm vụ được tiến hành từ rất sớm. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình, ngày 1/4/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam công bố Chính sách Mười điểm đối với vùng mới giải phóng. 

Áp dụng Chính sách Mười điểm trên, miền Bắc đã điều hàng vạn cán bộ vào Nam, trong đó có đoàn cán bộ VKSND tối cao vào tiếp quản cùng đoàn cán bộ TAND tối cao. Đoàn gồm có 7 người. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Hiệu - Phó Viện trưởng VKSND tối cao vào tiếp quản Giám sát viện và triển khai các việc xung quanh dự thảo ba sắc luật về tư pháp (tổ chức Tòa án - Viện kiểm sát; thủ tục bắt giam khám xét; tội phạm và hình phạt) và Nghị định thành lập 21 Viện kiểm sát các tỉnh miền Nam. Đồng thời, chuẩn bị mở lớp huấn luyện ngắn hạn cấp tốc. VKSND tối cao điều động hàng loạt cán bộ đưa vào Nam để phụ trách Viện kiểm sát cấp tỉnh. 

Đến đầu tháng 5/1975, hệ thống chính quyền cách mạng trên toàn bộ vùng giải phóng miền Nam được thành lập. Một hệ thống chính quyền cách mạng từ Trung ương, tức Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đến các cấp cơ sở ở tỉnh, huyện, xã được hình thành. Chính quyền cách mạng các cấp cùng các đoàn thể quần chúng đã thực hiện những biện pháp nhanh chóng ổn định tình hình chính trị, xã hội, giữ vững và phát huy những thành quả cách mạng đã giành được. 

Ngày 25/4/1976, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trên toàn quốc. Đây là lần thứ hai cuộc tổng tuyển cử được tổ chức trong cả nước (sau lần đầu tiên tổ chức ngày 6/1/1946). Hơn 23 triệu cử tri (98,8% tổng số cử tri) đi bầu và bầu 492 đại biểu. Thắng lợi của tổng tuyển cử có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. 

leftcenterrightdel
Quốc hội biểu quyết thông qua Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội thống nhất, ngày 2/6/1976 (Ảnh: quochoi.vn) 

Trong bối cảnh đó, ngành Kiểm sát được tổ chức và hoạt động trên phạm vi cả nước. Hệ thống cơ quan tư pháp ở các tỉnh miền Nam được thành lập là một yêu cầu khách quan để từng bước thực hiện thống nhất về mặt Nhà nước. 

Về công tác tổ chức cán bộ, ngành Kiểm sát chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc rèn luyện, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, sắp xếp lại một bước đội ngũ cán bộ các cấp trong Ngành và đáp ứng nhu cầu của miền Nam, đồng thời đẩy mạnh cải tiến tổ chức quản lý, cải tiến chỉ đạo thực hiện để bảo đảm nhiệm vụ chính trị của Ngành trong tình hình mới theo đúng chức năng, phương châm, phương thức công tác kiểm sát với hiệu suất cao. 

Năm 1975, VKSND tối cao đã xây dựng dự thảo kế hoạch cán bộ hai năm 1975 - 1976, dự thảo quy hoạch 1976 - 1980; bổ nhiệm 261 Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên cấp huyện và cấp tỉnh, thành phố; đề nghị Ban Bí thư xét duyệt, bổ nhiệm 31 cán bộ lãnh đạo cấp vụ và Kiểm sát viên cao cấp của VKSND tối cao; điều chỉnh bổ sung cán bộ cho một số Viện kiểm sát địa phương và một số đơn vị nghiệp vụ của VKSND tối cao, tăng tỷ lệ biên chế cho Viện kiểm sát cấp huyện. Rút 100 cán bộ các Viện kiểm sát địa phương và ở VKSND tối cao để bố trí cho các Viện kiểm sát tỉnh, thành phố phía Nam. 

Theo đó, đồng chí Nghệ Hà - Phó Viện trưởng VKSND TP Hà Nội được điều vào làm Phó Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Luân - Phó Vụ trưởng Vụ 2A được điều vào làm Phó Viện trưởng VKSND TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thị Thành được điều vào làm Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Thị Trúc được điều vào làm Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng. 

Trước khi đi nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Viện trưởng Hoàng Quốc Việt đã gặp gỡ, căn dặn các đồng chí phải luôn giữ vững phẩm chất người cán bộ Kiểm sát đã được Đảng và Bác Hồ trực tiếp đào tạo, giáo dục tại miền Bắc xã hội chủ nghĩa, luôn xứng đáng với lời dạy của Người. 

Ở miền Bắc, các tỉnh hợp nhất cũng đã bố trí, sắp xếp cán bộ phụ trách của Ngành và ổn định tổ chức. Do có sự chuẩn bị trước nên công tác cán bộ đã đáp ứng kịp thời cho nhu cầu tổ chức của VKSND các tỉnh phía Nam sau giải phóng. 

Thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III), lãnh đạo VKSND tối cao nhanh chóng triển khai công tác xây dựng Ngành trên phạm vi cả nước. Đồng thời với việc tăng cường cán bộ nghiệp vụ, cán bộ khảo sát nghiên cứu công tác đào tạo cán bộ cho các tỉnh phía Nam, Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát cũng tiếp tục kiện toàn bộ máy và cán bộ để mở rộng quy mô đào tạo. Nhà trường cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ: Đào tạo Trung cấp kiểm sát và chuẩn bị điều kiện để mở các lớp chuyên tu Cao đẳng kiểm sát. Xây dựng Nhà trường về mọi mặt nhằm nâng cao lên trình độ cao đẳng.

Ngày 7/7/1975, đồng chí Trần Hiệu - Phó Viện trưởng VKSND tối cao dẫn đầu đoàn cán bộ vào tiếp quản, tiếp nhận cơ sở của Giám sát viện ở Sài Gòn và chuẩn bị cho việc thành lập hệ thống Viện kiểm sát ở các tỉnh phía Nam. 

Thực hiện chủ trương trên, công tác tổ chức cán bộ của các cấp trong Ngành tích cực triển khai nhiều công việc cụ thể, góp phần đưa ngành Kiểm sát vươn lên trước các yêu cầu ngày càng cao của cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa vi phạm, tội phạm, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL