Trong phần này, Báo Bảo vệ pháp luật giới thiệu đến bạn đọc nội dung Chỉ thị số 229-CT/TW ngày 20/1/1976 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương; Sắc luật số 01-SL/76 và Sắc luật số 02-SL/76 của Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

Hướng dẫn các VKSND tỉnh, thành phố xây dựng quy chế chức trách của các tổ nghiệp vụ

Để rèn luyện, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, các cấp trong ngành Kiểm sát đã tổ chức học tập nghiêm túc Nghị quyết 23, Nghị quyết 24 của Trung ương Đảng, liên hệ kiểm điểm và vận dụng nội dung các Nghị quyết đó vào công tác của Ngành, đã mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn ngày cho cán bộ mới vào Ngành, cán bộ miền núi, tổ chức học tập bản tổng kết 10 năm, tiếp tục mở các lớp đào tạo cán bộ mới, cử cán bộ theo học các lớp chính trị, văn hoá hệ tập trung, tại chức...

Về mặt cải tiến tổ chức quản lý và chỉ đạo, trong năm 1975, ngành Kiểm sát đã tiến hành xây dựng dự thảo điều lệ, quy chế, chức trách của một số đơn vị nghiệp vụ ở VKSND tối cao, hướng dẫn các VKSND tỉnh, thành phố xây dựng quy chế chức trách của các tổ nghiệp vụ, chấn chỉnh một bước việc làm báo cáo, thống kê.

leftcenterrightdel
Nhân dân chào đón quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu 

Trước tình hình an ninh trật tự ở các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, ngày 20/1/1976, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị số 229-CT/TW về cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, trong đó nêu rõ: Cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam là cuộc đấu tranh gay go, phức tạp và lâu dài. Trước mắt cần chĩa mũi nhọn đấu tranh chủ yếu vào các thế lực phản cách mạng hiện hành, Tư sản mại bản và tàn dư phong kiến.

Thực hiện Chỉ thị số 229-CT/TW, nhằm kiên quyết xử lý đối với các đối tượng Tư sản mại bản, ngày 15/3/1976, Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam ra Quyết định số 29-QĐ/76 quy định về chính sách xử lý đối với các tên Tư sản mại bản phạm tội lũng đoạn, đầu cơ, tích trữ, phá rối thị trường.

Theo đó, “Tuỳ theo tội nặng, nhẹ mà các tên Tư sản mại bản bị xử phạt tù 3 năm, 5 năm đến chung thân, tử hình và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Các đối tượng là cán bộ, viên chức Nhà nước có liên quan đến Tư sản mại bản như: Lợi dụng chức quyền của mình để ăn hối lộ, bao che, tiếp tay cho Tư sản mại bản tiếp tục các hoạt động chống đối cách mạng về kinh tế hay chính trị cũng bị đưa ra xét xử trước TAND đặc biệt và có thể bị áp dụng các hình phạt như: Kỷ luật hành chính, tịch thu tài sản do hối lộ mà có, xử tù từ 1 đến 5 năm, trường hợp nghiêm trọng có thể xử đến mức tử hình”.

Ban hành Sắc luật về công tác tư pháp

Đất nước mới được thống nhất, việc áp dụng pháp luật của cả hai miền Nam, Bắc chưa kịp hoà nhập và áp dụng thống nhất, để ổn định tình hình pháp chế, ngày 15/3/1976, Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra Sắc luật số 01-SL/76 về công tác tư pháp. Đây là những văn bản pháp lý đầu tiên về chính sách hình sự, tạo cơ sở pháp lý thống nhất để đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo vệ an ninh, trật tự chung của đất nước.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976) của Đảng. (Ảnh: tư liệu)

Sắc luật số 01-SL/76 của Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam gồm 5 chương, 20 điều quy định về tổ chức và nguyên tắc hoạt động của TAND, VKSND nhằm đấu tranh chống những tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm cho pháp luật, chính sách của chính quyền cách mạng được chấp hành nghiêm chỉnh, bảo vệ chính quyền cách mạng, thực hiện chuyên chính đối với bọn phản cách mạng, mở rộng dân chủ đối với Nhân dân, giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ tài sản công cộng, bảo vệ tính mạng, tài sản và các quyền lợi hợp pháp khác của công dân.

Sắc luật quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của VKSND trong bộ máy Nhà nước. Cụ thể: Giám sát việc chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước trong công tác của các CQĐT, bảo đảm việc điều tra và việc bắt giam được thực hiện đúng pháp luật, chính sách; tự mình điều tra những tội phạm khi xét thấy cần thiết, truy tố những kẻ phạm tội trước TAND.

Khởi tố hoặc tham gia tố tụng trong những vụ án dân sự quan trọng liên quan đến lợi ích của Nhà nước và của công dân; giám sát việc chấp hành pháp luật, chính sách của Nhà nước trong việc thi hành án hình sự, dân sự và trong việc giam, giữ, cải tạo ở các trại giam...

Thông qua việc chấp hành nhiệm vụ của mình, các Viện kiểm sát kiến nghị với các cơ quan Nhà nước hoặc các đoàn thể nhân dân những biện pháp cần thiết nhằm loại trừ những nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật; kháng nghị bản án hoặc quyết định của TAND nếu phát hiện có sai lầm.

Sắc luật cũng quy định nguyên tắc, cơ cấu tổ chức của VKSND tập trung, thống nhất, được tổ chức theo ngành dọc, gồm có: Các VKSND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, VKSND phúc thẩm. VKSND cấp dưới chịu sự chỉ đạo của VKSND cấp trên.

Về chế độ bổ nhiệm, Viện trưởng, Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên của VKSND phúc thẩm do Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam bổ nhiệm. Đối với Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên VKSND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, VKSND thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm theo đề nghị của UBND cách mạng cùng cấp.

Sắc luật số 02-SL/76 của Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam gồm có 9 điều, quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan tư pháp và hành chính các cấp trong việc thực hiện các biện pháp bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật.

Nguyên tắc của việc bắt, giam, khám xét phải có lệnh viết của cơ quan có thẩm quyền, trừ trường hợp phạm tội quả tang và trường hợp khẩn cấp. VKSND là cơ quan có quyền ra lệnh bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật và phê chuẩn các lệnh đó do các cơ quan có thẩm quyền gửi đến trong những vụ án hình sự. UBND cách mạng từ cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên có quyền ra lệnh bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật đối với những phần tử cần tập trung cải tạo. TAND có quyền ra lệnh bắt, giam người phạm tội trong những vụ án hình sự đang thụ lý.

Lệnh bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật của Trưởng hoặc Phó cơ quan an ninh từ cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên phải được sự phê chuẩn của VKSND cùng cấp nếu là vụ án hình sự, hoặc của UBND cách mạng cùng cấp, nếu là trường hợp tập trung cải tạo. UBND cách mạng xã, phường có nhiệm vụ báo cáo với VKSND, UBND cách mạng hoặc cơ quan an ninh quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về những trường hợp cần bắt giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật và sau khi có lệnh viết của cơ quan có thẩm quyền thì tiến hành thi hành lệnh và dẫn ngay người bị bắt đến cơ quan đã ra lệnh.

Đối với trường hợp bắt người tạm giam trong trường hợp bắt phạm tội quả tang hoặc khẩn cấp thì cơ quan an ninh hoặc Viện kiểm sát phải xét hỏi ngay và trong thời hạn 3 ngày, kể từ khi nhận người bị bắt, các cơ quan này phải xét, ra quyết định trả tự do, tha hoặc tạm tha hoặc giải người bị bắt lên cấp trên nếu vụ án thuộc thẩm quyền của cấp trên. Viện kiểm sát có quyền ra lệnh, phê chuẩn lệnh tạm giam. Thời hạn tạm giam không được quá 2 tháng đối với các vụ thường phạm có hình phạt từ 5 năm tù trở xuống; 4 tháng đối với các vụ phạm tội xâm phạm an ninh chính trị và các vụ có hình phạt từ trên 5 năm tù.

Nếu xét cần thiết cho việc điều tra thì lệnh tạm giam có thể gia hạn một hoặc hai lần. Vụ việc đặc biệt phức tạp cần có thời gian điều tra dài hơn thì việc gia hạn phải được phê chuẩn của cơ quan Tư pháp Trung ương. Nghiêm cấm việc tra tấn hoặc dùng nhục hình khi thực hiện bắt, giam, xét hỏi. Nếu thực hiện việc khám xét trái pháp luật thì phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Đây là văn bản pháp lý đầu tiên trong lịch sử miền Nam Việt Nam, công khai những nguyên tắc về việc bắt, giam, khám người, khám nhà ở, khám đồ vật của những người có hành vi phạm pháp và quyền hạn cụ thể của cơ quan tư pháp và hành chính các cấp trong vấn đề này. Những quy định của Sắc luật thể hiện rõ tính chất hai mặt của pháp chế xã hội trong tố tụng hình sự, bảo đảm yêu cầu đấu tranh kịp thời và kiên quyết chống mọi âm mưu và hành động của bọn phản cách mạng, bọn tội phạm vi phạm chính sách, pháp luật, đồng thời luôn coi trọng, bảo đảm tính mạng, tài sản cá nhân, quyền tự do, dân chủ của nhân dân, khắc phục tình trạng bắt, giam tuỳ tiện.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Cuốn “Lịch sử Viện kiểm sát nhân dân” (Sơ thảo).

BVPL